TPHCM thu giữ tài sản từ 'đại án' Tập đoàn Vạn Thịnh Phát, Cục Đăng kiểm... đạt kết quả tốt

TPO - Ông Ngô Minh Châu, Trưởng ban Nội chính Thành ủy, Phó trưởng ban Thường trực Ban Chỉ đạo phòng, chống tham nhũng, tiêu cực TPHCM cho biết, thành phố đã thành công trong việc kê biên, phong tỏa và thu giữ tài sản từ nhiều vụ án nghiêm trọng, tiêu biểu là các vụ án xảy ra tại Cục Đăng Kiểm Việt Nam và các trung tâm đăng kiểm ở nhiều địa phương; vụ án xảy ra tại Tập đoàn Vạn Thịnh Phát...

Sáng 11/10, Ban Nội chính Thành ủy - Cơ quan Thường trực Ban Chỉ đạo phòng, chống tham nhũng, tiêu cực TPHCM phối hợp báo Sài Gòn Giải Phóng tổ chức tọa đàm “Giải pháp thu hồi tài sản tham nhũng trên địa bàn TPHCM”.

Ông Ngô Minh Châu, Trưởng ban Nội chính Thành ủy, Phó trưởng ban Thường trực Ban Chỉ đạo phòng, chống tham nhũng, tiêu cực TPHCM (Ban Chỉ đạo) thông tin, công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực nói chung, thu hồi tài sản bị chiếm đoạt, thất thoát trong các vụ án kinh tế, tham nhũng nói riêng luôn được Thành ủy, Ban Chỉ đạo quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo.

Các vụ án tham nhũng, tiêu cực không chỉ gây thất thoát nghiêm trọng về tài sản của Nhà nước mà còn ảnh hưởng đến lòng tin của người dân vào Đảng. Do đó, việc thu hồi tài sản bị chiếm đoạt, thất thoát trong các vụ việc, vụ án hình sự về tham nhũng, kinh tế là nhiệm vụ cấp bách, đòi hỏi sự quyết tâm và nỗ lực không ngừng từ các cấp lãnh đạo, các cơ quan chức năng và toàn xã hội.

TPHCM thu giữ tài sản từ 'đại án' Tập đoàn Vạn Thịnh Phát, Cục Đăng kiểm... đạt kết quả tốt ảnh 1

Ông Ngô Minh Châu trao đổi tại tọa đàm. Ảnh: Ngô Tùng

Tại TPHCM, kể từ khi ra đời, Ban Chỉ đạo đã triển khai nhiều biện pháp hiệu quả trong việc xử lý và thu hồi tài sản từ các vụ án kinh tế, tham nhũng trên địa bàn thành phố. Theo đó, công tác thu hồi tài sản bị chiếm đoạt, thất thoát trong các vụ án kinh tế, tham nhũng đã có những bước tiến quan trọng.

“Chúng ta đã thành công trong việc kê biên, phong tỏa và thu giữ tài sản từ nhiều vụ án nghiêm trọng, tiêu biểu là các vụ án xảy ra tại Cục Đăng kiểm Việt Nam và các trung tâm đăng kiểm ở nhiều địa phương; vụ án xảy ra tại Tập đoàn Vạn Thịnh Phát...”, ông Châu cho biết.

Ông Ngô Minh Châu cũng nêu rõ, tài sản được thu hồi không chỉ đóng góp trực tiếp vào ngân sách Nhà nước mà còn góp phần củng cố lòng tin của người dân vào công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực. Trong một số vụ án lớn, các bị can đã tự nguyện nộp lại tài sản để khắc phục hậu quả ngay trước và trong quá trình xét xử. Đây là kết quả đáng khích lệ, phản ánh sự phối hợp hiệu quả giữa các cơ quan chức năng và những biện pháp truy vết tài sản chặt chẽ, kịp thời.

Dù vậy, công tác thu hồi tài sản bị chiếm đoạt, thất thoát trong các vụ án kinh tế, tham nhũng trong những năm qua tại TPHCM còn gặp nhiều khó khăn và thách thức.

Thu hồi tài sản ngay khi phát hiện hành vi chiếm đoạt

Trao đổi một số cách làm nhằm nâng cao hiệu quả công tác thu hồi tài sản bị chiếm đoạt, thất thoát qua công tác thanh tra, Chánh Thanh tra TPHCM Trần Văn Bảy cho biết, trong giai đoạn 2021 – 2023 và 6 tháng đầu năm 2024, ngành thanh tra thành phố đã thực hiện 828 cuộc thanh tra (gồm 669 cuộc theo kế hoạch và 159 cuộc đột xuất).

Các sai phạm chủ yếu phát hiện qua thanh tra, thuộc các lĩnh vực như quản lý, sử dụng tài chính công, tài sản công, quy hoạch, đất đai, đấu thầu, đấu giá, mua sắm tài sản công, lựa chọn nhà đầu tư, cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước và một số lĩnh vực khác.

TPHCM thu giữ tài sản từ 'đại án' Tập đoàn Vạn Thịnh Phát, Cục Đăng kiểm... đạt kết quả tốt ảnh 2

Ông Trần Văn Bảy thông tin kết quả thu hồi tài sản tham nhũng. Ảnh: Ngô Tùng

Theo ông Bảy, năm 2021, số tiền đã thu hồi là hơn 10,6 tỷ đồng/ tổng số tiền phải thu 22,1 tỷ đồng (đạt tỷ lệ 48,22%) và 104,36m2 đất.

Năm 2022, số tiền đã thu hồi là hơn 37,2 tỷ đồng/ tổng số tiền phải thu hơn 42,3 tỷ đồng (đạt tỷ lệ 87,78%) và 183 m2 đất.

Năm 2023, số tiền đã thu hồi là hơn 20,4 tỷ đồng/ tổng số tiền phải thu gần 30 tỷ đồng (đạt tỷ lệ 78,66%) và 183m2 đất.

Riêng 6 tháng đầu năm 2024, số tiền đã thu hồi là gần 28 tỷ đồng (đạt tỷ lệ 100%) và 26.684 m2 đất/ 29.345,8 m2 đất phải xử lý khác (đạt tỷ lệ 90,9%).

Chánh Thanh tra TPHCM khẳng định, các kết luận thanh tra khi ban hành phải đảm bảo đạt chất lượng hiệu quả, đúng quy định và phù hợp với tình hình thực tiễn địa phương, đơn vị. Qua đó, kiến nghị sửa đổi về cơ chế, chính sách; thu hồi triệt để tiền, tài sản liên quan đến sai phạm...

Ông Bảy cũng nêu rõ, việc ra quyết định thu hồi tài sản ngay khi phát hiện đối tượng thanh tra có hành vi chiếm đoạt, chiếm giữ, sử dụng trái pháp luật hoặc làm thất thoát tài sản của Nhà nước mà không phải đợi kết luận thanh tra, trừ trường hợp luật có quy định khác. Đây cũng là giai đoạn quyết định tính hiệu quả trong việc thu hồi tài sản sai phạm ngay trong quá trình thanh tra.

“Việc kịp thời xử lý, thực hiện quyền tạm giữ, thu hồi tài sản sai phạm trong quá trình thanh tra cũng là một trong những biện pháp hữu hiệu thu hồi tài sản do hành vi trái pháp luật gây ra”, ông Bảy nhấn mạnh.

MỚI - NÓNG