Ngày 7/5, TPHCM đã ra công văn khẩn về tăng cường thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch COVID-19 trên địa bàn. Theo đó, từ 18h hôm nay tạm dừng các hoạt động dịch vụ thể dục thể thao trong nhà như gym, bi-da, yoga...; các trung tâm nhà hàng tiệc cưới; các cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống theo mô hình buffet, ăn uống có tổ chức hát với nhau, karaoke dưới mọi hình thức; Tạm dừng các sự kiện, hoạt động tập trung trên 30 người ở nơi công cộng, cụ thể là thể dục thể thao ngoài trời, hội chợ… |
Ghi nhận của PV báo Tiền Phong tối ngày 7/5 tại nhiều quán ăn, tuyến đường ở TPHCM, dù không bị hạn chế hoạt động nhưng đa số người dân đều lo sợ dịch nên hầu như không ra ngoài ăn uống, tập trung nơi đông người. Nhiều hàng quán có khách thì đều thực hiện ngồi cách xa các dãy bàn. |
Một quán ăn trên đường Nguyễn Tri Phương (Q.10) là điểm hẹn quen thuộc của nhiều bạn trẻ, nay được nhiều người mua mang về chứ không ngồi thưởng thức tại chỗ. |
Hàng quán vắng khách dù là ngày cuối tuần |
Phố đi bộ Nguyễn Huệ (Q.1) không còn cảnh tấp nập về chiều tối, lực lượng bảo vệ thường xuyên nhắc nhở du khách đeo khẩu trang khi đi dạo. |
Tuyến đường 3/2 (Q.10) thường xuyên kẹt xe, nay khá thông thoáng dù là giờ cao điểm |
Khu vực công viên đường Hồ Thị Tư (P.Hiệp Phú, Thành phố Thủ Đức) vắng hoe vào tối 7/5. Trước đó, khu vực này địa điểm thu hút đông người dân đến hóng mát, ăn uống và tập thể dục. Dịp này, ngành chức năng cũng phát loa tuyên truyền người dân tuân thủ 5K, nhằm chung tay phòng chống dịch COVID-19. |
Tuy nhiên, một số quán nhậu ở quận Bình Tân, như quán dê tươi An Lạc (đường An Dương Vương, P.An Lạc, Q.Bình Tân) vẫn vô tư đón rất đông khách, có nơi hơn 30 người ngồi ăn nhậu san sát nhau. |
Xe máy xếp tràn xuống vỉa hè, bảo vệ liên tục đón khách |
Cũng trong tối ngày 7/5, nhiều người tranh thủ rút tiền từ ATM để phòng nếu khu vực mình ở bị phong tỏa thì vẫn có tiền xoay sở. |
Xếp hàng chờ rút tiền tại nhiều cây ATM trên đường An Dương Vương (Q.Bình Tân) |