TPHCM ứng phó triều cường kết hợp mưa lớn

0:00 / 0:00
0:00
TP - Mưa lớn cộng với triều cường dâng khiến đời sống sinh hoạt của người dân TPHCM những ngày qua bị đảo lộn. Cơ quan chức năng liên tục cảnh báo và chuẩn bị sẵn sàng lực lượng ứng phó nếu gặp tình huống khẩn cấp.

Học sinh phải về sớm vì triều cường

TPHCM đổ mưa lớn từ đầu giờ chiều 18/10. Cơn mưa khiến nhiều tuyến đường ngập sâu và người dân di chuyển khó khăn. Nằm ở khu vực có mưa kết hợp triều cường dân, Trường THCS Nguyễn Hiền (quận 7) ra thông báo khẩn yêu cầu học sinh tan trường sớm. Ông Võ Hồng Chương, Phó hiệu trưởng nhà trường, thông báo trường điều chỉnh giờ ra về lúc 15h50 thay vì 16h30. Việc này giúp phụ huynh, học sinh thuận lợi trong việc đưa đón, di chuyển.

TPHCM ứng phó triều cường kết hợp mưa lớn ảnh 1

Đường Trần Xuân Soạn, quận 7, TPHCM bị ngập do triều cường. Ảnh: H.H

Về nguyên nhân của cơn mưa lớn chiều qua (18/10), Đài Khí tượng thủy văn khu vực Nam bộ nhận định do TPHCM chịu ảnh hưởng của rãnh áp thấp xích đạo có trục vắt qua khu vực Nam bộ - Nam Trung bộ tồn tại từ tầng thấp lên các tầng cao. Trên cao, áp cao cận nhiệt đới có trục qua Bắc bộ lấn tây trở lại. Đồng thời, nhiễu động gió đông trên cao hoạt động tốt và duy trì trên khu vực Nam bộ. Những hình thái trên tương tác với nhau khiến thời tiết khu vực có nhiễu động.

Cơ quan khí tượng dự báo mực nước tại các trạm vùng hạ lưu hệ thống sông Sài Gòn- Đồng Nai lên theo kỳ triều cường rằm tháng Chín (âm lịch) và ở mức cao. Đỉnh triều cao nhất đợt này có khả năng xuất hiện vào 2 ngày 18 và 19/10. Trạm Phú An và Nhà Bè có thể đạt mức 1,7-1,75m (trên báo động 3 khoảng 0,1-0,15m). Trạm Thủ Dầu Một (sông Sài Gòn) đạt mức 1,75-1,8m (trên báo động 3 khoảng 0,15-0,2m). Tại trạm Biên Hòa (sông Đồng Nai) đạt mức 2,05-2,1m (trên báo động 2 khoảng 0,05-0,1m). Cơ quan khí tượng cảnh báo đây là kỳ triều cường cao trong năm. Do đó, người dân cần đề phòng mưa lớn kết hợp với triều cao gây ngập úng ở các vùng trũng thấp, ven sông.

Ban Chỉ huy Phòng thủ dân sự phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn TPHCM vừa yêu cầu các cơ quan chức năng, TP Thủ Đức và các quận, huyện Củ Chi, Hóc Môn, 12, Gò Vấp, Bình Thạnh, 4, 7, Nhà Bè... chuẩn bị sẵn sàng lực lượng, phương tiện, vật tư để kịp thời xử lý, gia cố bờ bao xung yếu ngay từ giờ đầu theo phương châm “4 tại chỗ”, không để xảy ra tình trạng bể, tràn bờ bao, sự cố cửa van cống kiểm soát triều gây ngập úng ảnh hưởng đến đời sống, sinh hoạt và sản xuất của người dân.

Gỡ vướng dự án chống ngập 10.000 tỷ đồng

Mới đây, UBND TPHCM báo cáo Thủ tướng Chính phủ, các phó thủ tướng, các bộ về tình hình phân bổ, giải ngân kế hoạch đầu tư vốn ngân sách nhà nước năm 2024 và khó khăn, vướng mắc trong quá trình triển khai thực hiện.

Để hỗ trợ việc thúc đẩy giải ngân, TPHCM kiến nghị Thủ tướng Chính phủ sớm trình Quốc hội xem xét, ban hành Luật Đầu tư công năm 2024, trong đó quan tâm, xem xét các ý kiến góp ý của thành phố tại các công văn và các nội dung tại phiếu ý kiến theo Công điện 106/2024 của Thủ tướng Chính phủ. Thành phố cũng kiến nghị Chính phủ tháo gỡ liên quan các dự án trọng điểm trên địa bàn. Đối với dự án Giải quyết ngập do triều khu vực TPHCM có xét đến yếu tố biến đổi khí hậu (giai đoạn 1), UBND TPHCM đã có báo cáo trình Thủ tướng Chính phủ đề xuất phương án tháo gỡ cho dự án; đồng thời cũng kiến nghị Thủ tướng sớm có ý kiến chỉ đạo đối với đề xuất của UBND TPHCM. Sau khi có ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng, thành phố sẽ tiếp tục thực hiện các bước tiếp theo để thúc đẩy quá trình tiếp tục triển khai thực hiện dự án.

Dự án Giải quyết ngập do triều khu vực TPHCM có xét đến yếu tố biến đổi khí hậu (thường gọi là dự án chống ngập 10.000 tỷ đồng) do Công ty CP Đầu tư xây dựng Trung Nam làm nhà đầu tư, với mục tiêu kiểm soát ngập do triều cường và chủ động ứng phó biến đổi khí hậu cho vùng diện tích 570 km2 với khoảng 6,5 triệu dân thuộc khu vực bờ hữu sông Sài Gòn và trung tâm TPHCM. Dự án chính thức khởi công vào tháng 6/2016, dự kiến hoàn thành sau 3 năm. Tuy nhiên, hiện dự án vẫn chưa xác định được thời gian hoàn thành dù đã thực hiện hơn 95% khối lượng.

Đồng Nai cảnh báo nguy cơ ngập úng

Tại Đồng Nai, mực nước trên hệ thống sông Đồng Nai đang ở mức khá cao. Dự báo đỉnh triều cao nhất ở trạm Biên Hòa có khả năng xuất hiện từ nay đến ngày 20/10, đạt giữa mức báo động 2 (2m) và báo động 3 (2,2m). Trước diễn biến phức tạp của thời tiết, Sở NN&PTNT tỉnh Đồng Nai vừa phát đi cảnh báo nguy cơ ngập úng, lũ lụt trên diện rộng trong cao điểm mùa mưa năm 2024. Người nuôi trồng thủy sản cần đề phòng khả năng mưa lớn kết hợp với lũ gây ngập lụt, sạt lở bờ sông, suối, các khu vực trũng thấp tại các huyện Tân Phú, Định Quán; vùng hạ lưu sông Đồng Nai và các địa bàn lân cận. UBND các huyện, thành phố Biên Hòa và Long Khánh chỉ đạo các đơn vị trực thuộc phổ biến, kịp thời thông báo đến các hộ nuôi thủy sản biết để chủ động ứng phó, phòng tránh và có kế hoạch sản xuất phù hợp, đảm bảo an toàn về người và tài sản.

Ông Vũ Mạnh Dương, Trưởng phòng NN&PTNT huyện Định Quán, cho biết, khu vực đồi 112 trên địa bàn huyện nằm trong điểm cảnh báo nguy cơ sạt lở trong mùa mưa bão. Huyện đã có cảnh báo nguy cơ sạt lở và xây dựng kế hoạch phòng chống sạt lở. Các điểm có nguy cơ sạt lở ven sông Đồng Nai, sông La Ngà cũng đã được cảnh báo để người dân có kế hoạch phòng tránh, giảm thiểu thiệt hại. Ở huyện Định Quán, những hộ nuôi cá bè trên sông thường xuyên được kiểm tra, nhắc nhở gia cố lại hệ thống dây neo, phao lồng, di chuyển lồng bè vào khu vực kín gió, an toàn, có dòng chảy nhẹ. Các hộ chủ động thu hoạch cá, giảm mật độ nuôi và chuẩn bị sẵn sàng máy bơm, máy sục khí, trang thiết bị cần thiết cùng nhiên vật liệu sẵn sàng ứng phó.

Mạnh Thắng

MỚI - NÓNG