10 sự kiện nổi bật của TPHCM năm 2020 gồm có:
1/ Tổ chức thành công Đại hội Đảng các cấp và Đại hội Đại biểu Đảng bộ TPHCM lần thứ XI.
Trong bối cảnh dịch COVID-19 diễn biến phức tạp, TPHCM đã lãnh đạo, chỉ đạo tổ chức Đại hội đảng các cấp trực thuộc và Đại hội Đại biểu Đảng bộ Thành phố lần thứ XI thành công tốt đẹp, là sự kiện chính trị đặc biệt đối với tương lai và con đường phát triển của Thành phố trong giai đoạn phát triển 10 năm sắp tới.
Đại hội Đảng bộ TPHCM lần thứ XI đã thông qua 51 chương trình, đề án để thực hiện 03 chương trình đột phá và 01 chương trình trọng điểm giai đoạn 2020 - 2025 và định hướng năm 2030. Đại hội vinh dự được Ủy viên Bộ Chính trị, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đến dự và phát biểu chỉ đạo tâm huyết và sâu sắc với Đại hội.
Triển khai đạt hiệu quả cao đợt thi đua 200 ngày chào mừng Đại hội Đảng các cấp và Đại hội đại biểu Đảng bộ Thành phố lần thứ XI tiến tới Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng, gắn với những nội dung cụ thể theo từng địa phương, cơ quan, đơn vị đã huy động sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, thu hút sự tham gia tích cực của các tầng lớp nhân dân, các tổ chức xã hội, tôn giáo, các doanh nghiệp thành phố, tạo ra không khí thi đua sôi nổi trong việc phấn đấu hoàn thành các mục tiêu, chỉ tiêu của năm 2020 và cả nhiệm kỳ 2015 - 2020.
2/ Quốc hội ban hành Nghị quyết về tổ chức chính quyền đô thị và thành lập Thành phố Thủ Đức thuộc TPHCM.
Nghị quyết số 131/2020/QH14 được Quốc hội ban hành ngày 16/11/2020 về tổ chức chính quyền đô thị tại TPHCM và có hiệu lực thi hành từ ngày 01/01/2021. Đây là kết quả của sự kiên trì, nỗ lực, sáng tạo của nhiều thế hệ lãnh đạo TPHCM trong việc đề xuất Trung ương quyết định các cơ chế cho Thành phố phát triển bền vững, mạnh mẽ hơn nữa trong thời gian tới. Việc ban hành Nghị quyết sẽ góp phần giải quyết các vấn đề lớn đối với một đô thị loại đặc biệt, nhằm phát huy tốt nhất vai trò, vị trí của TPHCM đối với vùng kinh tế trọng điểm phía Nam và cả nước.
Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã ban hành Nghị quyết số 1111/NQ-UBTVQH14 ngày 09/12/2020 về việc sắp xếp các đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã và thành lập thành phố Thủ Đức thuộc TPHCM trên cơ sở sáp nhập Quận 2, Quận 9 và quận Thủ Đức, gắn với khu đô thị sáng tạo, tương tác cao phía Đông TPHCM sẽ là động lực phát triển của Thành phố trong thời gian tới, ghi dấu ấn về việc lần đầu tiên thành lập thành phố trong Thành phố trực thuộc Trung ương.
Việc thành lập thành phố Thủ Đức sẽ góp phần tinh gọn bộ máy, phát huy nguồn lực để phát triển kinh tế, xã hội của địa phương. Thành phố Thủ Đức không chỉ là động lực phát triển kinh tế mà còn là đòn bẩy nâng cao đời sống người dân; dự kiến đóng góp 30% GRDP TPHCM, khoảng 7% GDP cả nước.
Kể từ ngày Nghị quyết này có hiệu lực thi hành (ngày 01 tháng 01 năm 2021), TPHCM có 22 đơn vị hành chính cấp huyện, gồm 16 quận, 05 huyện và 01 thành phố; 312 đơn vị hành chính cấp xã, gồm 58 xã, 249 phường và 05 thị trấn.
