TP Hồ Chí Minh: Làm sao ngầm hóa 5.000km cáp

Thực hiện ngầm hóa cáp điện, thông tin trên một tuyến đường tại TPHCM. Ảnh: L.T
Thực hiện ngầm hóa cáp điện, thông tin trên một tuyến đường tại TPHCM. Ảnh: L.T
TP - Theo Đề án ngầm hóa lưới điện, vừa được UBND TPHCM thông qua, từ nay đến 2020, thành phố sẽ xóa bỏ và đưa toàn bộ mạng điện, viễn thông câu mắc chằng chịt trên đường phố xuống lòng đất.

Cuộc chỉnh trang đô thị lớn nhất từ trước đến nay dự kiến tiêu tốn trên 14.000 tỷ đồng.

Thực hiện ngầm hóa cáp điện, thông tin trên một tuyến đường tại TPHCM. Ảnh: L.T
Thực hiện ngầm hóa cáp điện, thông tin trên một tuyến đường tại TPHCM. Ảnh: L.T.

Lo thòng lọng câu người đi đường

Tuyến đường Phan Đình Phùng (quận Phú Nhuận, TPHCM) luôn nườm nượp người, xe. Trên hai hàng cột điện chạy dọc hai bên đường, dây điện, điện thoại câu mắc chằng chịt như mạng nhện. Có nơi, bó cáp sà xuống, chực chờ rớt xuống đường. Một số cột điện có nhiều vết nứt dọc, ngang, bê tông bị mòn, lộ lõi sắt bên trong. Nhiều cột điện sắt phần móng bị nứt, vỡ...

Dọc các tuyến đường như Ngô Tất Tố, Xô Viết Nghệ Tĩnh, Lý Chính Thắng, Nơ Trang Long, Cách Mạng Tháng Tám...?vẫn còn xuất hiện nhiều “mạng nhện” giăng chằng chịt. Các loại dây cáp treo mắc vô tội vạ, không đảm bảo an toàn và mỹ quan đô thị khiến nhiều cột điện già nua có nguy cơ đổ gục xuống đường. Nhiều nơi, dây cáp võng xuống đường như thòng lọng, cản trở giao thông và gây nguy hiểm cho người đi đường.

Theo Sở Thông tin và Truyền thông TPHCM, hiện trên địa bàn thành phố có hơn 20 đơn vị được phép xây dựng hạ tầng mạng viễn thông, Internet đang sử dụng chung trên 211.860 cột điện do ngành điện quản lý thông qua các hợp đồng, thỏa thuận sử dụng trụ điện.

Theo Tổng công ty điện lực TPHCM (EVN HCMC), từ năm 2010 đến nay, ngành điện đã chỉnh trang làm gọn cáp viễn thông hàng trăm tuyến đường, 36.000 cột điện với tổng chiều dài 885km song vẫn chưa khắc phục được tình trạng kém an toàn trên đường phố.

Vẫn trong giai đoạn chờ vốn

Từ tháng 9-2009, các công trình ngầm hóa lưới điện, dây thông tin lần lượt được thực hiện trên đường Trần Hưng Đạo, Lê Thánh Tôn, chợ Bến Thành...?với tổng vốn đầu tư hơn 400 tỷ đồng. Theo đề án vừa được thông qua, việc ngầm hóa toàn bộ lưới điện, viễn thông trên địa bàn TPHCM sẽ chia làm hai giai đoạn. Từ nay đến năm 2015, ngành điện sẽ tập trung ngầm hóa lưới điện trung, hạ thế và dây thông tin trên các tuyến hẻm khu vực trung tâm quận 1, 3 và từ 2015 đến 2020 sẽ thực hiện ở các quận huyện còn lại.

Trong năm 2011 TPHCM sẽ triển khai 19 dự án ngầm hóa trên 21 tuyến đường và tại 8 khu vực vòng xoay, nút giao thông chính của thành phố với gần 60 km lưới điện trung và hạ thế. Đưa 5.000 km cáp xuống lòng đất, TPHCM cần đầu tư 14.000 tỷ đồng để thực hiện 341 công trình ngầm hóa, trong đó riêng lưới điện đã ngốn hơn 10.000 tỷ đồng.

Theo tính toán của ngành điện, kinh phí xây hào kỹ thuật ngầm hóa lên tới 18 tỷ đồng/km. Nếu thêm chi phí thiết bị thì kinh phí đầu tư ngầm hóa lên là 36 tỷ đồng/km. Nhu cầu vốn để ngầm hóa quá lớn nên đến nay, hầu hết các dự án đang còn trong giai đoạn chờ vốn.

Ngành điện không thể cân đối được nguồn vốn cũng như vay vốn với lãi suất cao như hiện nay để thực hiện dự án.

Ngán xin phép đào đường

Đại diện một số doanh nghiệp (DN) cho biết, rất ngán làm thủ tục xin đào đường. Công trình ngầm hóa chủ yếu được thực hiện tại các tuyến đường trung tâm, thuộc danh mục cấm đào nên không thể thực hiện ngầm hóa đúng kế hoạch. Đơn cử như trong 29 tuyến đường công ty Viettel đang ngầm hóa thì có trên 50% thuộc danh mục cấm đào. Để được đào đường, DN này phải xin giấy phép nhiều cửa, nhiều cấp, quy trình mất ít nhất hơn một năm.

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG