Tổng thống Brazil - Jair Bolsonaro. Ảnh: Reuters |
“Một số nhà nghiên cứu - không có mối liên kết với các công ty dược phẩm - nói rằng biến thể Omicron được chào đón, thậm chí có thể được coi là dấu hiệu kết thúc đại dịch”, ông Bolsonaro nói hôm 12/1 trong một cuộc phỏng vấn với tờ Gazeta.
Trước đó, Tổng thống Bolsonaro từng nhiều lần gây sốc với lập trường thách thức đại dịch, liên tục gọi COVID-19 là “bệnh cúm nhẹ” dù hơn 600.000 người đã chết vì căn bệnh này ở Brazil trong 2 năm qua.
Ông Bolsonaro cũng cam kết sẽ làm mọi cách để Brazil không bị phong toả ngay cả khi biến thể Omicron đổ bộ nước này và khiến số ca bệnh tăng lên hơn 70.000 ca/ngày. Trước đó hồi tháng 12, số ca mắc mới hằng ngày ở Brazil hiếm khi vượt qua mốc 10.000.
Dù khi số ca nhập viện vì COVID-19 đang tăng cao ở Brazil, nhưng các đơn vị chăm sóc đặc biệt vẫn chưa rơi vào tình trạng quá tải như đợt dịch giữa năm 2021, trước khi quốc gia này phủ đều vắc xin.
Bất chấp việc biến thể Omicron dường như ít có khả năng gây bệnh nặng, các chuyên gia y tế vẫn cảnh báo rằng nó có thể tạo gánh nặng cho hệ thống y tế vì tốc độ lây lan quá nhanh chóng.
Mike Ryan - một quan chức của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) ngày 12/1 đã phản đối phát biểu của Tổng thống Brazil Bolsonaro.
Ông Ryan khẳng định dù Omicron “ít gây bệnh nghiêm trọng hơn, nhưng điều đó không có nghĩa nó gây bệnh nhẹ”.
Có rất nhiều người đang phải nằm viện, nằm phòng chăm sóc đặc biệt và đang phải thở hổn hển, đó là bằng chứng rõ ràng cho thấy “đây không phải là một căn bệnh nhẹ”.
“Căn bệnh này có thể được ngăn chặn bằng vắc xin, bằng cách thực hiện các biện pháp phòng ngừa ở mức độ cao để tránh lây virus”, ông Ryan nói. “Còn rất nhiều việc chúng ta có thể làm. Đây không phải là lúc để từ bỏ, đây không phải là lúc để nhượng bộ, là lúc để tuyên bố rằng đây là một loại virus đáng hoan nghênh.”
Kể từ khi xuất hiện vào cuối tháng 11 đến nay, Omicron đã lan ra tổng cộng 149 quốc gia/vùng lãnh thổ (tính đến ngày 6/1) và đã trở thành biến thể trội ở nhiều quốc gia, bao gồm cả Anh, Mỹ và Brazil.
Tổng Giám đốc WHO, Tedros Adhanom Ghebreyesus, cho biết “Omicron vẫn là một loại virus nguy hiểm - đặc biệt là đối với những người chưa được tiêm chủng”.
“Chúng ta không được để virus này lây lan tự do, hoặc vẫy cờ trắng, đặc biệt là khi rất nhiều người trên thế giới vẫn chưa được tiêm chủng”.
“Virus tăng khả năng lây lan đồng nghĩa với việc tỷ lệ nhập viện cũng cao hơn, nhiều ca tử vong hơn, nhiều người phải nghỉ việc hơn - bao gồm cả giáo viên/nhân viên y tế, và nhiều nguy cơ xuất hiện một biến thể khác thậm chí còn dễ lây truyền và gây chết người hơn Omicron.”
Ông Tedros cho biết số người chết vì COVID-19 trên thế giới đang ở mức khoảng 50.000 người/tuần. “Nhưng học cách sống chung với virus không có nghĩa là chúng ta chấp nhận con số tử vong này”.
Maria Van Kerkhove, trưởng nhóm kỹ thuật của WHO về COVID-19, nhận định rất khó để dự đoán con đường phía trước và Omicron có thể chưa phải là biến thể cuối cùng khiến chúng ta lo ngại.
“Chúng tôi dự đoán rằng virus sẽ tiến hoá và trở nên dễ sống hơn. Chúng tôi cho rằng sẽ có thêm các đợt bùng phát trong số những người chưa được tiêm chủng. COVID-19 đang phát triển theo hướng trở thành bệnh đặc hữu. Nhưng chúng ta vẫn chưa đến mức đó (coi COVID-19 là bệnh đặc hữu - PV)”, bà Maria Van Kerkhove nói.