Trải nghiệm tàu cao tốc Trung Quốc

Trải nghiệm tàu cao tốc Trung Quốc
TP - Hơn 3 tháng sau vụ tai nạn tàu cao tốc ở thành phố Ôn Châu, tỉnh Chiết Giang, Trung Quốc, chúng tôi, một đoàn nhà báo Việt Nam đã có dịp tận mắt chứng kiến và “tận hưởng” tiện ích mang tên tàu cao tốc, dù đến nay, những con tàu ấy vẫn không ngừng gây ra tranh cãi.

Trung Quốc giảm tốc độ tàu cao tốc
> Chạy thử tàu cao tốc Bắc Kinh - Thượng Hải

8giờ 30 tối 23-7, con tàu cao tốc mang số hiệu D3115 (D có nghĩa nó thuộc thế hệ tàu cao tốc đầu tiên của Trung Quốc) đang từ thủ phủ Hàng Châu của tỉnh Chiết Giang bon bon tới Ôn Châu thì bất thình lình bị chết máy do dính sét đánh, gây mất điện. Con tàu, lẽ ra phải giữ vận tốc khoảng 100km/h để tạo khoảng cách cho các tàu chạy phía sau đã không hề nhúc nhích trong nhiều phút. Và điều tệ hại đã xảy ra. Một tàu cao tốc khác mang số hiệu D301 đã đâm phải tàu D3115 từ phía sau. Hậu quả thực sự kinh hoàng: 40 người chết và hơn 100 người bị thương.

Sau sự kiện ấy, làn sóng chỉ trích tàu cao tốc ở Trung Quốc đã dâng lên mạnh mẽ, nhất là khi một quan chức thuộc ủy ban điều tra nói thảm kịch này lẽ ra hoàn toàn có thể tránh được vì tai nạn là do lỗi thiết kế nghiêm trọng.

Trung Quốc hiện là nước có số km đường ray tàu cao tốc lớn nhất thế giới (gần 9.700km) dù phát triển hình thức giao thông này sau rất nhiều nước. Ước tính rằng, đến năm 2012, số km đường tàu cao tốc ở Trung Quốc sẽ vượt qua toàn bộ “phần còn lại của thế giới” cộng lại.

Nhưng sau tai nạn ở Ôn Châu, tham vọng xuất khẩu tàu cao tốc ra thế giới của Trung Quốc dường như đã tiêu tan khi không ai dám nói chắc về sự an toàn của những con tàu chạy 400km/h “made in China”.

Hôm nay đoàn chúng tôi có mặt tại ga Thiên Tân để đáp tàu cao tốc đi Bắc Kinh với lộ trình khoảng 120km. Trước mặt tôi lúc này là con tàu thuộc serie CRH3, là dòng tàu cao tốc hiện đại hơn rất nhiều nếu so với dòng D đời đầu. Nhưng cần nhớ rằng, giữa tháng 8 vừa rồi, tập đoàn quốc gia Trung Quốc CNR chuyên chế tạo tàu cao tốc hôm qua cũng công bố triệu hồi 54 tàu tốc hành CRH380BL của họ sử dụng trên tuyến Bắc Kinh - Thượng Hải để kiểm tra lại. CNR cũng ngừng giao hàng những con tàu mới do có trục trặc ở hệ thống tự động bảo vệ.

Theo giới thiệu của nhà tàu, CRH3 là một phiên bản của tàu Siemens Velaro (Đức), được sử dụng ở các tuyến liên thành phố Bắc Kinh- Thiên Tân, Vũ Hán- Quảng Châu, Trịnh Châu- Tây An. Tàu này có khả năng đạt tốc độ 380km/h, tức là về lý thuyết, có thể chạy từ Hà Nội vào Vinh (Nghệ An) trong chưa đầy một tiếng đồng hồ, từ Hà Nội vào TPHCM chỉ trong nửa ngày. Tuy nhiên, khác với tàu Siemens Velaro, tàu CRH3 được thiết kế để khoang hành khách rộng thêm 30cm để bố trí thêm ghế ngồi.

Tàu CRH3gồm 8 khoang hành khách, dài khoảng 200m, có sức chứa khoảng 550 người. Ngày 24-6-2008, con tàu CRH3 số hiệu 0001C đã đạt tới vận tốc 394,3 km/h trong một chuyến chạy thử trên tuyến Bắc Kinh-Thiên Tân.

