> Mong chờ được pháp luật công nhận hôn nhân đồng tính
Pháp luật bảo vệ người yếu thế, không nhất thiết là số đông
Phát biểu của ông Thất được đưa ra trong hội thảo về người chuyển giới “Khát vọng được là chính mình” tại Hà Nội sáng 29-8 do iSEE (Viện nghiên cứu Kinh tế, Xã hội và Môi trường) tổ chức.
“Phải trả lại tên cho em, một người là nữ trong thân xác nam thì phải cho phép xác định lại giới tính là nữ”.
Ông Thất khẳng định quyền của cộng đồng (tạm gọi là) người chuyển giới (transgender), đó là được sống đúng với giới tính thực.
Việc đó không những không phạm pháp mà còn cần được pháp luật bảo vệ vì người chuyển giới đang phải chịu nhiều rủi ro, bất công. Vụ trưởng Vụ hành chính tư pháp xếp người chuyển giới vào nhóm “yếu thế”, cần được bảo vệ quyền lợi.
“Tôi không đồng ý với ý kiến cho rằng phải thống kê xem người chuyển giới ở Việt Nam có đông đảo hay không, chứng minh việc bảo vệ quyền lợi của họ là cấp thiết rồi mới làm luật. Thẩm quyền và thủ tục đăng ký xác định giới tính của cá nhân nên được quy định trong Luật Hộ tịch như thế nào, tôi cần tập hợp hồ sơ để đề xuất lên kỳ họp Quốc hội sắp tới vào tháng 10, dù tháng 5 năm sau Quốc hội mới quyết định có thông qua hay không”.
Người chuyển giới đang đối mặt với nghèo đói và cái chết
Sở dĩ có riêng một hội thảo để bàn về quyền lợi của người chuyển giới là vì lâu nay người chuyển giới vẫn bị xếp cùng nhóm với người đồng tính. Trong khi đó, hai nhóm này khác nhau rất rõ, thậm chí người chuyển giới còn được coi là dị tính vì khi xem bản thân mình là nam, họ có xu hướng yêu nữ và ngược lại.
Người chuyển giới không nhất thiết trải qua phẫu thuật chuyển đổi giới tính, họ đơn giản là người nữ trong thân xác nam và ngược lại. Bên cạnh khác biệt cơ bản đó, những khó khăn khi gặp phải không đơn giản là chuyện tình cảm và bị kỳ thị.
Nghèo đói là khó khăn hiển hiện. Công việc phổ biến của người chuyển giới là hát đám ma hoặc bán dâm vì họ không có lựa chọn nào khác để kiếm sống. “Đứng giữa đường giữa sá để làm gái, không ai muốn. Nhóm mấy đứa tụi em làm nghề hát đám ma bị gọi chung là gái. Quản lý nhóm gọi là má mì. Đi hát rất tủi nhục, thậm chí phải quỳ lạy, bị chửi là pê đê để được ném cho 20.000 đồng”, Cát Thy, một cô gái đã chuyển giới, chia sẻ trong hội thảo. “Chúng tôi muốn làm cô giáo, thầy giáo, làm những nghề bình thường để đóng góp cho xã hội”.
Cát Thy cũng nhắc đến một số bài báo gần đây viết về “tạp kỹ pê đê” trong các đám ma ở TP HCM với góc nhìn đầy kỳ thị. Cô khẳng định những bài báo phiến diện, thiếu cảm thông như vậy khiến cộng đồng người chuyển giới rất đau lòng.
Thứ giấy tờ cơ bản nhất của một con người là giấy chứng minh nhân dân, đối với người chuyển giới cũng là cả một vấn đề nan giải. Cát Thy kể, cô không được làm CMND vì có khuôn mặt đàn ông nhưng thân hình nữ giới. Vì thế, cô không thể đi máy bay mà phải đi tàu hỏa 1 ngày 2 đêm để ra Hà Nội dự hội thảo.
Phẫu thuật hay không là lựa chọn của mỗi người, nhưng khi đã “đâm lao” thì người chuyển giới đối mặt với rất nhiều nguy hiểm về sức khỏe. Điều đáng lo nữa là, người chuyển giới có tâm lý bất cần với cả tính mạng vì với họ, được sống với giới tính mình mong muốn là khát khao lớn nhất, kể cả phải chết.
“Em muốn được phẫu thuật rồi sống một giờ thôi cũng được, chỉ cần được chết trong thân xác người phụ nữ” là chia sẻ của một bạn trẻ, được TS Phạm Quỳnh Phương, người thực hiện đề tài nghiên cứu về cộng đồng người chuyển giới, công bố trong hội thảo.
“Đã bị người đời coi là pê đê rồi thì bọn em không cần gì hết. Bọn em cứ mua kim và hooc môn về tiêm. Có thể bị teo cơ, liệt cơ, khô rút xương, ảnh hưởng thần kinh… Kệ. Em chấp nhận tất cả để thoát khỏi thân xác người đàn ông”- Cát Thy nói.
Gặp Bộ trưởng Bộ Tư pháp?
“Tôi nghĩ đến việc đưa các bạn chuyển giới đến gặp và kể chuyện của mình cho Bộ trường Bộ Tư pháp, người chỉ đạo việc soạn thảo luật. Không có hồ sơ, tài liệu thống kê nào thuyết phục bằng sự xuất hiện và lời kể của chính các bạn”, ông Trần Thất đưa ra đề xuất nhận được nhiều cái gật đầu đồng tình.
Việc đại biểu thuộc Bộ Tư pháp, Bộ Y tế có mặt và đưa ý kiến cụ thể trong hội thảo 29-8 mở ra nhiều hy vọng với cộng đồng người chuyển giới ở Việt Nam.
Hầu hết những người tham gia đều ngạc nhiên với kết quả thảo luận của hội thảo này, khi sự chú ý không chỉ hướng vào những người chuyển giới xuất hiện và kể câu chuyện của họ, mà chính các nhà làm luật cũng đứng lên và đóng góp ý kiến.