> ‘Trai đẹp trục xuất' và những sự thật
> Huyền Ny diện kiến 'trai đẹp bị trục xuất'
Vấn đề cuồng thần tượng của giới trẻ được nhắc đến nhiều trên mặt báo. Sự kiện mời “hụt” diễn viên Hàn Quốc Lee Min Ho với số tiền 12 tỷ hoặc câu chuyện chàng trai không tay không chân Nick sang Việt Nam đã dấy lên làn sóng dư luận trái chiều về truyền thông, về cách ứng xử của một bộ phận giới trẻ Việt Nam với người nổi tiếng.
Lần này, “chàng đẹp trai bị trục xuất” người Ả rập được mời sang Việt Nam làm từ thiện còn gây bức xúc, phản ứng mạnh từ dư luận về sự nhảm nhí, tầm thường. PGS Văn Như Cương – Hiệu trưởng Trường THPT Lương Thế Vinh cho rằng: “Không đáng để bỏ đống tiền mời một chàng trai đẹp sang Việt Nam làm từ thiện”.
PGS Văn Như Cương - Hiệu trưởng Trường THPT Lương Thế Vinh bàn về giới trẻ cuồng thần tượng hiện nay. |
Doanh nghiệp chạy theo lợi nhuận?
- Sự kiện “chàng trai bị trục xuất” Omar đến Việt Nam theo lời mời của một doanh nghiệp đang là chủ đề khá "hot", ông có nghe thông tin đó chứ?
PGS Văn Như Cương: Tôi có đọc qua. Thật nực cười khi Việt Nam lại mời một anh chàng đẹp trai ở nước nào đó như kiểu thần tượng qua để làm từ thiện.
- Nhưng nhiều người sẵn sàng chi 20 triệu để ăn tối với chàng đẹp trai Omar đó, nếu là ông , ông có bỏ ra số tiền đó không?
PGS Văn Như Cương: Không bao giờ! Tại sao những người ấy không lấy 20 triệu đó để làm từ thiện chứ không phải bỏ đống tiền để ngồi ăn với anh chàng sang Việt Nam làm từ thiện?
Chàng đẹp trai "bị trục xuất" được mời sang Việt Nam để làm từ thiện tạo cơn sốt trong dư luận. |
- Nhưng anh ấy là người nổi tiếng trên thế giới và nhận được sự hâm hộ của bạn trẻ Việt Nam, có thể thấy “fan” ra sân bay hò hét gọi tên anh ấy, tạo fanpage trên mạng xã hội facebook phát cuồng vì "chàng trai đẹp bị trục xuất".
PGS Văn Như Cương: Không nên và không đáng mời một chàng diễn viên, người mẫu đẹp trai sang Việt Nam để làm từ thiện. Bởi ở Việt Nam có nhiều nhân vật làm được việc đó chứ không phải bỏ ra mấy tỷ để mời chàng trai đó sang!
Theo tôi, nếu một vài em ra sân bay hò hét gọi tên, để ngắm vẻ đẹp trai, gặp anh chàng này thì là chuyện bình thường. Nhưng nếu là số đông, hàng trăm người thì đó trở thành hiện tượng và cần phải quan tâm, xem xét lại cách định hướng giới trẻ hiện nay.
- Trong năm 2013, có một số người nổi tiếng sang Việt Nam và nhận được nhiều ý kiến trái chiều, thậm chí là bức xúc trong dư luận. Liệu đây có phải là trào lưu mới?
PGS Văn Như Cương: Doanh nghiệp mời có lẽ chỉ vì lợi nhuận, nghĩ đến doanh thu, quảng bá thương hiệu chứ không phải vì mục đích giáo dục. Cũng như doanh nghiệp Tôn Hoa Sen có lẽ đã có nhiều doanh thu, lợi nhuận “ảo” sau sự kiện mời Nick Vujicic sang Việt Nam.
Giới trẻ chạy theo thần tượng mù quáng
- Hiện tượng cuồng thần tượng của giới trẻ không phải chuyện cũ. Quan điểm của ông về vấn đề này như thế nào?
PGS Văn Như Cương: Tôi có nghe vài thông tin trường hợp bạn trẻ khóc vì không được gặp thần tượng, hôn lên ghế ngồi của anh chàng ca sỹ, diễn viên Hàn Quốc gì đó hoặc dọa bố mẹ đòi tự tử nếu không cho gặp thần tượng…
Giới trẻ hiện nay có thói không hay lắm là “a dua”, “bầy đàn”. Ví dụ, thấy bạn có điện thoại di động đẹp, mới cũng sắm bằng được; phong trào trên facebook cũng học theo, cuồng thần tượng ca sỹ Hàn Quốc…Tôi nghĩ, tôn sùng thần tượng phải đúng đắn, tránh lệch hướng.
Rất nhiều người hâm hộ đến sân bay chào đón chàng đẹp trai Omar vào ngày 11/9. |
Vậy thần tượng như thế nào là đúng hướng thưa ông?
PGS Văn Như Cương: Thần tượng ai đó là bản thân mình nghĩ đó là hình mẫu để phấn đấu, cảm thấy thích thú và quyết tâm trở thành người được như họ, ví dụ một doanh nhân tài giỏi đi lên từ hai bàn tay trắng, một vị giáo sư có đóng góp lớn cho nước nhà, thế giới…, nhà khoa học hoặc một diễn viên tài ba hoặc chỉ là những người thân xung quanh mình như bố mẹ, thầy cô, bạn bè…
Tôi thấy hình tượng thanh niên của người Việt Nam như Lý Tự Trọng, Kim Đồng, Phan Đình Giót…đang bị bỏ quên, sao không ai coi đó là thần tượng?
Tôi nhớ câu chuyện vận động viên cầu lông Nguyễn Tiến Minh giành huy chương thế giới cách đây không lâu, sự tiếp đón anh ở sân bay là sự trái ngược với việc người “nổi tiếng” được mời về Việt Nam. Thật đáng buồn khi anh trở về, chỉ có một ông bố ra chụp ảnh, không ai ra đón, trước hết là những người lãnh đạo.
- Bản thân PGS thần tượng ai?
PGS Văn Như Cương: Thần tượng có thể thay đổi theo thời gian. Một thời gian tôi thần tượng Fidel Castro bởi tích cách quyết liệt, sau đó khâm phục tài năng và tính cách của Putin.
Thạc sỹ Nguyễn Hoàng Khắc Hiếu – giảng viên khoa Tâm lý học, ĐH Sư phạm TP.HCM lý giải: “Việc thích trai đẹp là diễn biến tâm lý ở tuổi mới lớn. Mình tôn trọng sở thích cá nhân của mỗi người nếu việc thích thần tượng của bản thân không làm gì quá đáng, ảnh hưởng đến người khác thì không đáng lên án. Còn nếu cuồng thần tượng mà bỏ bê học hành, cãi cha mẹ, làm hại người khác, chúng ta mới phê phán. Cuồng thần tượng chỉ người mất đi lý trí, chỉ có cảm xúc, không phân biệt thế nào đúng sai, không kiểm soát được hành động của bản thân, yêu thần tượng một cách mù quáng chứ không dừng lại ở mức độ thích. |
Theo Đình Phong
Trí Thức Trẻ