Ngày 29/9, BS Nguyễn Thành Dũng, Giám đốc Bệnh viện Dã chiến Củ Chi xác nhận, đơn vị vừa tiếp nhận ca tái dương tính với SARS-CoV-2 là bệnh nhi 8 tuổi, ngụ TP Thủ Đức.
Đây là ca bệnh 1454 (BN1454, nữ, 8 tuổi, quốc tịch Việt Nam), được cách ly, điều trị tại Bệnh viện dã chiến Củ Chi từ cuối tháng 12/2020 sau khi phát hiện nhiễm COVID-19.
Trước đó bé cùng gia đình từ Hoa Kỳ quá cảnh Singapore, sau đó nhập cảnh sân bay Tân Sơn Nhất ngày 27/12/2020, được cách ly tại TPHCM ngay sau khi nhập cảnh.
Kết thúc quá trình điều trị, giữa tháng 1/2021 bé được cho xuất viện trở về căn hộ ở tháp Madives, đảo Kim Cương (TP Thủ Đức) cách ly thêm 14 ngày theo quy định.
Tuy nhiên chỉ sau 5 ngày, kết quả xét nghiệm ngày 28/12/2020 tại Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TPHCM (HCDC) cho thấy bệnh nhi dương tính với SARS-CoV-2. Hiện, bệnh nhi và mẹ được cách ly, điều trị tại Bệnh viện dã chiến Củ Chi.
“Như những ca tái dương tính khác, bệnh nhân không có triệu chứng sức khoẻ bất thường, các bác sĩ theo dõi, làm xét nghiệm lại” - BS Dũng nói.
Ngay khi nhận được thông tin có hộ dân tái dương với COVID-19, Ban quản lý tháp Madives đã phong tỏa tầng 19 của tháp này. Các thang máy cần khử trùng cũng đã được tạm thời ngừng hoạt động và không sử dụng đến ngày 29/1 nhằm đảm bảo việc khử khuẩn hoàn toàn. Ngoài ra tổ xử lý nhanh của y tế P.Bình Trưng Tây cùng đại diện chính quyền tổ chức xét nghiệm nhanh tất cả cư dân đang có mặt tại tầng 19 tối cùng ngày. Kết quả sẽ được cơ quan y tế xử lý tiếp theo quy định.
“Vì vậy, tầng 19 tháp Madives cùng thang máy C tạm thời bị phong tỏa cho đến khi có chỉ thị hoặc chỉ đạo từ cơ quan y tế địa phương. Tất cả thẻ thang máy của cư dân tại tầng 19 Madives cũng được tạm hủy để đảm bảo việc cách ly phong tỏa tạm thời này. Ban quản lý bố trí bảo vệ trực 24/7 tại tầng 19 nhằm đảm bảo cách ly và không có trường hợp ra vào tầng 19 này cũng như ra vào căn hộ” – Ban quản lý tháp Madives cho biết.
Ngày 29/1, ông Đinh Văn Thiệu - Phó chủ tịch UBND tỉnh Khánh Hòa, chủ trì cuộc họp với cơ quan chức năng địa phương để bàn giải pháp phòng chống dịch bệnh COVID-19. Tại cuộc họp, ông Đinh Văn Thiệu cho biết địa phương quyết định áp dụng một phần Chỉ thị 19 của Thủ tướng Chính phủ.
“Từ 0h ngày 30/1, tạm dừng tất cả các sự kiện, lễ hội, hoạt động tập trung trên 30 người tại nơi công cộng, ngoài công sở, trường học, bệnh viện. Đối với những sự kiện cần thiết phải tổ chức thì phải thực hiện nghiêm công tác phòng chống dịch như đeo khẩu trang, bố trí nước rửa tay bằng dung dịch sát khuẩn nhanh, giãn cách đúng quy định”, ông Thiệu chỉ đạo.
