Sau khi thông tin Tổng thống Donald Trump mắc COVID-19 được công bố ngày 2/10, các chuyên gia y tế đã nhanh chóng nhấn mạnh rằng ông chủ Nhà Trắng nhiều khả năng sẽ hồi phục hoàn toàn.
Tuy vậy, Tổng thống Trump nằm trong nhóm những người có nguy cơ bệnh tiến triển nặng cao hơn và dễ mắc các biến chứng do virus. Ông đã 74 tuổi và được coi là béo phì dựa trên chỉ số chiều cao, cân nặng. Bên cạnh đó, Tổng thống còn đang dùng thuốc statin để kiểm soát lượng cholesterol.
Nhà Trắng thông báo Tổng thống Trump sẽ được điều trị thận trọng tại Trung tâm Quân y Walter Reed. "Đây là điều đúng đắn nên làm", tiến sĩ Jonathan Reiner, nhà phân tích y tế của CNN, chuyên gia tại Đại học George Washington, tweet sau thông báo từ Nhà Trắng.
"Việc chăm sóc y tế cho Tổng thống tại Nhà Trắng không phải điều quá khó khăn và bạn hoàn toàn có thể đưa ông ấy tới một cơ sở vô cùng an ninh với đội ngũ nhân viên đẳng cấp thế giới", Reiner nói, đề cập tới Walter Reed. "Nhưng bạn sẽ chỉ làm vậy khi cảm thấy tình trạng hô hấp của ông ấy xấu đi".
Theo một số nguồn tin, ông Trump đã bị sốt từ sáng 2/10. Trước đó, Chánh văn phòng Nhà Trắng Mark Meadows nói với các phóng viên rằng Tổng thống chỉ xuất hiện "các triệu chứng nhẹ". Những người từng tiếp xúc gần với Trump hôm 1/10 cho hay giọng nói của ông có vẻ khàn nhưng hầu hết mọi người đều tin rằng nguyên nhân là do ông đã phát biểu quá nhiều trong các cuộc vận động tranh cử.
Chiều 2/10, Sean Conley, bác sĩ của Trump, cho biết Tổng thống đã được nhận hỗn hợp thuốc kháng thể từ công ty công nghệ sinh học Regeneron, đồng thời bổ sung thêm kẽm, vitamin D, thuốc trị chứng ợ nóng famotidine, melatonin và một viên aspirin hàng ngày.
"Nhiều khả năng Tổng thống sẽ hồi phục hoàn toàn", bác sĩ Leana Wen, chuyên gia phân tích y khoa từ CNN, cựu ủy viên y tế Baltimore, đánh giá và thêm rằng 40% số người nhiễm nCoV không xuất hiện triệu chứng và sẽ tự khỏi."Chúng ta còn cả một chặng đường dài phía trước để xem liệu Tổng thống có biểu hiện triệu chứng hay không và liệu bệnh của ông ấy có tiến triển nặng không", Wen nói.
Trong điều trị COVID-19, việc người bệnh có xuất hiện triệu chứng như cúm, khó thở và ho hay không là điều rất quan trọng. Nhờ đó, các nhân viên y tế có thể tập trung vào "điều trị triệu chứng", bác sĩ Wen cho biết. "Nhưng không có loại thuốc kháng sinh hay thuốc kháng virus nào mà chúng ta dùng được vào lúc này".
Hầu hết các bệnh nhân với triệu chứng nhẹ có thể tự theo dõi bệnh tại nhà và bác sĩ sẽ không đưa ra khuyến nghị phương pháp điều trị nào. Nhưng họ cũng cần được theo dõi chặt chẽ đề phòng trường hợp tình trạng bệnh xấu đi và bệnh nhân xuất hiện những triệu chứng nghiêm trọng hơn.
Một số chuyên gia cho rằng người có kết quả xét nghiệm dương tính với COVID-19 và đang hồi phục tại nhà nên hỏi ý kiến bác sĩ về việc sử dụng máy đo độ bão hòa oxy trong máu nhằm kiểm tra nồng động oxy của họ và liệu họ có cần được chăm sóc hỗ trợ nhiều hơn không.
Trong trường hợp của Trump, còn quá sớm để biết diễn tiến bệnh. COVID-19 có thể khởi phát nhẹ nhưng các triệu chứng nghiêm trọng hơn đôi khi xuất hiện sau 7 đến 10 ngày, bác sĩ Esther Choo, giáo sư về y học cấp cứu tại Đại học Y tế và Khoa học Oregon, cho biết.
Nhìn chung, "những người ở tuổi 74, tỷ lệ nhập viện là khoảng 30%, tỷ lệ phải chăm sóc đặc biệt là 8 đến 10% và tỷ lệ tử vong rơi vào khoảng 2 đến 4%", bác sĩ Rochelle Walensky, trưởng khoa bệnh truyền nhiễm tại Bệnh viện Đa khoa Massachusetts, cho hay.
Theo Walensky, các yếu tố nguy cơ như béo phì và bệnh tim có thể khiến tình trạng của bệnh nhân COVID-19 trở nên nghiêm trọng hơn, tuy nhiên, rất khó để dự đoán mức độ tương tác giữa các yếu tố nguy cơ với nhau.
