TP HCM thí điểm ôtô điện ở khu trung tâm

Hà Nội đã đưa ôtô điện vào sử dụng từ năm 2010 nhưng phương tiện này vẫn phải chen lấn giữa dòng xe cộ khác trên phố khiến nhiều người e ngại.
Hà Nội đã đưa ôtô điện vào sử dụng từ năm 2010 nhưng phương tiện này vẫn phải chen lấn giữa dòng xe cộ khác trên phố khiến nhiều người e ngại.
Theo Sở Giao thông Vận tải TP HCM, xe điện có ưu điểm nổi bật vì không gây tiếng ồn, sử dụng nhiên liệu sạch, khí thải không gây ô nhiễm môi trường.

Báo cáo UBND TP HCM về "Đề án thí điểm sử dụng xe điện vận tải hành khách trong khu vực trung tâm thành phố", Sở Giao thông Vận tải TP HCM cho rằng xe điện có ưu điểm nổi bật so với các phương tiện sử dụng xăng, dầu là không gây ô nhiễm môi trường và không gây tiếng ồn. Việc sử dụng xe điện sẽ tăng thêm loại hình vận tải hành khách đô thị thân thiện với môi trường.

Qua nghiên cứu, cơ quan này đề xuất hai phương án hoạt động cho xe điện trên địa bàn TP HCM. Trong phương án một, xe điện sẽ hoạt động 24/24 với hình thức giống taxi hiện nay tại khu vực trung tâm thành phố, gồm các điểm du lịch, nhà hàng, khách sạn trên một số tuyến chính.

Phương án hai, xe điện sẽ chạy như xe buýt tức là có tuyến cố định, đi qua các điểm du lịch, khách sạn lớn ở khu vực trung tâm thành phố như công viên 23/9, khu phố Tây, công trường Mê Linh, công trường Lam Sơn, Lê Lợi, Nguyễn Huệ, Pasteur, Hồ Con Rùa, Lê Duẩn, Thảo Cầm Viên.

Xe điện sẽ đón khách tại Nhà hát Thành phố, chợ Bến Thành, Bảo tàng cách mạng thành phố, Bảo tàng mỹ thuật, Dinh Độc Lập, Bảo tàng Hồ Chí Minh, Bảo tàng Tôn Đức Thắng, Bảo tàng lịch sử Việt Nam, Bảo tàng chiến dịch Hồ Chí Minh, Nhà thờ Đức Bà, Bưu điện Thành phố, Đền Trần Hưng Đạo, Thảo Cầm Viên, chùa Linh Sơn, chùa Bà Thiên Hậu, chùa Ngọc Hoàng... và tại 12 khách sạn lớn ở trung tâm thành phố.

Trước mắt, Sở Giao thông Vận tải kiến nghị Bộ Giao thông Vận tải sớm ban hành các tiêu chuẩn về kiểm định an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường đối với ôtô điện cũng như các quy định liên quan tới người điều khiển loại ôtô này khi tham gia giao thông trên đường công cộng. Riêng trong giai đoạn thí điểm, Sở này kiến nghị bằng lái cho người điều khiển ôtô điện là B2 và lưu thông trên làn xe hỗn hợp.

Góp ý cho đề án, lãnh đạo thành phố yêu cầu sở Giao thông Vận tải và sở Văn hóa thể thao và Du lịch phối hợp xác định phương án tối ưu nhất. Trước hết cần nghiên cứu tâm lý và nhu cầu của khách du lịch có thích đi loại phương tiện này không. Thí điểm ban đầu chỉ là đưa đón chứ chưa phải là tuyến du lịch. Nếu việc thí điểm thành công thì nên khuyến khích đầu tư loại hình vận tải này.

Trước TP HCM, Hà Nội cũng đã khai thác xe điện cho các tour du lịch vòng quanh Phố Cổ, hồ Tây. Tại Đà Nẵng, tháng 3/2012, tuyến xe điện đầu tiên được khai trương để phục vụ khách du lịch với giá 250.000 đồng/h, 350.000 đồng/2h, 450.000 đồng/3h, từ giờ thứ 5 trở lên còn 80.000 đồng cho mỗi giờ.

Theo Sở Giao thông Vận tải, trong tháng 8 vừa qua cơ quan này đã nhận được đề nghị của 2 doanh nghiệp xin chủ trương triển khai thí điểm sử dụng ôtô điện phục vụ nhu cầu tham quan, du lịch trên một số tuyến đường đủ điều kiện tại khu vực trung tâm theo hình thức doanh nghiệp tự đầu tư, thành phố hỗ trợ về cơ chế, chính sách và thủ tục pháp lý cho doanh nghiệp. Ngoài ra, UBND quận 1 cũng đang nghiên cứu để đề xuất phương án tổ chức thí điểm xe điện nhằm trung chuyển khách du lịch từ công viên 23/9 đến các điểm tham quan du lịch và nhà hàng khách sạn...

Theo Hữu Công

Theo VnExpress
MỚI - NÓNG