Trước đó, UBND tỉnh Khánh Hòa cũng ban hành công điện yêu cầu tất cả các sở, ban ngành khẩn trương rà soát, siết chặt việc thực hiện các biện pháp phòng chống dịch trên địa bàn. UBND tỉnh Khánh Hòa giao Sở Y tế tỉnh khẩn trương rà soát lại toàn bộ các phương án, kế hoạch, kịch bản phòng chống dịch bệnh COVID-19 trên địa bàn tỉnh để tham mưu việc điều chỉnh, bổ dung các nội dung, giải pháp cho phù hợp với tình hình mới. Theo Sở Y tế Khánh Hòa, hiện tỉnh này chưa ghi nhận trường hợp F1, F2 liên quan đến các ca dương tính ở tỉnh Quảng Ninh và Hải Dương. Tuy nhiên, Khánh Hòa vẫn có nguy cơ cao do Nha Trang là thành phố du lịch.
Bình Dương không tiếp khách, lập tổ công tác quản lý từng hộ dân
Miễn tiếp khách, hội họp
Trước diễn biến phức tạp của dịch bệnh COVID-19, hôm nay (29/1), ông Võ Văn Minh, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Bình Dương đã chủ trì cuộc họp khẩn.
Liên quan đến các ca nhiễm trong cộng đồng tại các tỉnh, thành phố phía Bắc, lãnh đạo Sở Y tế Bình Dương cho hay, địa phương này có 1 trường hợp F2, tiếp xúc với một trường hợp F1 của TP.Hồ Chí Minh đã được cách ly kịp thời.
Hiện nay, hệ thống phòng, chống dịch COVID-19 của tỉnh Bình Dương đã được kích hoạt và nâng mức cảnh báo cao nhất. Với các trường hợp F1, ngành y tế tỉnh này coi như F0 đưa vào cơ sở điều trị và F2 nâng thành F1 để lấy mẫu xét nghiệm. Đặc biệt Đội phản ứng nhanh, cơ động phòng, chống dịch ở các địa phương kiểm soát tất cả các trường hợp đi về từ vùng dịch tính từ ngày 16/1/2021.
Trước diễn biến phức tạp của dịch bệnh, ông Võ Văn Minh, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Bình Dương yêu cầu các sở, ngành, địa phương thực hiện nghiêm các biện pháp phòng, chống dịch theo tinh thần chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Bộ Y tế. Tất cả hệ thống chính trị, từng người dân không chủ quan, lơ là nhưng cũng không hoang mang, quyết tâm đẩy lùi dịch bệnh.
Đặc biệt, Tòa nhà Trung tâm Hành chính tỉnh Bình Dương không tiếp khách; Hạn chế mức tối đa các cuộc họp, hạn chế tập trung đông người, tăng cấp độ cảnh báo; Khởi động chuẩn bị ứng phó với các tình huống, quản lý chặt người về từ vùng dịch và người nhập cảnh trái phép.
Giám sát từng hộ dân để đảm bảo an toàn
Ông Huỳnh Thanh Hà, Phó Giám đốc Sở Y tế Bình Dương, cho biết dù địa phương không có cửa khẩu nhưng trước tình hình dịch bệnh phức tạp, dự báo sẽ phát sinh và gia tăng việc trốn, tránh dịch bệnh của người nước ngoài, công dân Việt Nam lao động ở nước ngoài về Bình Dương. Do đó, công tác kiểm soát chặt chẽ người nhập cảnh trái phép; vận động tuyên truyền người dân phát hiện, tố giác các trường hợp nhập cảnh trái phép, quyết tâm không để dịch bệnh COVID-19 xâm nhập và lây lan trong cộng đồng.
Liên quan đến biến thể mới của virus SARS-CoV-2, ông Huỳnh Thanh Hà, Phó Giám đốc Sở Y tế, cho biết để ngăn chặn biến thể lây lan, xâm nhập vào địa bàn, Bình Dương luôn trong tâm thế chủ động, chuẩn bị sẵn sàng mọi tình huống để không bị động trong phòng, chống dịch bệnh.