"Trong 5 đến 11 ngày đầu tiên, đa phần bạn sẽ thấy đau đầu, đau cơ và không khỏe", Walensky nói, thêm rằng bác sĩ không thể làm gì nhiều để điều trị cho các bệnh nhân ngoại trú. "Từ ngày 11 đến ngày 14, nếu bệnh tiến triển, bệnh nhân sẽ cảm thấy khó thở, họ xuất hiện các triệu chứng về hô hấp và có thể phải nhập viện".
Những bệnh nhân bị nặng có thể cần được chăm sóc đặc biệt trong lúc cơ thể họ chống chọi với virus, như thở máy để tăng lượng oxy hoặc lọc máu để ngăn các tác động của nCoV đối với cơ thể. Tuy nhiên, bản thân những biện pháp này không thể điều trị virus.
Cơ quan quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Mỹ (FDA) chưa phê chuẩn bất kỳ thuốc điều trị COVID-19 nào. Dù vậy, vẫn có một số biện pháp điều trị thăm dò được áp dụng, ví dụ như dùng thuốc remdesivir kháng virus.
FDA hồi tháng 5 ban hành giấy phép sử dụng khẩn cấp (EUA) đối với thuốc remdesivir kháng virus để điều trị cho những bệnh nhân nhập viện với tình trạng bệnh nghiêm trọng.
Hồi tháng 8, FDA cũng ban hành EUA với phương pháp dùng huyết tương trị bệnh. Huyết tương được lấy từ máu của những bệnh nhân COVID-19 đã khỏi bệnh. "Những lợi ích tiềm năng đã biết ở sản phẩm lớn hơn những nguy cơ tiềm năng đã biết của nó", FDA nhấn mạnh.
Nếu cần thiết, Tổng thống Trump có thể tiếp cận các phương pháp điều trị COVID-19 ngoài chỉ định được phê duyệt (off-label) theo quy trình "cứu trợ khẩn cấp", bác sĩ Paul Offit, giám đốc Trung tâm Giáo dục Vaccine tại Bệnh viện Nhi Philadelphia, chuyên gia về virus học và miễn dịch, nhận định.
Điều này có nghĩa, ông có thể được chấp thuận sử dụng một sản phẩm thử nghiệm bên ngoài thử nghiệm lâm sàng.
"Tôi sẽ rất ngạc nhiên nếu Tổng thống không thể dùng chúng", Offit nói nhưng thêm rằng những biện pháp chữa trị như vậy chỉ cần thiết khi Trump xuất hiện các triệu chứng nghiêm trọng, nguy hiểm.
"Hầu hết những biện pháp điều trị đó đều dành cho bệnh nhân nhập viện", bác sĩ Amesh Adalja, học giả cấp cao tại Trung tâm An ninh Y tế Đại học Johns Hopkins, cho hay. Nếu Tổng thống Trump có các triệu chứng nghiêm trọng, bước điều trị đầu tiên sẽ là "những thứ đơn giản như cho bệnh nhân sử dụng máy thở hoặc truyền tĩnh mạch".
Ngoài ra, thuốc remdesivir là một lựa chọn, bên cạnh dexamethasone, một loại steroid được dùng cho những bệnh nhân phải điều trị bằng liệu pháp oxy.
"Đó là hai phương pháp chăm sóc tiêu chuẩn", Adalja nói.
Các công ty Mỹ đang thử nghiệm một số liệu pháp kháng thể đơn dòng để điều trị COVID-19. Nhiều nhà nghiên cứu gợi ý rằng phương pháp này có thể được thực hiện trước khi bệnh nhân xuất hiện triệu chứng.
Nhưng Offit lưu ý mọi người nên thăm dò phương pháp tiếp cận trên một cách thận trọng bởi đôi lúc, không thể biết chính xác bệnh nhân đã tiếp xúc với nCoV từ khi nào. "Nếu bạn áp dụng nó trong vòng hai ngày đầu tiên kể từ thời điểm tiếp xúc, bệnh nhân có thể được bảo vệ khỏi bệnh nhưng nếu sau đó, nhiều khả năng phương pháp sẽ trở nên vô dụng", ông nói.
Theo bác sĩ Walensky từ Bệnh viện Đa khoa Massachusetts, công ty Regeneron mới đây đã chia sẻ các kết quả thử nghiệm ban đầu đầy hứa hẹn cho thấy hỗn hợp thuốc kháng thể của họ có thể làm giảm số lượng virus và cải thiện các triệu chứng ở bệnh nhân COVID-19.
Regeneron ngày 2/10 xác nhận họ đã cung cấp một liều 8 gram thuốc này cho Tổng thống thông qua chương trình "cứu trợ khẩn cấp". Công ty nhấn mạnh rằng nguồn cung thuốc hiện vẫn còn rất giới hạn và yêu cầu sử dụng chúng phải do bác sĩ của bệnh nhân khuyến nghị và được phê chuẩn trong "những trường hợp đặc biệt hiếm gặp".
Reiner nhận xét quyết định cho Trump dùng một loại thuốc kháng thể đơn dòng đang thử nghiệm cho thấy Nhà Trắng lo ngại như thế nào về sức khỏe của Tổng thống sau khi ông bị chẩn đoán mắc COVID-19.
"Thực tế, việc Tổng thống dùng thuốc của Regeneron đã nói lên mức độ lo lắng của họ. 7 triệu người Mỹ đã nhiễm COVID-19 và về cơ bản, không ai được dùng loại thuốc này", Reiner bình luận.