3/ TPHCM phòng, chống dịch COVID-19 thành công và ghi nhận thành tựu nổi bật của ngành y.
TPHCM là địa phương đầu tiên của cả nước phát hiện 03 ca nhiễm. Ban chỉ đạo phòng chống dịch COVID-19 của TPHCM đã thực hiện các biện pháp phòng ngừa căn cơ, sáng tạo và bài bản để khoanh vùng, kiểm soát thành công đại dịch COVID-19.
Thành phố đã kịp thời ban hành 8 Bộ tiêu chí đánh giá chỉ số an toàn trong phòng, chống dịch COVID-19 cho các ngành, địa phương, doanh nghiệp áp dụng phòng dịch rất hiệu quả. Chủ động, sáng tạo trong việc xây dựng 2 bệnh viện dã chiến Củ Chi và điều trị COVID-19 Cần Giờ. Triển khai hiệu quả khu cách ly quy mô lớn đầu tiên cả nước tại ký túc xá Đại học Quốc gia TPHCM (Quận Thủ Đức). Kiểm soát chặt chẽ 03 đợt bùng phát dịch, đồng thời điều trị thành công nhiều ca bệnh nặng, không có người tử vong, được người dân tin tưởng và Trung ương đánh giá cao.
Thành phố đã kịp thời có các giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp duy trì sản xuất và đảm bảo an ninh xã hội dưới tác động của dịch bệnh. Kịp thời hỗ trợ các đối tượng khó khăn với số tiền hơn 600 tỷ đồng, xử lý gia hạn hơn 8.800 tỷ tiền thuế cho doanh nghiệp, hơn 200 tỷ đồng gia hạn thuế giá trị gia tăng, thu nhập cá nhân, tiền thuế đất cho các hộ kinh doanh.
Cả ba khu vực dịch vụ, công nghiệp và nông nghiệp đều tăng trưởng dương, xuất khẩu đạt hơn 44 tỷ USD, thu hút đầu tư nước ngoài hơn 4 tỷ USD, hơn 40.000 doanh nghiệp đăng ký thành lập mới với tổng vốn đăng ký hơn 1 triệu tỷ đồng. Ngoài ra, đã có hơn 8.000 doanh nghiệp hoạt động trở lại, tăng 21% so với cùng kỳ.
Thành phố đã chủ động tiếp cận cơ hội từ kinh tế số cho tăng trưởng kinh tế. Đã triển khai thành công nhiều ứng dụng công nghệ như các sàn thương mại điện tử, xe công nghệ, ví điện tử, tổ chức họp trực tuyến, dịch vụ công trực truyến,...
Ghi nhận tinh thần dũng cảm, sự hy sinh thầm lặng của các “Chiến sĩ áo trắng”, các lực lượng quân đội, công an và sự đồng lòng, hợp lực của mọi tầng lớp nhân dân Thành phố trong cuộc chiến chống Đại dịch Covid-19, với tinh thần "Mỗi người dân là một chiến sỹ, mỗi gia đình là một pháo đài" phòng chống dịch.
Năm 2020 ghi dấu nhiều thành tựu của ngành y tế TPHCM. Điển hình là việc thực hiện thành công ca đại phẫu thuật tách rời cặp song sinh dính liền Trúc Nhi – Diệu Nhi. Đây là minh chứng cụ thể của việc thành phố đã đi đúng hướng trong công tác đầu tư phát triển nguồn nhân lực y tế, cơ sở hạ tầng y tế, phát triển kỹ thuật y tế chuyên sâu.
4/ Tiên phong chuyển đổi số, đẩy mạnh xây dựng “Đô thị thông minh”.