Lãnh đạo tỉnh Bình Dương cho biết thêm, địa phương phát huy tối đa tổ công tác cộng đồng với đủ các thành phần. Mỗi tổ quản lý khoảng 40 - 50 hộ gia đình để nắm chặt tình hình, kiên định thực hiện phương châm 4 tại chỗ trong phòng, chống dịch bệnh. Ngành y tế kết hợp cùng lực lượng công an yêu cầu gia đình có người thân ở nước ngoài kêu gọi người nhà nếu có nhu cầu về bằng đường bộ phải nhập cảnh hợp pháp, cách ly theo quy định.
Với người hoàn thành thời gian cách ly tập trung, khi ra khỏi khu cách ly phải được bên giao và bên nhận bàn giao cụ thể. Đặc biệt, với một số trường hợp sau khi nhập cảnh hơn 14 ngày và xét nghiệm nhiều lần mới phát hiện dương tính, ngành đã xem xét lại toàn bộ quy trình cách ly, bảo đảm không có lây nhiễm trong khu cách ly tập trung. Giám sát y tế tại nơi cư trú đối với người hoàn thành cách ly tập trung.
Đắk Lắk soát chặt người, dừng các chuyến xe đến vùng có dịch COVID-19
Chiều 29/1, thông tin từ Sở Giao thông vận tải Đắk Lắk cho biết, vừa ban hành công văn về việc triển khai các biện pháp cấp bách phòng chống dịch COVID-19. Trong đó, Sở này yêu cầu dừng các tuyến vận tải hành khách liên tỉnh, xe hợp đồng, xe du lịch, taxi đến 2 tỉnh có dịch Hải Dương, Quảng Ninh (trừ các trường hợp đặc biệt như xe công vụ, xe chở bệnh nhân, người hết thời gian cách ly, xe vận chuyển phục vụ phòng, chống dịch và các trường hợp cung cấp lương thực, thực phẩm, nhu yếu phẩm…). Với những xe đi qua vùng dịch, không được dừng, đón, trả khách. Trong quá trình di chuyển, nếu hành khách có biểu hiện ho sốt, khó thở… cần báo ngay qua đường dây nóng của ngành y tế.
Với các chuyến xe khác, Sở Giao thông vận tải Đắk Lắk yêu cầu nghiêm túc thực hiện các biện pháp phòng dịch của ngành y tế như khử khuẩn, bắt buộc hành khách đeo khẩu trang trong suốt quá trình di chuyển… Trước đó, UBND Đắk Lắk yêu cầu Sở Y tế (Cơ quan Thường trực Ban Chỉ đạo phòng chống dịch COVID-19 của tỉnh) và các sở, ban, ngành, đoàn thể, đơn vị, UBND các huyện, thị xã, thành phố nâng mức độ cảnh giác cao nhất và thực hiện có hiệu quả các biện pháp: Rà soát, siết chặt việc đeo khẩu trang bắt buộc tại nơi công cộng đặc biệt là tại các cơ sở y tế, chợ, siêu thị, bến xe, sân bay, trên các phương tiện giao thông công cộng, nhà máy, xí nghiệp….; tiếp tục tuyên truyền nâng cao ý thức của cộng đồng về việc thực hiện “Thông điệp 5K: khẩu trang, khử khuẩn, khoảng cách, không tụ tập đông người, khai báo y tế”; các cuộc họp, sự kiện tập trung đông người phải tuân thủ yêu cầu, hướng dẫn của cơ quan y tế, Ban Chỉ đạo phòng chống dịch COVID-19 tại địa phương.
