TPHCM, chiếc lò xo đã nén hết mức

0:00 / 0:00
0:00
TP - Một năm dịch bệnh hoành hành, đầy thách thức, khó khăn cho TPHCM. Tuy nhiên, theo lãnh đạo thành phố, bức tranh kinh tế trong năm 2022 sẽ là gam màu sáng, thành phố bây giờ như chiếc lò xo đã nén hết mức, chỉ cần bung ra là bật lên mạnh mẽ.

Vượt qua trọng bệnh

Tác động của đợt dịch lần thứ tư phản ánh rõ bức tranh kinh tế địa phương. GRDP (tổng sản phẩm trên địa bàn) của TPHCM giảm thấy rõ. Tốc độ tăng trưởng GRDP của thành phố quý 3, giảm hơn 24% so với cùng kỳ. Đây là thời gian toàn thành phố thực hiện giãn cách xã hội.

Năm 2020, TPHCM lên kế hoạch GRDP tăng 8,3 - 8,5%, nhưng thực tế chỉ tăng 1,36%. Năm 2021, dự kiến tăng 6% nhưng đợt dịch thứ 4 đã gần như hủy hoại mọi kế hoạch khi thành phố “gồng mình” chống dịch. Trước đó, tính toán của Tổng cục Thống kê, GRDP năm 2021 trên địa bàn thành phố ước giảm 5,06%, tuy nhiên, mức giảm thực tế cao hơn rất nhiều.

Kinh tế đi xuống dẫn đến hệ quả thu ngân sách giảm. Năm 2019, TPHCM thu ngân sách 410.000 tỷ đồng. Năm 2020, giảm còn 371.000 tỷ đồng và năm 2021 đạt 383,7 ngàn tỷ đồng. Như vậy, TPHCM mất gần 80.000 tỷ đồng ngân sách 2 năm qua. Đây cũng là thiệt hại chung của cả nước bởi TPHCM chiếm 27% tổng thu ngân sách quốc gia.

Nói về các lĩnh vực bị suy giảm mạnh, khu vực công nghiệp và xây dựng chịu tác động mạnh nhất, giảm 43,92% so với cùng kỳ; Khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản giảm 11%, khu vực dịch vụ giảm 20,14% khi ngành du lịch “đóng băng”.

Tổn thất nặng nề của TPHCM, được PGS.TS Trần Hoàng Ngân, Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển TP.HCM, Đại biểu Quốc hội, chỉ ra một cách cụ thể, hai năm dịch bệnh 2020- 2021 đã lấy đi của TPHCM 292.957 tỷ đồng.

Nhưng, mất mát lớn nhất theo ông Ngân, là những thiệt hại quá lớn về con người, về sức khoẻ, tinh thần và cả hình ảnh của một thành phố đầu tàu, một nền kinh tế đầu tàu cả nước.

TPHCM, chiếc lò xo đã nén hết mức ảnh 1

Sản xuất thực phẩm tại Công ty Saigon Food. ảnh: Uyên phương

Dịch bệnh bùng phát, bộc lộ rõ hệ thống y tế cơ sở tại địa phương mỏng và nhiều thiếu thốn. Các cơ sở tuyến dưới, gần như chỉ thực hiện được nhiệm vụ cách ly, không đủ sức điều trị cho người bệnh, gây quá tải cho tuyến trên.

Ngoài ra, còn nhiều bất cập về quản lý, vận hành bộ máy hành chính cấp phường, xã “lủng củng” gây không ít khó khăn cho người dân, từ câu chuyện tiêm chủng đến chuyện nhận trợ cấp, hỗ trợ khó khăn… là những “gạch đầu dòng” mà chính quyền thành phố phải nhìn nhận để khắc phục.

TPHCM, chiếc lò xo đã nén hết mức ảnh 2

Đầu tàu kinh tế cả nước sẽ có những bước đột phá mạnh mẽ sau đại dịch ảnh: Lê nguyễn

PGS.TS Hoàng Công Gia Khánh, Trường đại học Kinh tế - Luật TPHCM, khi đánh giá về những thiệt hại từ làn sóng dịch lần tư nhấn mạnh, COVID-19 đã gây sụt giảm nghiêm trọng ở hầu hết các lĩnh vực kinh tế và đời sống xã hội. Doanh nghiệp cạn tài chính, người lao động thiếu việc làm, phải ở vào tình cảnh không thể về quê, cũng không thể ở lại thành phố.

5 việc giúp TPHCM tăng trưởng tốt

- Phòng chống dịch hiệu quả; Kiểm soát dịch bệnh COVID-19, để TPHCM là nơi có môi trường an toàn về sức khỏe, an lành về an cư, lập nghiệp.

- Biết tận dụng các cơ chế về chính sách về đấu giá đất, chuyển đổi mục đích sử dụng đất nhằm gây quỹ phát triển thành phố, đầu tư cơ sở hạ tầng.

- TP cần rà soát lại các dự án còn ách tắc và ưu tiên thực hiện các dự án nền tảng nhưng còn đình trệ, chủ yếu là trong lĩnh vực phát triển cơ sở hạ tầng, hoàn thiện y tế, giáo dục.

- Cải thiện môi trường đầu tư, bằng các hành động cụ thể về cải cách hành chính, tháo gỡ và hỗ trợ doanh nghiệp, hộ kinh doanh để thu hút vốn đầu tư.

