Tổng thống Kais Saied tuyên bố sẽ khôi phục quyền lực hành pháp với sự hỗ trợ của thủ tướng mới. Đây là thách thức lớn nhất đối với hệ thống dân chủ của Tunisia kể từ cuộc cách mạng năm 2011.
Đám đông tụ tập ở thủ đô và các thành phố khác để hò reo và nhấn còi xe, tạo nên cảnh tượng giống cuộc cách mạng cách đây chục năm đã châm ngòi cho hàng loạt cuộc biểu tình Mùa xuân Ả-rập rúng động khắp Trung Đông.
Tuy nhiên, chưa rõ sự ủng hộ đối với hành động của ông Saied khi giải tán một chính phủ mong manh và quốc hội đầy chia rẽ đến mức độ nào. Ông cảnh báo bất kỳ ai chớ nghĩ đến cách phản ứng bạo lực.
“Tôi cảnh báo bất kỳ ai nghĩ đến việc sử dụng vũ khí…và với bất kỳ ai bắn bằng đạn, lực lượng vũ trang sẽ đáp trả bằng đạn”, ông Saied nói trong bài phát biểu trên truyền hình.
Vài giờ sau tuyên bố, các xe quân đội bao vây trụ sở quốc hội khi đám đông xung quanh hò reo và hát quốc ca.
Nhiều năm tê liệt, tham nhũng, dịch vụ nhà nước suy yếu và tình trạng thất nghiệp gia tăng khiến người dân Tunisia mất niềm tin vào hệ thống chính trị trước. Đại dịch COVID-19 tấn công từ năm ngoái càng gây tổn thất to lớn cho nền kinh tế.
Không được bất kỳ chính đảng lớn nào ủng hộ, phong trào biểu tình bắt đầu từ ngày 25/7 với sự giận dữ tập trung vào đảng Hồi giáo ôn hoà Ennahda, đảng lớn nhất trong quốc hội.
Ennahda là đảng thành công nhất từ năm 2011 và là thành viên của chính phủ liên minh.
Chủ tịch đảng Ennahda, ông Rached Ghannouchi, là chủ tịch quốc hội. Ông gọi quyết định của Tổng thống Saied là “cuộc đảo chính chống lại cách mạng và hiến pháp”.
“Chúng tôi coi hiến pháp vẫn tồn tại, và những người ủng hộ Ennahda và nhân dân Tunisia sẽ bảo vệ cách mạng”, ông Ghannouchi nói.
Cựu tổng thống Moncef Marzouki, chủ tịch đảng Karama, cũng gọi hành động của ông Saied là đảo chính.
“Tôi đề nghị người dân Tunisia chú ý đến thức tế rằng đây sẽ là khởi đầu của cuộc cách mạng. Đây là khởi đầu của sự trượt dốc đến tình trạng tồi tệ hơn”, ông Marzouki nói.
Tổng thống và quốc hội Tunisia được bầu ra trong hai cuộc bầu cử năm 2019. Thủ tướng Hichem Mechichi lên điều hành từ mùa hè năm ngoái, thay thế một chính phủ tồn tại ngắn ngủi.
Ông Saied, một chính trị gia độc lập không có đảng nào phía sau, tuyên bố sẽ đại tu hệ thống chính trị phức tạp đang bị nạn tham nhũng hoành hành. Trong khi đó, cuộc bầu cử quốc hội tạo nên một cơ quan lập pháp chia rẽ vì không đảng nào có hơn 1/4 số ghế.