Trong năm 2020, TPHCM đã thúc đẩy mạnh mẽ chuyển đổi số thông qua ứng dụng công nghệ thông tin, giúp hoàn thiện cấu trúc chính quyền điện tử, phục vụ mục tiêu chiến lược xây dựng Thành phố Hồ Chí Minh trở thành đô thị thông minh.
Ngày 03/7/2020, UBND TPHCM đã ban hành kế hoạch cập nhật Kiến trúc Chính quyền điện tử TPHCM, là giải pháp tổng thể giúp định hướng triển khai một cách thống nhất và đồng bộ ứng dụng công nghệ thông tin trong các cơ quan nhà nước của Thành phố. Đồng thời, TPHCM đã phê duyệt Chương trình Chuyển đổi số và thúc đẩy phát triển hạ tầng số với việc triển khai thử nghiệm mạng di động 5G.
Đến nay, Thành phố đã triển khai gần 1.300 dịch vụ công trực tuyến mức độ 3 và 4, chiếm hơn 40% tổng số dịch vụ công được cung cấp. Ứng dụng công nghệ 4.0 vào giải quyết thủ tục hành chính, tỷ lệ giải quyết hồ sơ đúng hẹn hơn 99%.
5/ Nhiều công trình giao thông trọng điểm hoàn thành;giao thông đô thị từng bước được cải thiện.
TPHCM đã đưa vào sử dụng Bến xe Miền Đông mới, Bến xe Miền Đông mới là một công trình thu hút sự quan tâm của cộng đồng, tiến tới di dời bến xe hiện trạng (Quận Bình Thạnh), góp phần giải quyết kẹt xe và kết nối với các địa phương. Thúc đẩy phát triển giao thông công cộng trên địa bàn TPHCM.
Khánh thành nút giao thông An Sương với trang bị hiện đại, nâng cao chất lượng phục vụ người dân, đồng thời góp phần cùng Thành phố thực hiện chương trình giảm ùn tắc giao thông. Nút giao thông An Sương đã giải quyết tình trạng ùn tắc cửa ngõ Tây Bắc TPHCM.
Hình thành và đưa vào khai thác Trung tâm quản lý điều hành giao thông thông minh. Quản lý điều khiển giao thông trên phạm vi 09 quận trung tâm Thành phố, với 36 km2 (theo các kịch bản tự động). Giám sát xử phạt các hành vi vi phạm về: dừng đỗ xe trái quy định, vượt tốc độ,... Cung cấp thông tin giao thông trực tuyến cho người dân thông qua hệ thống giám sát camera, GPS,... góp phần lớn về giải quyết ùn tắc giao thông khu vực nội đô, khu vực sân bay Tân Sơn Nhất, cảng Cát Lái.
Trong bối cảnh dịch COVID-19, khoảng 3.000 kỹ sư, công nhân đã ngày đêm tăng tốc thi công trên toàn tuyến Metro số 1 (Bến Thành - Suối Tiên), tổng khối lượng hoàn thành toàn dự án đã đạt 81%; Khôi phục lại không gian - cảnh quan khu vực phía trước Nhà hát Thành phố, hoàn thiện Tầng B1 ga ngầm Nhà hát Thành phố vượt tiến độ 96 ngày so với kế hoạch; nhập khẩu và vận chuyển thành công đoàn tàu đầu tiên của dự án về đến Depot Long Bình, Quận 9.
6/ TPHCM đẩy mạnh các hoạt động phát triển liên kết vùng, đi đầu trong triển khai mô hình “đối ngoại số”.
Năm 2020, TPHCM đã phối hợp với nhiều địa phương tổ chức các hoạt động du lịch, xúc tiến, hợp tác mang tính liên kết vùng. Tổ chức chuỗi hội thảo liên kết phát triển du lịch; hỗ trợ liên kết đưa nông sản, sản phẩm công nghiệp hỗ trợ của các địa phương tham gia chuỗi cung ứng toàn cầu.