Đây được xem là kỷ lục thế giới mới của một con tàu chạy trên đường ray qui ước. Tàu CRH3 đã rút ngắn thời gian chạy tàu trước đó từ Bắc Kinh đến Thiên Tân (120km) từ 70 xuống còn 30 phút. Tức là 6h sáng lên tàu từ Hà Nội, chỉ ngồi nghe chưa hết 5-6 bài hát trên điện thoại di động, bạn đã có thể khoan khoái bước xuống ga tàu ở Hải Phòng, ghé vào một mái hiên gọi ngay một tô bánh đa cua nóng hổi cho bữa sáng.

Tất nhiên giá vé tàu cao tốc thì không thể và không nên mang ra so với tàu chợ. Để đi một “cuốc” từ Thiên Tân về Bắc Kinh với loại ghế phổ thông, bạn phải chi khoảng 200.000 đồng. Tuy nhiên, nếu so với mức sống của những đô thị lớn ở Trung Quốc thì mức giá 66 nhân dân tệ ấy không phải là quá cao.

Sau khi các khoang nhanh chóng được lấp đầy, con tàu nhẹ nhàng “chuyển bánh”. Tốc độ tăng dần, 100, 150, 200, rồi 280 km/h. Lúc cao nhất, tàu đạt xấp xỉ 300km/h. Tuy nhiên, biểu hiện của một con tàu đang chạy với vận tốc vài trăm km/h ấy tác động lên cảm giác của hành khách, rõ nhất là những cảnh vật chuyển động vùn vụt qua khung cửa sổ. Tàu như đang lướt trên một tấm đệm không khí, êm ru mặc dù tôi biết nó đang chạy trên đường ray đàng hoàng. Phong cảnh từ Bắc Kinh về Thiên Tân trong tiết trời chớm đông hiện lên đẹp như tranh vẽ bên khung cửa sổ. Dọc hai bên đường là những hàng cây, hoặc vàng rực, hoặc đỏ ối được trồng với ý đồ tạo khung cảnh rất rõ. Xa xa, thỉnh thoảng một bóng giáo đường ẩn hiện trong sương mờ (mà cũng có thể là khói bụi công nghiệp) khiến tôi có cảm giác đang ở một vùng đồng quê châu Âu nào đó. Quả là sự lan tỏa của hệ thống đô thị ở Trung Quốc hiện diện khắp mọi nơi. Giữa đồng không mông quạnh, xung quanh bốn bề là rừng cây, cánh đồng, mà cứ chốc chốc lại thấy mọc lên sừng sững vài tòa cao ốc kiểu chung cư đang xây dở mà chiều cao hiện tại đếm nhanh cũng phải đến 15-17 tầng.

Tuy nhiên, mối quan tâm của tôi tới cảnh vật bên ngoài đã bị ảnh hưởng khá trầm trọng vì sự xuất hiện của hai nữ nhân viên nhà tàu xinh đẹp, tươi tắn trong đồng phục. Ngỡ họ đi soát vé, nhưng không phải. Việc chính của hai em này là chào mời khách mua những vật phẩm kỷ niệm liên quan đến tàu cao tốc Trung Quốc như móc khóa có hình tàu cao tốc, hoặc mô hình con tàu… Chẳng biết vì lần đầu tiên được đi tàu cao tốc nên muốn mua cái gì đó làm kỳ niệm, hay vì hai cô bé cười “lừa tình” quá mà mấy anh nhà báo Việt Nam thi nhau móc ví. Chỉ trong vòng 15 phút, hai em gái đã bán hết veo số đồ mang theo.

Tuy nhiên,theo dõi kỹ tốc độ con tàu thì thấy, mức 300km/h chỉ duy trì trong vài phút, tốc độ trung bình khoảng 150km/h, thậm chí có lúc tàu chỉ chạy với vận tốc 80km/h. Chẳng biết có phải sau vụ tai nạn ở Ôn Châu, nhà tàu không còn quá chú trọng vào tốc độ chạy tàu hay không nữa. Dù gì thì sau một giờ xuất phát từ ga tàu ở Thiên Tân, chúng tôi đã có mặt tại Bắc Kinh.

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG