TPHCM: Thủ tục cấp tiền thờ cúng liệt sĩ còn rườm rà

TPHCM: Thủ tục cấp tiền thờ cúng liệt sĩ còn rườm rà
TPO - Chiều 4/7, tại phiên thảo luận tổ kỳ họp thứ 5 HĐND TPHCM, nhiều đại biểu cho biết qua tiếp xúc, nhiều cử tri phản ánh thủ tục cấp tiền thờ cúng liệt sỹ, xin cấp đổi bằng tổ quốc ghi công quá nhiêu khê.

Đại biểu Nguyễn Văn Đạt (quận Bình Tân) cho biết nhiều cử tri bức xúc về thủ tục rườm rà trong việc cấp 500.000 đồng/năm cho những người đang thờ cúng các liệt sỹ (còn gọi là tiền đám giỗ). Theo đó, tất cả những người thân trong dòng tộc phải ký xác nhận người lĩnh đang thờ cúng liệt sỹ mới được nhận tiền.

“Nhiều gia đình, dòng tộc mỗi người cư trú mỗi nơi, muốn xác nhận đầy đủ phải đi tới đi lui, có khi vào Nam, ra Bắc, tốn kém gấp nhiều lần số tiền được cấp. Quy định như vậy khác nào làm khó người thân liệt sỹ. Việc cấp đổi bằng tổ chức ghi công thực hiện từ tháng 7/2016 đến nay chưa xong khiến cử tri rất bức xúc”, đại biểu Nguyễn Văn Đạt phát biểu.

Ông Lê Minh Tấn, Giám đốc Sở Lao động Thương binh và Xã hội (LĐTBXH) cho biết quy định người thân trong dòng tộc uỷ quyền cho người thờ cúng liệt sỹ là theo quy định của chính phủ.

“Trước kia thì khá đơn giản, hiện nay phức tạp. Có trường hợp người trong gia tộc không uỷ quyền. Nếu giải quyết cho người đang thờ cúng nhận tiền thì người liên quan khiếu nại”, ông Tấn giải thích.

Giám đốc Sở LĐTBXH cho biết nếu được phong tặng danh hiệu Bà mẹ Việt Nam anh hùng, các trường hợp nuôi dưỡng, thờ cúng các mẹ sẽ được lĩnh hơn 40 triệu đồng. Từ 1994 đến nay, TPHCM có trên 5.000 mẹ VNAH được phong tặng, truy tặng.

“TPHCM còn 5 trường hợp đủ điều kiện phong tặng, truy tặng bà mẹ VNAH nhưng các thành viên trong gia đình dòng tộc không chịu uỷ quyền, trong đó huyện Củ chi và quận 8 mỗi địa phương còn 2 trường hợp. Quận 6 còn 1 trường hợp đủ điều kiện nhưng chưa được phong tặng. Sở và địa phương vận động nhiều lần nhưng người thân chưa chịu uỷ quyền”, ông Tấn nói.

Giải thích lý do chậm cấp đổi bằng tổ quốc ghi công, ông Tấn cho biết qua thời gian, nhiều huân huy chương, bằng tổ quốc ghi công bằng giấy bị mối ăn, mục, thất lạc,… gia đình xin cấp lại. Tuy nhiên, vào tháng 9/2016, chính phủ có văn bản tạm dừng vì con dấu hết hiệu lực.

“TPHCM đã gửi hơn 3.000 bằng ra Hà Nội nhưng phải dừng, chưa được xem xét”, ông Tấn thông tin.

Chủ tịch HĐND TPHCM Nguyễn Thị Quyết Tâm yêu cầu: Tạm dừng cấp đổi với lí do con dấu rất vô lý. Sở LĐTBXH phải nắm lại và giải thích cho thân nhân các liệt sỹ, không thể bỏ lửng. Đó không phải là cái bằng mà là truyền thống, niềm tự hào của gia đình.

Về 5 trường hợp đủ điều kiện phong tặng bà mẹ VNAH nhưng nội bộ gia đình không uỷ quyền, bà Tâm yêu cầu các địa phương báo cáo nguyên nhân để có phương án giải quyết.

“Giải quyết tiền thờ cúng các liệt sỹ, phải có ngoại lệ, có người dám chịu trách nhiệm. Còn có mặt trận, hội cựu chiến binh giám sát… Mình đừng làm sai, đừng làm dối nhưng phải có ngoại lệ và người dám làm, dám chịu trách nhiệm. Cứ đề xuất UBND TPHCM có chính sách. Nếu cần, HĐND TPHCM sẽ tham gia và chịu trách nhiệm. Đừng cào bằng, làm ảnh hưởng đến tính nhân văn của chính sách này”, bà Tâm nói.

MỚI - NÓNG
Người Việt có đúng là hời hợt và thiếu thói quen đọc sách?
Người Việt có đúng là hời hợt và thiếu thói quen đọc sách?
TPO - Nhiều chuyên gia đồng tính với ý kiến của đại biểu Nguyễn Văn Cảnh (đoàn Bình Định) khi cho rằng người Việt Nam thông minh nhưng thường bỏ phí khả năng do tính hời hợt và thiếu thói quen đọc sách. Một số chuyên gia nhận định việc đọc sách của người Việt hiện nay rất đáng báo động. Có thể nói đến nay Việt Nam chưa thể coi là văn hóa đọc.