- Cần có cơ chế và chính sách cụ thể, hỗ trợ để doanh nghiệp phát triển như chương trình vay vốn với lãi suất ưu đãi, giảm thuế…

Nghiên cứu riêng của ông Khánh cho thấy số lao động tạm thời mất việc hoặc mất việc sau 5 tháng giãn cách trên một triệu người, chiếm 41,2% của gần 2,5 triệu lao động tham gia BHXH.

Lấy lại đà tăng trưởng

Năm 2022, TPHCM xem xét lựa chọn lấy chủ đề năm cho nhiệm vụ kinh tế - xã hội thành phố là: “Thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19, tiếp tục nâng cao chất lượng xây dựng chính quyền đô thị, cải thiện môi trường đầu tư, đồng hành cùng doanh nghiệp”.

Với các mục tiêu và chỉ tiêu kinh tế xã hội cụ thể, trong đó phấn đấu đạt tăng trưởng GRDP ở mức từ 6 -6,5%. Nhiều người ý kiến tỏ ra e ngại cho rằng, mức tăng trưởng này quá cao, khi thành phố vừa trải qua năm 2021 đầy thương tổn.

Kinh tế, xã hội chịu tác động nghiêm trọng từ đại dịch COVID-19. Thế nhưng, các chuyên gia kinh tế lại đánh giá chỉ tiêu này là hoàn toàn khả thi, có cơ sở. Nói như Chủ tịch UBND TPHCM Phan Văn Mãi tại cuộc gặp mặt các doanh nghiệp, doanh nhân, chúng ta đã trải qua thời gian khốc liệt nhất. Bây giờ TP.HCM như chiếc lò xo đã nén hết mức, chỉ cần bung ra là có thể bật lên mạnh mẽ.

Trao đổi với Tiền Phong, Chủ tịch UBND TPHCM Phan Văn Mãi cho biết: chủ đề năm 2022 là: “Thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19, tiếp tục nâng cao chất lượng xây dựng chính quyền đô thị, cải thiện môi trường đầu tư, đồng hành cùng doanh nghiệp”. TPHCM xác định kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19 là điều kiện tiên quyết để phục hồi và phát triển KTXH. Đồng thời, tiếp tục phát huy kết quả thực hiện chủ đề năm 2021 thông qua việc nâng cao chất lượng xây dựng chính quyền đô thị, tiếp tục cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh nhằm tháo gỡ những điểm nghẽn, khó khăn của người dân và doanh nghiệp nhằm khơi thông và phát huy nguồn lực xã hội để phát triển. huy thịnh

Tiến sĩ Trần Thị Hồng Liên, Phó trưởng khoa Quản trị Kinh doanh, Đại học Kinh tế - Luật, Đại học Quốc gia TPHCM cho rằng, nơi đây là trung tâm công nghiệp và dịch vụ lớn, chiếm tỷ trọng 15% công nghiệp và 33% dịch vụ cả nước. Đặc biệt, các yếu tố khoa học công nghệ hiện đại, sáng tạo là một trong những đóng góp quan trọng, cải thiện chất lượng tăng trưởng của thành phố trong năm 2022.

Theo bà Liên, ngành dịch vụ là một trong những ngành có độ suy giảm nhẹ nhất trong đợt dịch bệnh càn quét. Trong khi, dịch vụ chiếm đến 62% cơ cấu kinh tế của thành phố. Phương thức cung cấp dịch vụ bây giờ cũng được chuyển đổi mạnh mẽ sang môi trường số nên những người làm dịch vụ vẫn hoạt động tốt.

“Ngay cả lúc nguy cấp nhất, đôi khi cũng chỉ cần một cái chạm nhẹ trên điện thoại là có được thứ mình cần”, bà Liên nói.

Ngay cả lúc nguy cấp nhất, đôi khi cũng chỉ cần một cái chạm nhẹ trên điện thoại là có được thứ mình cần”, Bà Trần Thị Liên

Trong khi đó, ông Lê Hùng Hậu, trưởng phòng kinh doanh của một doanh nghiệp bất động sản có tên tuổi, đưa ra nhận định lạc quan rằng, trong đại dịch, một số ngành thuộc lĩnh vực dịch vụ vẫn duy trì hoạt động. Vì thế khi ngành bị dừng hoạt động do ảnh hưởng của dịch bệnh bao gồm khách sạn, nhà hàng, vận tải, bất động sản…tái khởi động dịp cuối năm, nền kinh tế sẽ phục hồi tốt.

TPHCM thu ngân sách vượt kế hoạch 5,2%

Mặc dù kinh tế tăng trưởng âm 6,78% (mức thấp nhất lịch sử), nhưng năm 2021 TPHCM thu ngân sách ước đạt 383.703 tỷ đồng (Trung ương giao 365.000 tỷ đồng), vượt dự toán 5,2% và tăng 3% so cùng kỳ. Trong đó, thu nội địa 253.281 tỷ đồng, vượt 2% dự toán, giảm 0,9%; thu từ dầu thô 14.000 tỷ đồng, vượt 63,7% dự toán, tăng 26%; thu từ hoạt động xuất nhập khẩu 116.400 tỷ đồng, vượt 7,8% dự toán, tăng 9,8% so với cùng kỳ.

Năm 2019, thành phố thu gần 410.000 tỷ đồng; năm 2020 ảnh hưởng dịch chỉ thu được 371.000 tỷ đồng (hơn 91% dự toán). Những năm gần đây, thu ngân sách thành phố chiếm 25-27% tổng thu cả nước. PV

MỚI - NÓNG