Theo ông Bùi Hòa An, sông Sài Gòn có vị trí chiến lược trong mạng lưới giao thông đường thủy liên vùng của Đông Nam bộ nên cần phải đầu tư hạ tầng, phát triển kinh tế ven sông để mang lại lợi ích cho TPHCM. Hiện nay thành phố đang nghiên cứu phát triển đường ven sông để hình thành trục giao thông dọc hành lang Bắc - Nam, kết nối giao thông các khu vực như quận 12, huyện Hóc Môn, huyện Củ Chi với khu vực trung tâm nhằm phát triển kinh tế- du lịch và chia sẻ áp lực giao thông với một số tuyến đường hiện hữu hiện nay.
Sông Sài Gòn có vị trí chiến lược quan trọng trong phát triển kinh tế- du lịch |
Ông Nguyễn Văn Dũng, Trưởng phòng Kinh tế TP.Thủ Đức cho biết, lãnh đạo TP.Thủ Đức cũng xác định phát triển kinh tế ven sông, gắn liền với du lịch đường thủy là hướng đi quan trọng của địa phương. TP.Thủ Đức đã có định hướng phát triển 7 tuyến đường ven sông như tuyến Thảo Điền - An Phú; tuyến An Khánh - Thủ Thiêm - Bình Khánh; tuyến Hiệp Bình Chánh - Linh Đông… Lãnh đạo TP.Thủ Đức cũng đánh giá các đoạn này có đầy đủ tiềm năng để phát triển kinh tế-du lịch ven sông, dịch vụ về đêm và giao thông thủy...
Tàu neo đậu ở Bến Bạch Đằng |
Bà Bùi Thị Ngọc Hiếu, Phó giám đốc Sở Du lịch TPHCM cũng cho biết, hiện TPHCM đang đẩy mạnh phát triển du lịch đường thủy gắn liền với đa dạng hóa sản phẩm du lịch. Việc xây dựng các tuyến đường ven sông sẽ là cơ hội để kinh tế-du lịch đường thuỷ phát triển. “Chúng tôi xác định phát triển các sản phẩm du lịch đường thủy bao gồm đường ngắn, đường trung và đường xa... Sở Du lịch sẽ kêu gọi đầu tư các điểm đến tham quan, giải trí bên cạnh hệ thống bến thủy trong tương lai, xây dựng chuỗi sản phẩm đặc sắc để thu hút du khách”, bà Hiếu cho biết.
Du khách trải nghiệm trên sông Sài Gòn |
Đại diện Sở Giao Thông vận tải TPHCM, hiện thành phố có 1.100 km đường sông và thành phố đang nghiên cứu thực hiện dự án đường ven sông Sài Gòn để phát triển giao thông liên vùng, kết nối với toàn vùng Đông Nam bộ. Mục tiêu của dự án là tạo trục giao thông mới; mở ra hướng mới để phát triển đô thị, thương mại, dịch vụ qua việc khai thác hiệu quả quỹ đất dọc bờ sông; tạo điểm nhấn về cảnh quan sông nước, phát triển du lịch, kinh tế ven sông và kết nối liên vùng với Bình Dương và các tỉnh, thành phố lân cận.