Các huyện, thị xã, thành phố chỉ đạo các Tổ phòng, chống COVID-19 thôn, buôn, khối phố thực hiện rà soát, xác minh, lập danh sách tất cả các trường hợp đến, lưu trú tại các địa phương có dịch (Hải Dương, Quảng Ninh…) từ ngày 14/1/2021 đã trở về/đến địa phương, yêu cầu thực hiện khai báo y tế, cài đặt ứng dụng Bluezone, thực hiện cách ly tại nhà, nơi lưu trú (UBND xã, phường, thị trấn ban hành Quyết định cách ly tại nhà và tổ chức giám sát theo dõi). Trong trường hợp có biểu hiện sốt, ho, hắt hơi, sổ mũi, mệt mỏi, ớn lạnh hoặc khó thở… lập tức thực hiện cách ly tại cơ sở y tế và lấy mẫu bệnh phẩm để xét nghiệm.
Cụ ông 74 tuổi mắc COVID-19 phải hội chẩn quốc gia đã có kết quả xét nghiệm âm tính
Chiều 29/1, ông Đinh Đạo – Giám đốc Bệnh viện Đa khoa Trung ương Quảng Nam cho hay, BN 1405 vừa có kết quả xét nghiệm âm tính với SARS-CoV-2 sau thời gian điều trị.
“Bệnh nhân có kết quả xét nghiệm liên tiếp 3 lần âm tính với SARS-CoV-2, lâm sàng phục hồi tốt. Bệnh nhân sẽ được công bố khỏi bệnh. Sau công bố khỏi bệnh sẽ tiếp tục cách ly theo dõi kết hợp điều trị bệnh nền trong 14 ngày kế tiếp” – ông Đạo thông tin.
Bệnh nhân 1405 là cụ ông 74 tuổi, quê ở Cà Mau. Ngày 6/12/2020, người này trở về từ Mỹ, đến ngày 7/12 nhập viện vì nôn ra máu, Ngày 13/12 bệnh nhân có kết quả dương tính với SARS – CoV-2. Đây là một trong hai bệnh nhân COVID-19 nặng phải tiến hành hội chẩn quốc gia ngày 7/1.
Bệnh nhân được chẩn đoán viêm phổi nặng do SARS-CoV-2. Bệnh nhân có tiền sử mắc nhiều bệnh nền như viêm gan B mạn, tăng huyết áp, đái thạo đường tuýp 2, xơ gan, nhiễm nấm miệng, nhiễm amíp đường ruột, suy tim, tăng huyết áp, thoát vị bẹn và rốn. Các biến chứng suy hô hấp mức độ trung bình - nặng, tràn dịch màng phổi 2 bên.
TT-Huế tái kích hoạt các chốt kiểm tra, tầm soát COVID-19 như thế nào?
Ngày 29/1, ông Nguyễn Thanh Bình, Phó Chủ tịch UBND tỉnh TT-Huế, đã đi kiểm tra tại các bến ga tàu, bến xe, bến hàng không, khu công nghiệp.... trên địa bàn nhằm tái kích hoạt công tác kiểm tra y tế, tầm soát phòng chống dịch bệnh COVID-19 có nguy cơ xâm nhập vào tỉnh này.
Theo đánh giá của ông Bình, vào thời điểm giáp tết Nguyên đán Tân Sửu, lượng người đến và đi qua sân bay, nhà ga, bến xe là rất lớn, do đó, các địa phương, đơn vị chức năng cần tái triển khai ngay các chốt kiểm tra liên ngành tại Cảng hàng không quốc tế Phú Bài, ga Huế, bến xe phía bắc và nam TP Huế, đồng thời, xem xét lập các chốt kiểm tra trên tuyến Quốc lộ 1 nếu tình hình dịch bệnh phức tạp.
Phó Chủ tịch UBND tỉnh TT-Huế Nguyễn Thanh Bình giao trách nhiệm cụ thể cho UBND thị xã Hương Thủy, Công an tỉnh chịu trách nhiệm lập chốt phòng dịch tại Cảng hàng không quốc tế Phú Bài; UBND TP Huế và Công an tỉnh chịu trách nhiệm thực hiện chốt kiểm tra tại ga Huế, các bến xe thuộc TP Huế.
