Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ:

Trách nhiệm Bộ Giáo dục trong việc tổ chức thi chưa thực sự đầy đủ

Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ phát biểu trong hội nghị tổng kết năm học 2017-2018, triển khai nhiệm vụ năm học 2018-2019. Ảnh: Như Ý
Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ phát biểu trong hội nghị tổng kết năm học 2017-2018, triển khai nhiệm vụ năm học 2018-2019. Ảnh: Như Ý
TPO - “Trách nhiệm chỉ đạo, quản lý tổ chức thi, vai trò giám sát của Bộ GDĐT trong tất cả các khâu tổ chức thi tại địa phương cũng như trách nhiệm của địa phương trong việc tổ chức thi chưa thật sự đầy đủ; còn để xảy ra tình trạng tiêu cực và gian lận có tổ chức tại một số hội đồng thi, gây tâm lý lo ngại trong học sinh và dư luận xã hội”- Bộ trưởng Nhạ nhấn mạnh.

Đó là một trong những nội dung được Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ chia sẻ trong hội nghị tổng kết năm học 2017-2018, triển khai nhiệm vụ năm học 2018-2019 diễn ra sáng nay tại Hà Nội.

Nói về một số hạn chế của Kỳ thi, Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ cho rằng, đề thi chưa thật sự phù hợp với Kỳ thi THPT quốc gia, trong đề thi có những câu hỏi có độ khó cao, nhằm mục đích phân hóa kết quả thi của thí sinh nhưng đã làm cho đề thi khó hơn đề thi các năm trước, khó so với yêu cầu của thi THPT;             

Cũng theo Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ, phần mềm chấm trắc nghiệm đã được hoàn thiện một bước, cơ bản đáp ứng yêu cầu chấm thi. Tuy nhiên, còn có những kẽ hở trong bảo mật có thể dẫn đến bị lợi dụng để làm sai lệch kết quả thi;

“Trách nhiệm chỉ đạo, quản lý tổ chức thi, vai trò giám sát của Bộ GDĐT trong tất cả các khâu tổ chức thi tại địa phương cũng như trách nhiệm của địa phương trong việc tổ chức thi chưa thật sự đầy đủ; còn để xảy ra tình trạng tiêu cực và gian lận có tổ chức tại một số Hội đồng thi, gây tâm lý lo ngại trong học sinh và dư luận xã hội”- bộ trưởng Nhạ nhấn mạnh.

Dựa trên kết quả phân tích dữ liệu điểm thi của các địa phương và tiếp nhận thông tin từ dư luận phản ánh dấu hiệu về kết quả điểm thi cao bất thường của một số Hội đồng thi tại một số tỉnh, Bộ GD&ĐT đã thành lập các tổ công tác của Ban Chỉ đạo thi THPT quốc gia thực hiện kiểm tra, tổ chức chấm thẩm định kết quả thi tại Hà Giang, Sơn La, Lạng Sơn, Hòa Bình, Lâm Đồng, Bến Tre.

Với tinh thần nghiêm túc, kiên quyết xử lý nghiêm các sai phạm, Bộ GDĐT đã phối hợp với Bộ Công an và các đơn vị chức năng kịp thời xác minh làm rõ, xử lý các sai phạm, thông báo kết quả chấm thẩm định và thông tin đầy đủ cho các thí sinh, các cơ quan truyền thông.

“Đồng thời, đề nghị Trưởng ban Chỉ đạo thi các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương nghiêm túc rà soát, đánh giá quy trình tổ chức thi tại địa phương nhất là khâu coi thi, chấm thi; trong quá trình rà soát nếu phát hiện sai phạm, kịp thời báo cáo Bộ GDĐT và căn cứ tình hình cụ thể có thể đề nghị cơ quan công an phối hợp, điều tra làm rõ trách nhiệm của tổ chức, cá nhân có liên quan, xử lý theo đúng quy định của pháp luật nhằm đảm bảo khách quan, công bằng cho các thí sinh”- bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ nói.

Tổ chức chấm thi theo hướng chấm tập trung theo các cụm

Theo báo cáo của Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Phạm Mạnh Hùng, kỳ thi THPT quốc gia năm 2018 được tổ chức theo hướng giữ ổn định về cơ bản phương án thi năm 2017, đồng thời nâng cao độ phân hóa của đề thi đảm bảo phát huy năng lực sáng tạo của thí sinh và đáp ứng tốt hơn yêu cầu xét công nhận tốt nghiệp THPT và xét tuyển đại học, cao đẳng, trung cấp; điều chỉnh điểm ưu tiên nhằm đảm bảo sự công bằng hơn giữa các thí sinh ở các vùng miền khác nhau; quy định “điểm sàn” riêng với ngành sư phạm để nâng cao chất lượng đầu vào sư phạm.

Sau khi có kết quả chấm thi, Bộ GDĐT đã phân tích phổ điểm và các thông số thống kê của tất cả các bài thi/môn thi. Kết quả cho thấy, phổ điểm của tất cả các bài thi, môn thi cho thấy tính phân hóa, phân loại của từng môn thi, có độ phân hóa rõ ràng, đánh giá được năng lực của thí sinh, đạt được mục đích, yêu cầu đề ra của kỳ thi. Tỷ lệ tốt nghiệp chung toàn quốc đạt 97,57%, trong đó giáo dục THPT đạt 98,36%, giáo dục thường xuyên đạt 88,37%.

Cũng theo thứ trưởng Phạm Mạnh Hùng, trong năm tới sẽ tiếp tục hoàn thiện kỳ thi trung học phổ thông quốc gia lấy kết quả để xét công nhận tốt nghiệp THPT và làm căn cứ tuyển sinh giáo dục đại học, tuyển sinh giáo dục nghề nghiệp, khắc phục tình trạng chạy theo thành tích trong giáo dục, giảm áp lực cho học sinh, gia đình và xã hội.

Cụ thể là: rà soát, đánh giá nghiêm túc, xử lý kịp thời những tiêu cực và hạn chế bất cập xảy ra trong Kỳ thi THPT quốc gia năm 2018 để rút kinh nghiệm trong quản lý, chỉ đạo tổ chức thi; tiếp tục bổ sung ngân hàng câu hỏi thi làm cơ sở để xây dựng đề thi đáp ứng tốt hơn mục đích, yêu cầu của Kỳ thi THPT quốc gia.

Đặc biệt, hoàn thiện phần mềm chấm thi theo hướng tăng cường tính bảo mật, ngăn ngừa nguy cơ gian lận trong chấm thi; cải tiến phương thức tổ chức chấm thi theo hướng chấm tập trung theo các cụm và tăng cường chức năng quản lý nhà nước, vai trò giám sát, thanh, kiểm tra của Bộ GDĐT và trách nhiệm đối với các Hội đồng thi.

MỚI - NÓNG