Bộ trưởng nêu 5 lý do thuyết phục Quốc hội đưa hộ kinh doanh vào luật

Bộ trưởng Bộ KH-ĐT Nguyễn Chí Dũng (ảnh Nhật Minh)
Bộ trưởng Bộ KH-ĐT Nguyễn Chí Dũng (ảnh Nhật Minh)
TPO - Theo Bộ trưởng Bộ Kế hoạch-Đầu tư (KH-ĐT) Nguyễn Chí Dũng, đưa hộ kinh doanh vào luật để hoạt động có hiệu quả hơn, giải phóng nhiều nguồn lực hơn và đảm bảo được mục tiêu là phát triển khu vực kinh tế tư nhân tốt hơn.

Thảo luận trực tuyến về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự án Luật Doanh nghiệp (sửa đổi) tại Quốc hội, sáng 21/5, Bộ trưởng Bộ KH-ĐT Nguyễn Chí Dũng cho rằng, việc luật hóa tất cả các quy định về hộ kinh doanh là vấn đề cần thiết. Từ đó, ông nêu ra 5 lý do để thuyết phục các đại biểu đồng thuận với vấn đề này. 

Thứ nhất, theo ông Dũng, khi đưa hộ kinh doanh vào luật sẽ định danh cho loại hình kinh doanh này. 

Thứ hai là bảo vệ được quyền lợi cho các hộ kinh doanh và có thể áp dụng được các chương trình hỗ trợ của Chính phủ cho hộ kinh doanh.

Thứ ba là sẽ bãi bỏ được một số các rào cản đang vướng mắc và đang cản trở hoạt động của hộ kinh doanh. “Nếu chúng ta tháo bỏ được việc này thì hộ kinh doanh sẽ hoạt động có hiệu quả hơn, chúng ta sẽ giải phóng nhiều nguồn lực hơn và sẽ đảm bảo được mục tiêu là phát triển khu vực kinh tế tư nhân tốt hơn”, ông Dũng nói.

Lý do thứ tư được ông Dũng nêu ra là khi luật hóa sẽ không làm phát sinh các thủ tục hành chính, không phải đăng ký lại và không có tác động tiêu cực gì đến các hộ kinh doanh hiện nay như nhiều đại biểu phân vân.

Bộ trưởng nêu 5 lý do thuyết phục Quốc hội đưa hộ kinh doanh vào luật ảnh 1 Các đại biểu QH thảo luận về Luật Doanh nghiệp sửa đổi

Cuối cùng, ông Dũng nhấn mạnh, việc luật hóa sẽ tạo điều kiện, tạo động lực để thúc đẩy các hộ kinh doanh có đủ điều kiện hoạt động theo loại hình doanh nghiệp. “Hiện nay có rất nhiều các hộ kinh doanh có quy mô rất lớn, thậm chí có hộ kinh doanh sử dụng đến hàng trăm lao động, doanh thu đến hàng nghìn tỷ nhưng lại hoạt động theo Luật Hợp tác xã, khoán thuế, thuế khoán chứ không phải là hoạt động lành mạnh áp dụng theo Luật Doanh nghiệp”, ông Dũng nói.

Cũng theo Bộ trưởng Bộ KH-ĐT, nếu xây dựng một Luật Hộ kinh doanh mới thì sẽ mất rất nhiều thời gian, ít nhất có lẽ cũng phải 3 năm nữa. “Những gì mà có lợi chúng ta có thể làm ngay, bởi vì làm cái này chỉ có lợi cho hộ kinh doanh chứ không có hại gì cả”, ông Dũng nhấn mạnh.

Trước đó, khi thảo luận về nội dung này, các đại biểu vẫn có quan điểm trái chiều nhau về việc đưa hộ kinh doanh vào Luật Doanh nghiệp. Theo đại biểu Lê Minh Chuẩn (Quảng Ninh), Bộ luật Dân sự 2015 đã không còn quy định về hộ kinh doanh và không có ghi nhận loại hình này là một chủ thể trong giao dịch dân sự. Do đó nếu đưa hộ kinh doanh vào đối tượng, phạm vi áp dụng của Luật Doanh nghiệp thì đồng nghĩa việc phải sửa đổi và bổ sung một số luật khác.

Theo đại biểu Nguyễn Thanh Hiền (Nghệ An), hộ kinh doanh là một hình thức kinh doanh khác biệt với doanh nghiệp tư nhân, Công ty hợp danh, Công ty trách nhiệm hữu hạn… Như vậy, việc đưa hộ kinh doanh vào Luật Doanh nghiệp là không phù hợp.

MỚI - NÓNG