Sở Thông tin và Truyền thông cùng Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh (CDC) TT-Huế phối hợp kết nối các trang thiết bị, phương tiện phục vụ công tác tầm soát.
Lãnh đạo UBND tỉnh cũng đã chỉ đạo Ban Quản lý Khu kinh tế, Công nghiệp tỉnh khẩn trương tập huấn cho cán bộ y tế tại doanh nghiệp, hướng dẫn chi tiết các nội dung liên quan đến công tác phòng chống dịch tại nơi làm việc, các cơ sở sản xuất, kinh doanh như cách rửa tay với xà phòng, cách pha và sử dụng đúng dung dịch khử khuẩn, tổ chức đảm bảo vệ sinh cá nhân, vệ sinh môi trường, thông gió ở nơi làm việc.
Sở Công thương, Ban Quản lý Khu kinh tế, Công nghiệp tỉnh, Sở Xây dựng phải có phương án chỉ đạo, hướng dẫn, giám sát các chợ, trung tâm thương mại, nhà máy, xí nghiệp, công trình xây dựng thực hiện nghiêm bộ tiêu chí đánh giá mức độ an toàn phòng chống dịch COVID-19 tại nhà máy, cơ sở sản xuất công nghiệp trên địa bàn tỉnh.
Nếu các cơ sở sản xuất, kinh doanh không đảm bảo theo bộ tiêu chí thì buộc phải chấm dứt ngay hoạt động.
Quảng Ngãi: Truy vết 50 hành khách trở về từ vùng dịch nhưng xuống xe dọc đường
Chiều 29/1, lãnh đạo công an tỉnh Quảng Ngãi cho biết, đang tích cực phối hợp công an các tỉnh để truy vết các hành khách trên xe xuất bến từ vùng dịch về Quảng Ngãi nhưng đã xuống xe dọc đường.
Cụ thể, vào lúc 15 giờ chiều nay (29/1), Chốt kiểm soát y tế tại đường dẫn cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi phát hiện xe xe khách Hùng Đức, biển kiểm soát 14B- 02869 chạy tuyến Vân Đồn- Quảng Ngãi.
Thời điểm kiểm tra, xe chỉ có 2 tài xế và 2 phụ xe, nhưng lại có hàng hoá. Phát hiện dấu hiệu bất thường, lực lượng Cảnh sát đấu tranh, các đối tượng mới khai nhận xe xuất bến tại TP Uông Bí, tỉnh Quảng Ninh lúc 9h sáng 28/01/2021, chở 50 khách nhưng đã trả khách dọc đường từ Ninh Bình trở vào.
Được biết, thực hiện chỉ đạo của Chính phủ và BCĐ quốc gia phòng, chống dịch COVID-19, từ 6h sáng ngày 28/01/2021, tỉnh Quảng Ninh đã có lệnh cấm vận tải hành khách liên tỉnh, thế nhưng việc nhà xe Hùng Đức vẫn cho xe 14B 02869 vận tải khách liên tỉnh là có dấu hiệu vi phạm pháp luật, tiềm ẩn nguy cơ cao phát tán nguồn bệnh từ ổ dịch Quảng Ninh cho các tỉnh có trả khách.
Trên cơ sở danh sách đón trả khách dọc đường do nhà xe cung cấp, ngay chiều 29/01/2021, Công an tỉnh Quảng Ngãi đã có văn bản trao đổi Công an các tỉnh có trả khách phục vụ truy vết khách đi, buộc khai báo, cách ly.
Ngay chiều cùng ngày, 4 người của nhà xe Hùng Đức đã được cưỡng chế về Trung tâm Y tế cơ sở 2 huyện Bình Sơn để cách ly y tế tập trung 21 ngày theo quy định.