TPHCM có 32 vị trí sạt lở nguy hiểm: Phương án nào đảm bảo an toàn trong mùa mưa?

0:00 / 0:00
0:00
TPO - TPHCM có 32 vị trí sạt lở bờ sông, kênh, rạch nguy hiểm và đặc biệt nguy hiểm. Hiện nay có 9/32 vị trí sạt lở chưa có chủ trương đầu tư dự án kè chống sạt lở gồm 2 vị trí ở TP Thủ Đức, 1 ở Nhà Bè, 2 ở huyện Bình Chánh, 4 ở huyện Cần Giờ.

Mới đây, UBND TPHCM đã công bố danh mục 32 vị trí sạt lở bờ sông, kênh, rạch nguy hiểm và đặc biệt nguy hiểm năm 2022 trên địa bàn. Theo đó, TPHCM có 8 vị trí sạt lở đặc biệt nguy hiểm và 24 vị trí nguy hiểm.

Trong số 8 vị trí sạt lở đặc biệt nguy hiểm có 3 điểm ở huyện Nhà Bè, 2 ở TP Thủ Đức, 2 ở huyện Bình Chánh, 1 ở huyện Cần Giờ.

Liên quan đến vấn đề đảm bảo an toàn ở các vị trí sạt lở trong mùa mưa bão sắp đến, ông Trần Nhân Nghĩa - Phó Chi cục trưởng Chi cục Thủy lợi (Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn TPHCM) cho biết, hiện nay trong số 32 vị trí sạt lở kể trên đã có 23 vị trí có chủ trương đầu tư dự án kè chống sạt lở.

TPHCM có 32 vị trí sạt lở nguy hiểm: Phương án nào đảm bảo an toàn trong mùa mưa? ảnh 1

Dự án kè chống sạt lở bán đảo Thanh Đa (TPHCM).

“Với những vị trí có chủ trương đầu tư, UBND TP đã thường xuyên chỉ đạo chủ đầu tư đang triển khai thực hiện các dự án kè chống sạt lở đẩy nhanh tiến độ lập, thẩm định, phê duyệt và sớm triển khai thi công các dự án kè phòng, chống sạt lở thuộc thẩm quyền của địa phương, đơn vị làm chủ đầu tư, sớm hoàn thành đưa vào sử dụng để phát huy hiệu quả phòng, chống sạt lở bảo vệ an toàn tính mạng và tài sản của nhân dân trong các khu vực bị ảnh hưởng của sạt lở”- ông Nghĩa cho biết.

Cũng theo ông Nghĩa, các địa phương đang đẩy nhanh tiến độ bồi thường giải phóng mặt bằng của các dự án công trình kè chống sạt lở bảo vệ khu dân cư trong thời gian ngắn nhất để sớm có mặt bằng phục vụ thi công hoàn thành dứt điểm các dự kè chống sạt lở trên địa bàn thành phố.

Ngoài ra, hiện nay có 9/32 vị trí sạt lở chưa có chủ trương đầu tư dự án kè chống sạt lở gồm 2 vị trí ở TP Thủ Đức, 1 ở Nhà Bè, 2 ở huyện Bình Chánh, 4 ở huyện Cần Giờ. Đối với 9 vị trí này, UBND TPHCM đã chỉ đạo Sở Giao thông vận tải sớm tổ chức lập báo cáo đề xuất chủ trương đầu tư 1 dự án tại TP Thủ Đức, 1 dự án tại huyện Bình Chánh.

UBND TPHCM cũng đã giao UBND TP Thủ Đức, huyện Nhà Bè, huyện Cần Giờ và huyện Bình Chánh thông báo, cảnh báo cho nhân dân trong khu vực có nguy cơ sạt lở biết để chủ động phòng tránh; khảo sát đề xuất giải pháp xử lý sạt lở cho 7 vị trí còn lại báo cáo UBND TP.

“Trên cơ sở danh mục các vị trí sạt lở đã được UBND TP công bố, UBND TP Thủ Đức và các quận - huyện thường xuyên tổ chức tuyên truyền cho nhân dân sinh sống xung quanh khu vực sạt lở để biết và chủ động phòng tránh, ứng phó. Đối với các vị trí đã xảy ra sạt lở, tiến hành rào chắn, khoanh vùng ngăn không cho người và phương tiện vào khu vực sạt lở để đảm bảo an toàn”- ông Trần Nhân Nghĩa thông tin.

MỚI - NÓNG