TPHCM là địa phương đầu tiên đề xuất cho ngành du lịch Việt Nam các giải pháp để vượt qua giai đoạn đầy biến động, khó khăn “chưa từng có” của du lịch toàn cầu. TPHCM đã tổ chức hàng loạt các hoạt động liên kết hợp tác phát triển du lịch với 13 tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long, vùng Đông Nam Bộ, vùng Tây Bắc mở rộng, vùng Đông Bắc và vùng kinh tế trọng điểm khu vực miền Trung; 5 diễn đàn, hội nghị liên kết với 41 tỉnh thành và được hơn 500 doanh nghiệp hưởng ứng. Trong đó, TPHCM giữ vai trò chủ động nối kết các liên kết thành một chỉnh thể hòa quyện trong công tác phát triển sản phẩm, xúc tiến quảng bá và hợp tác kêu gọi đầu tư phát triển du lịch tạo thế mạnh chung cho du lịch nội địa và từng địa phương.
Năm 2020, TPHCM đã tổ chức nhiều Hội nghị trực tuyến với các đối tác nước ngoài và triển khai mô hình “đối ngoại số”. Trong bối cảnh khôi phục lại các hoạt động kinh tế - xã hội theo trạng thái “bình thường mới”, Thành phố đã chủ động thúc đẩy việc duy trì quan hệ hợp tác song phương, đa phương thông qua việc tổ chức nhiều cuộc họp trực tuyến giữa lãnh đạo Thành ủy, UBND TPHCM với các quốc gia có hợp tác hữu nghị với thành phố mang lại hiệu quả thiết thực.
Các hoạt động nổi bật trong năm 2020 là: Hội nghị trực tuyến giữa lãnh đạo Thành ủy, UBND TPHCM và các quốc gia có hợp tác hữu nghị với thành phố, lãnh đạo các địa phương có quan hệ hữu nghị hợp tác với TPHCM, tổ chức quốc tế và các đối tác như Saint-Petersburg (Nga), Busan, Deagu (Hàn Quốc), Aichi (Nhật Bản), Thượng Hải (Trung Quốc), Ngân hàng Thế giới, Amcham, Eurocham.."
7/ Lực lượng vũ trang góp phần quan trọng giữ vững an ninh, chính trị và trật tự an toàn xã hội trên toàn địa bàn TPHCM.
Với sự phối hợp chặt chẽ, lực lượng vũ trang TPHCM trong năm 2020 đã tập trung bảo đảm an toàn tuyệt đối các sự kiện chính trị đặc biệt quan trọng của thành phố và đất nước.
Tổ chức nhiều đợt ra quân tấn công, trấn áp các loại tội phạm, vận động toàn dân giao nộp vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ, phát hiện và đấu tranh với tội phạm vi phạm pháp luật, triệt phá hàng chục vụ án ma túy lớn, xử lý nhiều vụ án vi phạm về quản lý kinh tế; xử phạt vi phạm hành chính về môi trường, thực hiện tốt công tác phòng cháy, chữa cháy cứu nạn, cứu hộ.
Tổ công tác 363 Công an TPHCM, lực lượng trinh sát bộ đội Biên phòng TPHCM hoạt động hiệu quả, phát hiện, xử lý nhanh nhiều vụ án về ma túy, tội phạm kinh tế, thu giữ nhiều tang vật liên quan.
Năm qua, lực lượng vũ trang TPHCM đã làm tốt công tác giáo dục tuyên truyền, vận động công dân thực hiện Nghĩa vụ quân sự, nâng cao vai trò, ý thức cho công dân về trách nhiệm đối với công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới.
Thể hiện trọng trách cao nhất của mình, lực lượng vũ trang TPHCM đã đóng góp một phần quan trọng vào thành công của công tác kiểm soát, khoanh vùng, khống chế dịch bệnh Covid 19, trong đó có các biện pháp kiểm soát người nước ngoài nhập cảnh trái phép vào thành phố.
