Trách nhiệm thuộc công an phường

Trách nhiệm thuộc công an phường
TP - Đó là ý kiến của luật sư- thạc sỹ Phạm Văn Phất (Đoàn luật sư tỉnh Quảng Ninh), khi được hỏi về việc làm thế nào để lực lượng dân phòng, tự quản đô thị… tránh mắc sai phạm.

> Tự quản đô thị: Lôm côm, múa gậy, dừng xe
> Bài 1: Rối từ trang phục đến tên gọi

Theo ông, cần những biện pháp gì để dân phòng hay tự quản đô thị không lạm quyền, không làm trái, khi họ tham gia giữ gìn an ninh trật tự?

Dân phòng, còn gọi là tự quản đô thị hoặc đúng hơn là bảo vệ dân phố, là lực lượng được UBND phường ký hợp đồng lao động, trả tiền công hằng tháng, nhưng công an phường mới là cơ quan trực tiếp phân công công việc cho họ, giám sát hoạt động của họ.

Theo Nghị định 38 của Chính phủ, nhiệm vụ của họ là hỗ trợ cho lực lượng công an trong công tác giữ gìn an ninh trật tự trên địa bàn họ cư trú.

Vì vậy, theo tôi, nếu phường nào để xảy ra hiện tượng bảo vệ dân phố có những hành vi gây bức xúc cho người dân như tự động dừng phương tiện giao thông, kiểm tra người và phương tiện giao thông… trách nhiệm trước hết thuộc về công an phường đó.

Tôi cho rằng trước hết những cán bộ chiến sỹ công an phường phải làm gương cho bảo vệ dân phố. Từ ý thức nâng cao hiểu biết và tôn trọng pháp luật, đến tinh thần trách nhiệm trong công việc, thái độ đối với người dân, người cán bộ công an phải làm gương để lực lượng dân phòng noi theo.

Theo ông, dân phòng có là một nghề? Làm thế nào để họ gắn bó với “nghề” này?

Theo các văn bản pháp quy, dân phòng hoặc bảo vệ dân phố không phải là công chức, viên chức, mà là các lực lượng quần chúng, được hình thành và hoạt động ngay tại địa phương nơi họ cư trú.

Vì vậy, họ còn có tên khác, như tự quản đô thị, tự quản trật tự… Lực lượng này tham gia hỗ trợ công an phường trên tinh thần tự nguyện. Mức thù lao của họ cũng thấp, tôi nghĩ rằng không đủ tái sản xuất sức lao động cho họ.

Theo tôi thì đây không phải là một nghề. Để họ gắn bó với công việc, theo tôi, điều này phải xuất phát từ công tác tuyển dụng họ, và đặc biệt là phải bồi dưỡng kiến thức pháp luật cho họ.

Ông từng nói đến việc phải bồi dưỡng kiến thức pháp luật cho dân phòng. Ông có thể nói kỹ hơn?

Người tham gia dân phòng, bảo vệ dân phố nhất thiết phải được học khóa học về pháp luật; họ phải có kiến thức tối thiểu về các luật, bộ luật cần thiết cho công việc của họ, như Bộ luật Hình sự, Bộ luật Tố tụng hình sự, Luật Phòng cháy chữa cháy, Luật Giao thông đường bộ.

Họ không buộc phải hiểu sâu về các luật này, nhưng những quy định tối thiểu như ai có thẩm quyền dừng và kiểm tra phương tiện giao thông, trình tự, thủ tục thực hiện việc này ra sao, thì họ phải biết.

Và như trên đã nói, nếu để lực lượng dân phòng, bảo vệ dân phố chưa nắm rõ được các quy định như vừa nêu, trách nhiệm thuộc về công an phường trực tiếp phụ trách họ.

Cám ơn luật sư!

Lê Anh
thực hiện

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG
Thông tin mới nhất về cây đa đổ gục ở đền Bà Kiệu
Thông tin mới nhất về cây đa đổ gục ở đền Bà Kiệu
TPO - Do ảnh hưởng của cơn bão YAGI, cây đa phía sau đền Bà Kiệu (mặt phố Lò Sũ) đã bị bật gốc trước sức gió khủng khiếp, gây thiệt hại đến công trình phụ trợ. Ban Quản lý di tích danh thắng Hà Nội tích cực phối hợp với lực lượng chức năng để nhanh chóng khắc phục hậu quả sau bão.