Theo Trung tâm chống ngập TPHCM, tính từ tháng 9 đến giữa tháng 10/2017, trên địa bàn TPHCM xảy ra 39 trận mưa, trận mưa có vũ lượng lớn nhất là 206,2mm (vào ngày 12/10) và có 18 trận mưa có vũ lượng trên 50mm.
Cơn mưa lớn nhất năm với cao trình triều đạt mức +1,39m đã gây ngập 12 tuyến đường. Song cơn mưa chiều tối 13/10 mới gây ngập nhiều tuyến đường nhất – 15 tuyến. Cơn mưa này có vũ lượng 72mm, cao trình triều đạt mức +0.95m.
Riêng đường Nguyễn Hữu Cảnh đã hết ngập nhờ vận hành máy bơm "khủng"
Trung tâm chống ngập thành phố cho biết, các tuyến đường bị ngập do mưa đã có kế hoạch đầu tư các dự án trong giai đoạn 2016-2020.
Theo biểu đồ mưa từ năm 2009 đến nay (số trận mưa từ năm 2009 đến 2015 được tính nguyên năm, riêng năm 2017 được tính từ đầu năm đến giữa tháng 10), năm 2017 xuất hiện 161 trận mưa, chỉ thấp hơn năm 2011 (164 trận).
Trung tâm chống ngập thành phố đánh giá, năm 2017 không chỉ mưa nhiều, vũ lượng lớn mà còn xuất hiện nhiều trận mưa cực đoan.
Cụ thể, từ đầu năm 2017 đến nay đã xuất hiện 8 trận mưa có vũ lượng trên 100mm, lớn gấp đôi các năm 2009 đến 2015; có 41 trận mưa có vũ lượng trên 50mm, lớn gấp đôi các năm 2009-2015 (trừ năm 2010).
Đường Huỳnh Tấn Phát ngập mỗi khi mưa lớn và triều cường dâng cao (ảnh Đình Thảo)
Cũng theo Trung tâm chống ngập thành phố, đỉnh triều cường cao nhất từ đầu năm đến nay là +1,65m (đo tại trạm Phú An) và +1,68m (đo tại trạm Nhà Bè) vào chiều tối 8/10, gây ngập 7 tuyến đường gồm: Lê Văn Lương (huyện Nhà Bè), Huỳnh Tấn Phát, Trần Xuân Soạn (quận 7), quốc lộ 50, Phú Định (quận 8), đường Hồ Học Lãm (quận Bình Tân) và đường Nguyễn Văn Hưởng (quận 2).
Trong đó, tuyến đường Nguyễn Văn Hưởng thuộc phạm vi dự án bờ tả sông Sài Gòn, dự án đã được phê duyệt, dự kiến khởi công trong quý IV/2017; 6 tuyến đường còn lại thuộc phạm vi ranh dự án giải quyết ngập do triều khu vực TPHCM có xét đến yếu tố biến đổi khí hậu. Dự án trị giá 10.000 tỷ đồng, dự kiến hoàn thành vào dịp 30/4 năm 2018.