Chiều 14/11, Sở Khoa học và Công nghệ TPHCM phối hợp Viện Nghiên cứu phát triển TPHCM tổ chức hội thảo lấy ý kiến các chuyên gia đề xuất cơ chế huy động các chuyên gia, nhà khoa học trong và ngoài nước tham gia cùng thành phố trong tư vấn xây dựng và phản biện chính sách.
Theo Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ TPHCM Nguyễn Việt Dũng, thời gian qua thành phố đã thực hiện nhiều hình thức kêu gọi đóng góp, hiến kế từ các đội ngũ chuyên gia, tuy nhiên hiệu quả công tác này vẫn chưa như mong muốn.
"Dường như thành phố đang thiếu đầu mối đóng vai trò nhạc trưởng để kết nối các viện nghiên cứu, các trường lại với nhau", ông Dũng chia sẻ.
Theo PGS.TS Võ Kim Cương, nguyên Phó kiến trúc sư trưởng TPHCM, thành phố cần có cơ chế về tài chính đối với các chuyên gia, trong đó cần thiết lập hợp đồng với chuyên gia.
“Chuyên gia phải được đãi ngộ, trân trọng và được sử dụng tốt, đồng thời việc góp ý phát triển phải có tính dài hạn”, ông Cương nêu ý kiến.
Nguyên Phó kiến trúc sư trưởng TPHCM cũng cho rằng, cần có cơ chế tài chính mở đối với khoa học bởi lĩnh vực này thường mang yếu tố rủi ro, mạo hiểm. Đây cũng là lĩnh vực tạo được sự đột phá, do đó cần có cơ chế tài chính thông thoáng.
“Các nước trên thế giới thuê chuyên gia theo công việc. Công việc đó đáng giá bao nhiêu sẽ trả bấy nhiêu, cho nên có khi một ngày chuyên gia được trả cả chục ngàn USD”, PGS.TS Võ Kim Cương dẫn chứng.
Các chuyên gia, nhà khoa học góp ý kiến tại hội thảo. |
GS.TS Nguyễn Thị Cành (Cố vấn khoa học, Trung tâm Nghiên cứu Kinh tế và tài chính) đồng tình: “Bản thân tôi đi tư vấn cho nhiều quốc gia khác nhau và các nước có chính sách đãi ngộ rất tốt. Ở nước ta, tôi cũng làm việc như vậy nhưng thấy không được đãi ngộ bằng”.
Bên cạnh đó, nữ chuyên gia này cho rằng, cần xem lại cách thức tổ chức, phân bổ kinh phí bởi hiện nay thủ tục, yêu cầu còn rất rườm rà, phức tạp nên khó thu hút chuyên gia.
“ĐHQG TPHCM đã áp dụng khoán theo bài báo khoa học. Chuyên gia thực hiện xong là được thanh toán tiền một cách nhanh chóng. Tại sao thành phố mình không theo cách thức đó”, GS.TS Nguyễn Thị Cành băn khoăn.
Theo GS.TS Phan Xuân Biên, đội ngũ trí thức cần nhất là môi trường, điều kiện, phương tiện làm việc và đội ngũ cộng sự làm việc. Trong khi đó, cơ chế của thành phố chưa đáp ứng.
“Muốn thu hút, Sở KH&CN, Hội đồng khoa học của thành phố, Viện Nghiên cứu phát triển cùng ĐHQG TPHCM cũng như các trường phải nắm được những người đầu ngành, chuyên gia từng ngành. Cùng với đó, tập hợp một số trí thức vào một số mảng và hình thành các chương trình khoa học của thành phố”, GS. Biên đề nghị.
GS. Phan Xuân Biên trao đổi ý kiến. |
TS. Trần Du Lịch (thành viên Tổ tư vấn kinh tế của Chính phủ) đặt vấn đề “phải chăng cơ chế thu hút còn nghẽn” và lý do có phải liên quan đến tiền?. Theo ông Lịch, cơ chế đầu tiên là phải để guồng máy hành chính hấp thụ tri thức chuyên gia vào tất cả các ngành.
TS. Trần Du Lịch: “Ý tưởng của nhiều chuyên gia rất tốt nhưng không được dùng sẽ khiến họ nản" |
“Ý tưởng của nhiều chuyên gia rất tốt nhưng không được dùng sẽ khiến họ nản", TS Trần Du Lịch lưu ý.
Theo ông Nguyễn Việt Dũng, thời gian qua, TPHCM cố gắng vận hành các cơ chế, chính sách bám sát những quy định của Nhà nước. Ông Dũng bày tỏ sự trăn trở khi những quy định, chính sách đối với nghiên cứu khoa học ngày càng siết chặt.
“Chúng tôi sẽ nỗ lực tháo gỡ với tinh thần “tháo gỡ được gì thì làm trước””, ông Dũng cho hay.