TPHCM lên tiếng việc không hợp nhất 3 văn phòng Đoàn ĐBQH, HĐND, UBND

TPHCM lên tiếng việc không hợp nhất 3 văn phòng Đoàn ĐBQH, HĐND, UBND
TPO - Là địa phương duy nhất không chấp hành việc thí điểm hợp nhất 3 văn phòng Đoàn Đại biểu Quốc hội, HĐND, UBND, người phát ngôn UBND TPHCM nói do đặc thù dân số và khối lượng công việc quá lớn, lãnh đạo TPHCM phải thực hiện thành 2 giai đoạn, trong đó giai đoạn 1 (2019- 2021) hợp nhất Văn phòng Đoàn ĐBQH và Văn phòng HĐND TPHCM.

Tối 4/6, tại cuộc họp báo về kinh tế xã hội, trả lời báo chí, Chánh Văn phòng kiêm người phát ngôn UBND TPHCM Hà Phước Thắng thừa nhận TPHCM là địa phương duy nhất chưa thực hiện đầy đủ Nghị quyết số 580 của Quốc hội về việc hợp nhất 3 Văn phòng Đoàn ĐBQH, HĐND và UBND TPHCM.

Giải bày lý do chưa thực hiện hợp nhất, ông Hà Phước Thắng cho biết TPHCM có dân số thực tế hơn 13 triệu người; khối lượng công việc của các cơ quan hành chính, đặc biệt là cơ quan tham mưu, giúp việc rất lớn. Trước thực tế này, lãnh đạo TPHCM đã quyết định thực hiện nghị quyết theo lộ trình 2 giai đoạn, trong đó giai đoạn 1 (2019-2021), TPHCM hợp nhất Văn phòng Đoàn ĐBQH và HĐND TPHCM.

TPHCM lên tiếng việc không hợp nhất 3 văn phòng Đoàn ĐBQH, HĐND, UBND ảnh 1 Ông Hà Phước Thắng, Chánh Văn phòng kiêm người phát ngôn UBND TPHCM

“Giai đoạn 2 sẽ có sơ kết rút kinh nghiệm và tập trung triển khai. Với sự tham mưu của Sở Nội Vụ, TPHCM đã hợp nhất 2 văn phòng Đoàn ĐBQH và HĐND TPHCM và có kiến nghị với Bộ Nội vụ lộ trình thực hiện trong thời gian sắp tới. UBND TPHCM cũng đã báo cáo Ban Thường vụ Thành ủy và chuẩn bị các nội dung thực hiện trong thời gian tới một cách phù hợp với điều kiện hoạt động của các văn phòng”, ông Thắng giải bày.

Trước đó, tại phiên họp chiều 1/6, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về việc tổng kết thực hiện Nghị quyết thí điểm hợp nhất Văn phòng Đoàn ĐBQH, HĐND, UBND cấp tỉnh.

Tại phiên họp này, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Tòng Thị Phóng đề nghị trong báo cáo tổng kết phải phê bình, kiểm điểm TPHCM vì không thực hiện theo các Nghị quyết của Trung ương, Quốc hội, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội.

Theo báo cáo của Bộ trưởng Bộ Nội vụ Lê Vĩnh Tân, trong tổng số 12 địa phương tổ chức triển khai, có 11 địa phương thực hiện thí điểm hợp nhất 3 văn phòng. Riêng TPHCM thực hiện thí điểm hợp nhất Văn phòng Đoàn ĐBQH với Văn phòng HĐND thành phố.

Về số lượng chức danh lãnh đạo, quản lý, theo báo cáo của 11 địa phương, đến hết năm 2019 giảm 23 Chánh Văn phòng và 3 Phó Chánh Văn phòng. Đến thời điểm 31/12/2019 còn 6 địa phương có số lượng cấp phó nhiều hơn quy định tại Nghị quyết.

TPHCM lên tiếng việc không hợp nhất 3 văn phòng Đoàn ĐBQH, HĐND, UBND ảnh 2 Làm thủ tục nhà đất cho người dân. Có dân số thực tế hơn 13 triệu người, khối lượng công việc của bộ máy hành chính, các cơ quan tham mưu, giúp việc của TPHCM cao gấp nhiều lần so với các tỉnh

Sau thí điểm hợp nhất, trên cơ sở cơ cấu lại tổ chức bên trong thuộc Văn phòng chung, số lượng chức danh lãnh đạo, quản lý tổ chức, đơn vị thuộc Văn phòng đã giảm được 26 cấp trưởng và 1 cấp phó.

Theo tổng kết của Chính phủ, ưu điểm hợp nhất 3 Văn phòng là giảm tối đa đầu mối, số lượng tổ chức bên trong của Văn phòng, số lượng lãnh đạo quản lý; kinh phí hoạt động và cơ sở vật chất, điều kiện, phương tiện làm việc của Văn phòng được tập trung một đầu mối quản lý.

Tuy nhiên, hạn chế trong việc hợp nhất được các các địa phương thực hiện thí điểm phản ánh là khó đảm bảo tính khách quan trong hoạt động tham mưu, khó tránh khỏi tình trạng “vừa đá bóng, vừa thổi còi”. Mặt khác, việc hợp nhất 3 văn phòng chưa giảm được cấp phó và công chức lãnh đạo, quản lý cấp phòng.

Sau khi thực hiện thí điểm, theo ông Lê Vĩnh Tân, đa số các địa phương kiến nghị chỉ nên thực hiện hợp nhất Văn phòng Đoàn ĐBQH với Văn phòng HĐND cấp tỉnh và giữ nguyên Văn phòng UBND cấp tỉnh. Chính phủ cũng thống nhất với kiến nghị của đa số các địa phương.

Cho ý kiến về việc này, Tổng Thư ký Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc cho biết, khi tiến hành sáp nhập, việc giảm số lượng phòng, cán bộ là đương nhiên, nhưng giảm ở đây chỉ mang tính cơ học.

Đặc biệt, theo ông Phúc, vấn đề giám sát sau hợp nhất được các địa phương phản ánh rất nhiều khó khăn. Thậm chí, có nơi giám sát về, ông Chánh văn phòng lại sửa kết quả giám sát.

Cũng theo ông Phúc, việc bổ nhiệm cán bộ ở địa phương rất vướng, anh em phân tâm, chưa biết đi đâu về đâu. Ông đề nghị nếu quyết sát nhập hai văn phòng như đề xuất, cũng phải sớm ban hành trong năm nay, để bàn giao thực hiện chứ không chờ Luật Tổ chức Quốc hội.

MỚI - NÓNG