Tổng thống Mỹ Joe Biden. (Ảnh: AP) |
Ông Biden phải đối mặt với cuộc cạnh tranh khó khăn trước thềm bầu cử và đang muốn tránh bị coi là yếu thế trước Bắc Kinh hoặc bị đối thủ Donald Trump lấn át với tuyên bố sẽ áp thuế 60% lên hàng nhập khẩu từ Trung Quốc.
“Tôi không tìm kiếm một cuộc chiến với Trung Quốc mà là cạnh tranh, cạnh tranh công bằng”, ông Biden nói với đám đông tại trụ sở công đoàn United Steelworkers ở Pittsburgh, Pennsylvania, ngày 17/4.
“Họ đang bán thép ra thị trường toàn cầu với mức giá thấp không công bằng, khi các công ty thép của Trung Quốc không phải lo lắng về việc kiếm lợi nhuận vì Chính phủ Trung Quốc đang trợ cấp quá nhiều. Họ không cạnh tranh, họ đang gian lận”, ông Biden nói.
Tổng thống Biden khẳng định, dưới sự lãnh đạo của ông, nước Mỹ đang trên đà phát triển, GDP tăng và thâm hụt thương mại với Trung Quốc ở mức thấp nhất trong hơn một thập kỷ. Ông nói thêm rằng điều này diễn ra khi Bắc Kinh đang phải đối phó với tình trạng dân số già đi nhanh chóng và tư tưởng bài ngoại.
Tuy nhiên, quan điểm thương mại và lời lẽ cứng rắn hơn cũng khiến ông Biden rơi vào tình thế tiến thoái lưỡng nan.
Trong những tháng gần đây, ông nỗ lực hàn gắn quan hệ rạn nứt giữa Mỹ và Trung Quốc, kêu gọi sự hỗ trợ của Bắc Kinh ở Trung Đông, về vấn đề biến đổi khí hậu, quản lý chất fentanyl và giảm căng thẳng quân sự ở Biển Đông. Tổng thống Mỹ Joe Biden và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình có cuộc điện đàm cách đây 2 tuần.
Ngày 17/4, ông Biden chỉ đạo Đại diện Thương mại Mỹ Katherine Tai bắt đầu cuộc điều tra theo Mục 301 của Đạo luật Thương mại năm 1974 về cáo buộc Trung Quốc trợ cấp ngành đóng tàu, hậu cần và hàng hải, sau khi nhận được khiếu nại từ 5 nghiệp đoàn lao động quốc gia.
Mức thuế mới sẽ bổ sung vào mức mà chính quyền Trump đã áp dụng trước đó, với 25% đối với thép Trung Quốc và 10% đối với nhôm Trung Quốc. Ông Biden đưa vấn đề hồi sinh ngành sản xuất Mỹ thành trọng tâm nhiệm kỳ tổng thống của mình, thúc đẩy việc thông qua đạo luật mang tính bước ngoặt nhằm chi khoảng 50 tỷ USD để củng cố ngành công nghiệp bán dẫn của Mỹ và 370 tỷ USD khác để thúc đẩy các lĩnh vực công nghệ môi trường và năng lượng xanh.
Trong nhiều tuần qua, các quan chức chính quyền Tổng thống Biden cảnh báo Bắc Kinh không nên cố gắng xuất khẩu hàng hoá dư thừa bằng cách đưa hàng hóa giá rẻ ra nước ngoài để cứu vãn nền kinh tế đang suy thoái. Đây là nội dung được Bộ trưởng Tài chính Janet Yellen nhấn mạnh trong chuyến thăm Bắc Kinh vừa qua.
“Chắc chắn đây là một sáng kiến trong năm bầu cử, nhằm thu hút cử tri ở các bang chiến trường như Pennsylvania và Ohio. Đó là một nỗ lực nhằm thu hút sự ủng hộ của tầng lớp công nhân ngành thép và củng cố chính sách thương mại trong vấn đề quan tâm của tầng lớp trung lưu”, Kevin Nealer, thành viên ban điều hành của Scowcroft Group, trước đây thuộc hội đồng quản trị của Công ty Đầu tư tư nhân hải ngoại, nhận xét.
Trong thời gian tới, Washington có thể sẽ tăng thuế đối với xe điện từ Trung Quốc. Điều này được bà Tai nói đến trong lá thư gửi Quốc hội vào tháng 1, với lý do là “nền kinh tế Trung Quốc do nhà nước lãnh đạo”.
Trong một động thái liên quan khác, đầu năm nay ông Biden tuyên bố sẽ phản đối thoả thuận của Nippon Steel để mua lại US Steel với giá 41 tỷ USD, nhằm giành được sự ủng hộ của liên minh công nhân thép.
Ông Biden cho biết Washington cũng có kế hoạch hợp tác với Mexico để ngăn chặn Trung Quốc lách thuế bằng cách đi đường vòng.
Ngày 17/4, Trung Quốc bác bỏ ý kiến cho rằng họ đang xuất khẩu hàng giá rẻ để đối phó với suy thoái.
“Quan điểm cho rằng tình trạng dư thừa công suất của Trung Quốc gây tổn hại cho thị trường toàn cầu là hoàn toàn sai lầm. Những người truyền bá câu chuyện đó để biện minh cho chủ nghĩa bảo hộ sẽ không thu được gì và sẽ chỉ gây bất ổn và phá vỡ chuỗi công nghiệp và cung ứng, cản trở quá trình chuyển đổi xanh của thế giới và hạn chế sự phát triển của các lĩnh vực mới nổi”, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Lâm Kiếm nói.