Theo số liệu của Tổng cục Hải quan Việt Nam, năm 2016 kim ngạch xuất nhập khẩu giữa Việt Nam và Liên minh Kinh tế Á - Âu (EAEU) đạt 3,04 tỷ USD, tăng 23% so với năm 2015. Trong đó, xuất khẩu của Việt Nam đạt 1,77 tỷ USD, tăng 10%, xuất khẩu của EAEU sang Việt Nam đạt 1,27 tỷ USD, tăng 45%. Về tổng thể, Nga chiếm khoảng 90% trong tổng kim ngạch thương mại giữa Việt Nam và EAEU. Những số liệu sơ bộ của 10 tháng đầu năm 2017 cũng cho thấy thương mại giữa Việt Nam và khối EAEU đang tiếp tục tăng trưởng. Thương mại 10 tháng đầu năm 2017 giữa Việt Nam và Nga đạt 2,84 tỷ USD (tăng 27% so với cùng kỳ năm 2016), trong đó xuất khẩu của Việt Nam sang Nga đạt 1,79 tỷ USD (tăng 33%), nhập khẩu từ Nga đạt 1,05 tỷ USD (tăng 17%).
“Các cơ quan chức năng của Việt Nam và EAEU đang tích cực triển khai các nội dung của VN-EAEU FTA trong nhiều lĩnh vực phi quan thuế như phòng vệ thương mại, quy tắc xuất xứ, quản lý hải quan, các rào cản kỹ thuật, các biện pháp vệ sinh an toàn thực phẩm và kiểm dịch động thực vật, mua sắm chính phủ, sở hữu trí tuệ, phát triển bền vững... nhằm thuận lợi hóa tối đa thương mại giữa hai bên”, bà Nguyễn Khánh Ngọc cho biết. Ngoài ra, trong khuôn khổ song phương, Việt Nam và các nước thành viên EAEU cũng đã ký kết thêm các văn kiện mới và tạo ra các cơ hội cho doanh nghiệp thâm nhập thị trường của nhau.
“Để quan hệ hợp tác kinh tế-thương mại giữa Việt Nam và EAEU phát triển mạnh mẽ hơn nữa và tận dụng hiệu quả cam kết trong VN-EAEU FTA, sự chủ động và quan tâm của cộng đồng doanh nghiệp đóng vai trò hết sức quan trọng”, bà Ngọc nói. Thời gian qua, các doanh nghiệp hai bên đã rất tích cực tham dự các hội thảo phổ biến, tuyên truyền về VN - EAEU FTA. Việc tham dự các hội chợ, triển lãm và diễn đàn doanh nghiệp có phần tích cực hơn. Trong khuôn khổ chuyến thăm chính thức Belarus và Nga của Chủ tịch nước Trần Đại Quang vào cuối tháng 6/2017, đã có hơn 600 doanh nghiệp hai nước đến tham dự Diễn đàn Doanh nghiệp Việt-Nga và gần 400 doanh nghiệp dự Diễn đàn Doanh nghiệp Việt Nam - Belarus.
Các quốc gia có nhiều ưu thế tương đồng thường mong muốn liên kết để tạo sức mạnh tổng hợp lớn hơn, giống như sức bền mạnh hơn nhiều của một bó đũa so với một chiếc đũa, bà Ngọc nhận xét. Vì thế, các nước thuộc Liên Xô cũ đang có xu hướng liên kết và điển hình là EAEU; mô hình của EAEU tương tự Liên minh châu Âu. Việt Nam và EAEU là các nền kinh tế bổ trợ nhau (không tương đồng nhau), do đó hai bên không có nhu cầu sáp nhập, tức là Việt Nam sẽ không có nhu cầu gia nhập EAEU, bà Ngọc nói.
Tăng cường quan hệ đối tác Á-Âu
Ngày 1/12, tại Đà Nẵng, Cuộc họp Hội đồng các thống đốc Quỹ Á-Âu (ASEF) lần thứ 37 tiếp tục ngày làm việc thứ hai. Cuộc họp nhất trí rằng, trong thập niên thứ ba, ASEF cần đóng góp vào nỗ lực của Diễn đàn Hợp tác Á-Âu (ASEM) trong tiên phong thúc đẩy quan hệ đối tác Á-Âu và hợp tác đa phương trong kỷ nguyên số, đẩy mạnh giao lưu, tăng cường hiểu biết, hợp tác trên sáu lĩnh vực ưu tiên của ASEF gắn với công nghệ số hóa. Đây sẽ là động lực cho kết nối, tăng trưởng bền vững, bao trùm của ASEM.