Theo kết quả ở 649/650 đơn vị bầu cử đã được công bố, Đảng Bảo thủ đã có được 364 ghế tại Hạ viện Anh, vượt qua yêu cầu tối thiểu để nắm đa số là 38 ghế và bỏ xa Công Đảng khi Đảng này chỉ giành được 203 ghế. Trong khi đó, Đảng Dân tộc Scotland đã có những bước tiến đáng kể khi giành được 48 ghế, nhiều hơn 13 ghế so với kì Tổng tuyển cử trước.
Sau khi biết tin Đảng Bảo thủ đã giành đa số mặc dù vẫn còn khá nhiều điểm bầu cử vẫn chưa công bố kết quả, ông Johnson đã phát biểu rằng đây là một sự ủy nhiệm cần thiết đến từ các cử tri để ông có thể “hoàn tất Brexit” và chính thức đưa nước Anh rời khỏi EU vào đầu năm sau.
Ông cũng nói thêm “Trên tất cả, tôi muốn gửi lời cảm ơn tới các cử tri khi đã tham gia bỏ phiếu trong cuộc Tổng tuyển cử lần này và tôi nghĩ đó đã trở thành một cuộc bầu cử lịch sử khi nó mang lại cho chúng ta cơ hội tôn trọng ý kiến dân chủ của người dân Anh để thay đổi đất nước này theo chiều hướng tốt đẹp hơn và giải phóng tiềm năng của toàn bộ người dân nước này.”
Trong khi đó, lãnh đạo Công Đảng là Jeremy Corbyn trả lời với truyền thông rằng “đây là một đêm thất vọng” và ông sẽ không đứng ra tranh cử trong kì Tổng tuyển cử tiếp theo. Kết quả được công bố đã cho thấy Công Đảng đã mất ghế trên khắp miền Bắc vương quốc Anh, vùng Midlands và xứ Wales là những nơi ủng hộ Brexit trong cuộc trưng cầu dân ý năm 2016.
Ở một diễn biến khác, Đảng Dân tộc Scotland đã có một “buổi đêm phi thường” khi Đảng này đã thống trị gần như toàn bộ các điểm bầu cử tại Scotland trong cuộc Tổng tuyển cử lần này. Trả lời với báo chí, lãnh đạo Đảng là bà Nicola Sturgeon đã phát biểu rằng cử tri Scotland đã truyền đi một thông điệp rõ ràng là họ không muốn chính phủ của thủ tướng Johnson đưa Scotland ra khỏi EU.
Kết quả của Cuộc tổng tuyển cử thứ 3 trong vòng 5 năm trở lại đây tại xứ sở sương mù đã thành công trên cả mong đợi đối với Đảng Bảo thủ và thủ tướng Boris Johnson sẽ có được đa số cần thiết để có thể đảm bảo rằng Brexit sẽ hoàn tất vào đầu năm sau. Đối lập với đó là một thất bại nặng nề nhất kể từ cuộc Tổng tuyển cử năm 1935 dành cho Công Đảng và rất nhiều thành viên của Đảng này đang mong muốn ông Jeremy Corbyn rời khỏi vị trí lãnh đạo ngay lập tức.
Trong khi đó, ở Scotland là một câu chuyện hoàn toàn khác với sự thống trị của Đảng Dân tộc Scotland của bà Nicola Sturgeon. Qua đó, có thể thấy kì Tổng tuyển cử lần này là một giao điểm quan trọng trong chính trường ở Xứ sở Sương mù khi sự chia rẽ trong vấn đề Brexit nhiều khả năng sẽ kết thúc nhưng những cuộc tranh luận liên quan đến vấn đề độc lập của Scotland có thể sẽ quay trở lại.