TS Huy Tuấn trong căn phòng dành cho trưởng khoa trần nhà đã phủ rêu mốc vì mưa dột |
Dẫn phóng viên đi khảo sát tại khoa Cấp cứu, Bệnh viện Trưng Vương, TS.BS Phạm Ngọc Huy Tuấn, Trưởng khoa này nói: “Phòng của tôi là phòng VIP nhất trong khoa nhưng mưa xuống là dột, nước chảy lênh láng”. Vừa dứt lời, ông chỉ lên trần nhà, những mảng trần vốn là màu trắng, nay đã biến thành màu đen của nấm mốc sau nhiều năm dột nát.
Hệ thống máy lạnh của bệnh viện đã hư hỏng hoàn toàn, bệnh nhân và nhân viên y tế phải chịu nóng |
Đi vào khu cấp cứu, điều trị cho người bệnh, TS Huy Tuấn bùi ngùi: “Hệ thống máy lạnh đã bị hư hỏng hoàn toàn sau đợt cao điểm phòng chống dịch. Đây là khu vực cần vô trùng nên các cánh cửa đều đóng kín. Máy lạnh không hoạt động, nhân viên y tế khi làm việc mồ hôi nhễ nhại ướt áo thì thử hỏi người bệnh làm sao chịu nổi khi cơ thể vừa bị bệnh hành hạ lại vừa phải chịu sự nóng nực, ngột ngạt. Thời tiết buổi sáng còn đỡ, chiều đến khi mái tôn đã hấp thụ nhiệt các phòng bệnh càng trở nên oi bức hơn”.
Nhiều máy móc, thiết bị tại khoa cấp cứu đã bị hư hỏng nhưng không được mua sắm bổ sung |
Tại buổi làm việc với đoàn khảo sát về Đề án Y tế Thông minh của HĐND TPHCM sáng nay (9/11), TS Huy Tuấn cho biết: “Trong đợt bùng phát dịch vừa qua, bệnh viện đã được trưng dụng phục vụ điều trị bệnh nhân COVID-19. Không chỉ con người mà cả máy móc thiết bị cũng đều bị phun hóa chất khử khuẩn mỗi ngày khiến máy thở, máy điện tim, máy vi tính, máy lạnh đều bị hư hỏng”.
Sau khi dịch bệnh được kiểm soát, máy móc trang thiết bị hư hỏng nhưng bệnh viện không nhận được sự hỗ trợ đầu tư mua sắm, thay thế để phục hồi. Mặt khác, bệnh viện phải tiếp nhận, điều trị bệnh nhân như cơ sở khám chữa bệnh bình thường nhưng bên trong thì cơ sở vật chất đã rỗng.
Bệnh viện đang xây dựng tòa nhà A nhưng tiến độ dự án đã phải kéo dài thêm 5 tháng |
“Máy vi tính đã hư hỏng hết, phải sửa chữa, chắp vá, có những máy hư hỏng dẫn tới mất dữ liệu hoặc làm chậm dữ liệu, khoa cấp cứu nhưng phim X-quang cho người bệnh không xem được. Mấy em đồng nghiệp hỏi tôi, bây giờ không có phim X-quang, trị bệnh viêm phổi theo như phòng mạch bình thường là mình đón bệnh rồi xài thuốc kháng sinh được không…, tôi nghe mà đau lòng. Trang thiết bị, cơ sở vật chất hạ tầng xuống cấp, nhân viên y tế chỉ chịu khổ nhưng thiệt thòi sẽ trút hết lên người bệnh”.
Nhà cũ xuống cấp, nhà mới chậm tiến độ, cơ sở vật chất hư hỏng khiến người bệnh chịu thiệt |
Bên cạnh đó, bệnh viện đang trong thời gian xây dựng tòa nhà mới nên cơ sở vật chất ở các khoa phòng cũ không được đầu tư, sửa chữa khiến tình trạng xuống cấp càng trở nên trầm trọng hơn.
Cảnh hoang tàn, đổ nát và tạm bợ trong Bệnh viện Trưng Vương TPHCM |
Chia sẻ thêm về khó khăn đang phải đối mặt, BS Huỳnh Ngọc Hớn, Phó giám đốc Bệnh viện Trưng Vương cho biết, bệnh viện đang trong quá trình xây dựng mới, các khoa phòng không thể sửa chữa lớn, đường đi lối lại bị chia cắt, do vậy hạ tầng mạng, trang thiết bị, cơ sở hạ tầng cũng bị ảnh hưởng theo. Hiện, việc xây dựng khối nhà A bị chậm tiến độ khoảng 5 tháng sẽ kéo theo hàng loạt sự chậm trễ khác, bệnh viện đang phối hợp với các cơ quan chức năng để thúc đẩy tiến độ xây dựng.
Bệnh nhân lớn tuổi đang phải chịu cả bệnh tật hành hạ và không khí ngột ngạt, nóng nực trong khoa Cấp cứu, Bệnh viện Trưng Vương |
Bà Thi Thị Tuyết Nhung, thành viên đoàn khảo sát của HĐND TPHCM đề nghị bệnh viện cần tập trung giám sát, thúc đẩy tiến độ các công trình xây dựng để đảm bảo mục tiêu đề ra. Sở Y tế cũng cần nghiên cứu các giải pháp tháo gỡ khó khăn và tham mưu UBND thành phố cùng các sở ngành liên quan để giúp bệnh viện đáp ứng được các nhu cầu của người bệnh trong hoạt động khám chữa bệnh tại Bệnh viện Trưng Vương.