Gỡ bỏ các hạn chế, giảm "tham nhũng vặt"
Thảo luận về Luật doanh nghiệp sửa đổi chiều 20/11, Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam Vũ Tiến Lộc bày tỏ sự đồng tình với việc đưa 5 triệu hộ kinh doanh (trước hết là 2 triệu hộ kinh doanh có đăng ký) vào phạm vi điều chỉnh. “Đây là chính là quan điểm phát triển bền vững, bao trùm để “không ai bị bỏ lại phía sau””, ông Lộc khẳng định.
Theo ông Lộc, đưa hộ kinh doanh vào phạm vi điều chỉnh của Luật doanh nghiệp là phù hợp với bản chất kinh tế và pháp lý của hộ kinh doanh và cũng bảo đảm quyền bình đẳng của hộ kinh doanh với các loại hình doanh nghiệp khác. Khi đó, hộ kinh doanh được gỡ bỏ các hạn chế về quyền kinh doanh, về phạm vi và quy mô hoạt động.
Hộ kinh doanh được thụ hưởng chính sách hỗ trợ quy định tại Luật hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa và các chính sách khác có liên quan. Đồng thời thu ngân sách nhà nước lại có thể tăng thêm khi các hộ kinh doanh hoạt động bài bản hơn, minh bạch hơn thì sẽ giảm thiểu sự thoả thuận thuế giữa hộ kinh doanh và cán bộ thuế, giảm được sự nhũng nhiễu và tham những vặt.
“Đưa hộ kinh doanh vào phạm vi điều chỉnh của Luật doanh nghiệp không phải là xóa bỏ hộ kinh doanh, cũng không phải ép buộc hộ kinh doanh phải chuyển đổi thành công ty, hay thành doanh nghiệp tư nhân, cũng không bắt các hộ kinh doanh phải thay tên, đổi họ mà chỉ để chính danh, minh bạch hóa, nâng cao năng lực, thúc đẩy sự phát triển của hộ kinh doanh. Ghi nhận hộ kinh doanh trong Luật doanh nghiệp sẽ không phát sinh thêm các chi phí và thủ tục hành chính cho họ và cho nhà nước. Tên của hộ kinh doanh vẫn là hộ kinh doanh”, ông Lộc nhấn mạnh.
Khẳng định việc không đưa hộ kinh doanh vào Luật doanh nghiệp đã để lại một hậu quả pháp lý, Chủ tịch VCCI phân tích: trong khi quyền và nghĩa vụ của công ty tư nhân, và các cá nhân kinh doanh, đóng góp chưa đầy 10% GDP, thì được quy định trong Luật doanh nghiệp còn quyền và nghĩa vụ của hộ kinh doanh – nơi sinh kế của hàng chục triệu người và đóng góp hơn 30% GDP của đất nước, thì chỉ được chế định trong một Nghị định do Chính phủ ban hành.
Theo Nghị định này thì hộ kinh doanh chỉ được hoạt động trong phạm vi địa phương là quận, huyện nơi đăng ký và bị hàng loạt các hạn chế về quyền kinh doanh. Điều này trái với nguyên tắc hiến định là việc hạn chế quyền tự do kinh doanh của công dân, chỉ có thể được quy định trong văn bản luật do Quốc hội ban hành.
Vì thế, ông Lộc tiếp tục nhấn mạnh, việc đưa hộ kinh doanh vào luật là cần thiết. “Tuyệt đối không có chuyện qua một đêm ngủ dậy thì ông chủ quán phở hôm qua trở thành giám đốc doanh nghiệp phở hôm nay. Nhưng khi vị thế pháp lý quyền và nghĩa vụ cơ bản của hộ kinh doanh ghi nhận trong Luật sẽ giúp họ sẽ yên tâm làm ăn, làm ăn bài bản và minh bạch hơn và có điều kiện thuận lợi từng bước chuyển đổi thành các mô hình doanh nghiệp hiện đại để mở mang hoạt động kinh doanh và đóng góp vào sự phát triển của nền kinh tế”, ông Lộc nhấn mạnh.