Các đơn vị tác chiến điện tử, trinh sát kỹ thuật, tác chiến không gian mạng... của Bộ Tư lệnh TPHCM đã góp phần quan trọng vào việc bảo vệ an ninh chính trị và trật tự an toàn xã hội trên địa bàn thành phố.
8/ Khẳng định vai trò, trách nhiệm "Thành phố nghĩa tình- Vì cả nước, cùng cả nước".
Năm 2020, TPHCM đã thực hiện hiệu quả "mục tiêu kép" vừa phòng, chống dịch, vừa đạt được mục tiêu tăng trưởng kinh tế, đảm bảo việc làm và thu nhập cho người lao động. Các tổ chức, cơ quan, doanh nghiệp, mạnh thường quân và các tầng lớp nhân dân thành phố đã đồng lòng, tin tưởng, chia sẻ, hưởng ứng những quyết sách trong phòng, chống dịch của TPHCM. Điển hình như, gói hỗ trợ an sinh xã hội hơn 600 tỷ đồng của thành phố dành cho người cơ nhỡ, vô gia cư, bán vé số, lao động thất nghiệp; Người dân có sáng kiến chung tay chống dịch như lắp đặt nhiều máy “ATM gạo”, “ATM khẩu trang” cho người nghèo.
Với truyền thống nghĩa tình, người dân TPHCM đã ủng hộ Quỹ “Vì người nghèo” và Quỹ “Cứu trợ” TPHCM để chăm lo nhu cầu thiết thực của các hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ có hoàn cảnh khó khăn, đồng thời chăm lo cho cuộc sống của đồng bào miền Trung đang chống chọi với bão lũ và hỗ trợ đồng bào bị hạn hán, xâm nhập mặn.
Ban vận động “Vì người nghèo” của TPHCM và các quận, huyện đã vận động hơn 98 tỷ 600 triệu đồng. Từ nguồn Quỹ này, TPHCM đã: Xây dựng và sửa chữa 20 căn nhà tình nghĩa, 380 căn nhà tình thương với số tiền hơn 17 tỷ 100 triệu đồng; trao tặng 8.513 suất học bổng Nguyễn Hữu Thọ với số tiền hơn 17 tỷ 200 triệu đồng; cấp 127.256 thẻ Bảo hiểm y tế với số tiền gần 9 tỷ 900 triệu đồng; trao tặng 162 phương tiện sinh kế với tổng số tiền gần 1 tỷ 400 triệu đồng giúp nhiều người nghèo có điều kiện vươn lên ổn định cuộc sống…
9/ Người dân TPHCM chung tay xây dựng Thành phố ngày càng xanh, sạch, đẹp, văn minh.
Nhằm đánh giá, biểu dương cũng như nhìn nhận những hạn chế, khó khăn, thách thức trong giai đoạn hiện nay, TPHCM đã tổ chức Tổng kết Chỉ thị số 19-CT/TU về thực hiện Cuộc vận động “Người dân TPHCM không xả rác ra đường và kênh rạch, vì thành phố sạch và giảm ngập nước”, Chỉ thị số 11-CT/TU về tăng cường công tác quản lý trật tự đô thị trên địa bàn TPHCM và Chỉ thị số 23-CT/TU về tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo nâng cao hiệu quả công tác quản lý nhà nước về trật tự xây dựng trên địa bàn.
Được sự ủng hộ của các tầng lớp nhân dân TPHCM, từ tổ dân phố, khu phố cho tới các thôn, ấp; nhiều mô hình, giải pháp tiêu biểu về bảo vệ môi trường đã được thực hiện một cách hiệu quả: 517/600 điểm đen về ô nhiễm môi trường do rác đã được chuyển hóa, trong đó 65 điểm trở thành khu sinh hoạt cộng đồng, có 98,4% phường, xã, thị trấn được công nhận là xanh, sạch.
