Phát biểu này của ông Moon được đưa ra trong bối cảnh có nhiều hy vọng các nỗ lực tái khởi động các cuộc đàm phán hạt nhân sau thông tin ông Kim mới gửi một lá thư cho ông Trump.
Ngoài ra, ông Kim cũng đã gửi thư chia buồn về sự ra đi của bà Lee Hee-ho, phu nhân của cố Tổng thống Hàn Quốc Kim Dae-jung, trong đó có nhắc tới một thông điệp tích cực về mối quan hệ liên Triều.
Phát biểu tại diễn đàn “Hòa bình cho mọi người” tại thủ đô Oslo nhân chuyến thăm Na Uy, ông Moon nói: “Tôi nghĩ rằng, đó là niềm mong ước đối với tôi được gặp Chủ tịch Kim Jong-un nếu có thể, trước chuyến thăm Hàn Quốc của ông Trump”.
Tổng thống Mỹ Donald Trump dự kiến sẽ tham dự hội nghị thượng đỉnh G20 tại Osaka, Nhật Bản vào ngày 28/6. Ông có kế hoạch đi thăm Hàn Quốc và một số quốc gia Đông Bắc Á. Hiện lịch trình chính xác của ông vẫn chưa được công bố, nhưng các nhà quan sát hy vọng rằng ông sẽ tới thăm Seoul.
Ông Moon đã nhắc lại rằng, ông sẵn sàng tổ chức hội nghị thượng đỉnh liên Triều lần thứ 4 với ông Kim bất kỳ lúc nào và quyết định đó phụ thuộc vào ông Kim.
Trong phiên thảo luận tại Oslo, ông Moon đã trả lời câu hỏi của nhà báo Laura Bicker, phóng viên BBC tại Seoul, người chủ trì tọa đàm, với sự tham dự của Ngoại trưởng Na Uy Ine Eriksen Soreide. Ông Moon cho biết, trong lá thư mới nhất mà ông Kim gửi cho ông Trump, ông hiểu rằng, cuộc gặp thượng đỉnh liên Triều sẽ diễn ra trước cuộc gặp Mỹ-Triều.
Ông Moon cho biết thêm, mặc dù không có các cuộc đối thoại chính thức giữa hai miền Triều Tiên cũng như giữa Triều Tiên và Mỹ, nhưng những lá thư như thế này được cho là đã có sự trao đổi giữa các nhà lãnh đạo.
Ông Moon cho biết về kế hoạch của ông Kim trong lá thư gửi ông Trump mà ông cũng được Washington thông báo sau đó. Ông nói, ông thường được những đồng minh chia sẻ những thông tin như thế này.
Ông Moon tiết lộ: “Hiện nay các vị lãnh đạo này đang tiếp tục trao đổi “những lá thư ấm áp” như vậy và đà đối thoại vẫn được duy trì”.
Tuy nhiên, ông cảnh báo rằng, nó có thể hụt hơi nếu sự bế tắc hiện tại trong phi hạt nhận hóa và các cuộc đàm phán hòa bình không được giải quyết.
“Tôi đang kêu gọi một cuộc gặp sớm giữa Chủ tịch Kim và Tổng thống Trump," ông Moon nói.
Tại Hàn Quốc, thông qua em gái Kim Yong-jo, nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un đã gửi thư chia buồn và tặng hoa cho thân quyến của bà Lee, phu nhân của cố tổng thống Hàn Quốc Kim Dae-jung. Trong thư, ông Kim viết, sự cống hiến và nỗ lực vì hòa bình của bà Lee đã trở thành "nền tảng quý giá" cho mối quan hệ liên Triều đang diễn ra, đó là "tiến tới con đường thống nhất tự chủ, hòa bình và thịnh vượng".
Phát biểu tại hội nghị tại Đại học Oslo, ông Moon đã trình bày tầm nhìn hòa bình dài hạn của mình, tiếp theo bài phát biểu mang tính bước ngoặt của ông vào năm 2017, trong đó ông đề xuất một sáng kiến hòa bình mới cho bán đảo.
Ông tuyên bố sẽ không ngừng nỗ lực để giải quyết các vấn đề bạo lực mà người Hàn Quốc phải chịu do sự chia rẽ.
"Na Uy chưa bao giờ chùn bước trên hành trình vì hòa bình, bằng chứng là hòa bình tồn tại ngày nay. Tương tự như vậy, chính phủ Hàn Quốc sẽ tiến về phía trước một cách kiên quyết, để đạt được hòa bình mà không thất bại", ông Moon nói.
Ông đề cập đến khái niệm "hòa bình tích cực" được xây dựng bởi một nhà xã hội học nổi tiếng người Na Uy, Johan Galtung.
Ngoài ra, ông Moon cũng lưu ý rằng mang lại hòa bình lâu dài cho Hàn Quốc không phải là nhiệm vụ dễ dàng.
"Thời gian cần thiết không hề ngắn. Tuy nhiên, khi có sự hiểu biết lẫn nhau sẽ làm cho thù hận tan biến, giống như tuyết tan và chảy ra đại dương, hòa bình trên Bán đảo Triều Tiên cũng sẽ đạt được mục tiêu", ông Moon nhấn mạnh.