Mỹ quan, trật tự đô thị đã có những bước chuyển mình đạt thành quả tốt đẹp được người dân đồng thuận và hưởng ứng, bình quân số vụ vi phạm về đô thị thống kê đều giảm. Sau khi triển khai thực hiện Chỉ thị số 11-CT/TU và Chỉ thị số 23-CT/TU, tính riêng giai đoạn một năm từ 15/7/2019 - 15/9/2020, tổng số công trình vi phạm là 1.322, tỷ lệ giảm 63,5%, chỉ còn bình quân 3,1 vụ/ngày. Qua đó thể hiện sự đồng thuận, chung tay của toàn dân và toàn hệ thống chính trị trong thời gian qua đã mang lại hiệu quả thiết thực đến với đời sống người dân, từng bước xây dựng Thành phố văn minh, nghĩa tình, đậm đà bản sắc văn hóa.
10/ Nỗ lực thực hiện thành công chủ đề năm 2020 của Thành phố “Năm đẩy mạnh hoạt động văn hóa và xây dựng nếp sống văn minh đô thị”.
Với chủ đề “Năm đẩy mạnh hoạt động văn hóa và xây dựng nếp sống văn minh đô thị”, trong năm 2020 Ngành Văn hóa TP.HCM đã tập trung phối hợp với các sở, ban, ngành, quận, huyện triển khai triển khai xây dựng các Đề án phát triển của Ngành Văn hóa và Thể thao và Tăng cường, nâng cao chất lượng hoạt động lễ hội và sự kiện, đáp ứng nhu cầu hưởng thụ văn hóa, nghệ thuật của quần chúng nhân dân đồng thời phát huy vai trò của gia đình trong việc xây dựng môi trường văn hóa.
Đặc biệt, lần đầu tiên thành phố đã tổ chức chương trình “Đối thoại Văn hóa” với chủ đề “Giải pháp giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa, hướng tới xây dựng TPHCM - Thành phố văn hóa”, được Nhân dân và dư luận đánh giá cao. Nội dung chương trình đã thể hiện sự quyết tâm của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân thành phố trong việc giữ gìn, củng cố những phẩm chất đáng quý của con người thành phố.
Sau 7 năm gián đoạn, cuộc thi tài năng diễn viên sân khấu cải lương - Giải thưởng Trần Hữu Trang đã trở lại với công chúng. Lần đầu tiên giải thưởng này mở rộng nội dung thi ở tất cả các dạng vai chứ không chỉ tập trung vào vài đào – kép chính như nhiều mùa giải trước. Giải thưởng cũng được nâng tầm quốc gia, huy chương cũng được tính vào quy trình xét danh hiệu nghệ sĩ Nhân dân, nghệ sĩ Ưu tú.
Năm 2020, kỷ niệm 44 năm Ngày thành phố Sài Gòn - Gia Định chính thức vinh dự mang tên Chủ tịch Hồ Chí Minh, TPHCM đã tổ chức chuỗi hoạt động văn hóa - thể thao với chủ đề “Sài Gòn - TP.HCM, 44 năm tự hào mang tên Bác”, với nhiều hoạt động văn hóa - thể thao đa dạng, diễn ra tại phố đi bộ Nguyễn Huệ; tổ chức thành công kỷ niệm 10 năm Lễ hội Đường sách Tết Nguyên đán, ngày hội Văn hóa đọc cũng được tổ chức và được sự hưởng ứng của đông đảo tầng lớp nhân dân ở phường xã, quận huyện trên địa bàn thành phố.
Trong bối cảnh các hoạt động văn hóa, thể thao trên thế giới bị hủy bỏ vì phải đối mặt với dịch bệnh, năm 2020, TPHCM đã tổ chức thành công nhiều sự kiện văn hóa, thể thao quy mô Kỷ niệm 45 năm Ngày giải phóng thành phố, giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước và 130 năm ngày sinh chủ tịch Hồ Chí Minh.