Tổng kết 15 năm thực hiện Chỉ thị 38 về Đẩy mạnh công tác BHYT trong tình hình mới

0:00 / 0:00
0:00
Ngày 16/4, BHXH Việt Nam tổ chức Hội nghị trực tuyến tổng kết 15 năm thực hiện Chỉ thị 38-CT/TW ngày 07/9/2009 của Ban Bí thư về Đẩy mạnh công tác Bảo hiểm y tế (BHYT) trong tình hình mới (Chỉ thị số 38).

Cả hệ thống chính trị và người dân cùng vào cuộc

Bí thư Ban Cán sự Đảng, Tổng Giám đốc BHXH Việt Nam - Nguyễn Thế Mạnh nhấn mạnh, sau 15 năm triển khai, với sự vào cuộc của toàn hệ thống chính trị, các nội dung của Chỉ thị 38 đã thực sự đi vào cuộc sống. Qua đó tạo sự chuyển biến mạnh mẽ về nhận thức và hành động trong lãnh đạo, chỉ đạo và thực hiện chính sách BHYT từ Trung ương đến địa phương.

BHXH Việt Nam đã triển khai Chỉ thị 38 đồng bộ từ Trung ương đến địa phương; phổ biến quán triệt nội dung của Chỉ thị tới từng đảng viên, công chức, viên chức và người lao động. Toàn Ngành đã hoàn thành các nhiệm vụ được Ban Bí thư giao gồm: Quán triệt và nâng cao nhận thức của các cấp ủy, chính quyền, đơn vị sử dụng lao động, cơ sở khám chữa bệnh (KCB) và người dân về vị trí, vai trò, ý nghĩa của chính sách BHYT; tổ chức thực hiện đồng bộ, có hiệu quả các chính sách về BHYT; đổi mới công tác thông tin truyền thông và tuyên truyền về BHYT…

Tổng kết 15 năm thực hiện Chỉ thị 38 về Đẩy mạnh công tác BHYT trong tình hình mới ảnh 1

Hội nghị trực tuyến tổng kết 15 năm thực hiện Chỉ thị 38 về Đẩy mạnh công tác BHYT trong tình hình mới.

Cụ thể, trong công tác xây dựng thể chế, chính sách pháp luật nhằm pháp quy hóa Chỉ thị: BHXH Việt Nam thường xuyên chủ động đánh giá tình hình thực hiện chính sách; đánh giá tác động của các vướng mắc, bất cập trong quá trình thực thi để kịp thời đề xuất, kiến nghị cơ quan có thẩm quyền sửa đổi, bổ sung chính sách, pháp luật BHYT phù hợp. Cùng với đó, ngành BHXH Việt Nam phối hợp chặt chẽ với các Ban của Đảng, các bộ ngành, địa phương, đoàn thể, báo chí… để tuyên truyền phổ biến Chỉ thị 38 và chính sách BHYT, tạo sự ủng hộ, đồng thuận của toàn xã hội trong suốt quá trình xây dựng, hoàn thiện và thực thi chính sách.

Về diện bao phủ BHYT: đã tăng nhanh và phát triển bền vững. Trước khi Ban Bí thư ban hành Chỉ thị 38, năm 2008, toàn quốc chỉ có 39,7 triệu người tham gia BHYT, đạt tỷ lệ 46% dân số. Đến năm 2023, cả nước đã có hơn 93,3 triệu người tham gia BHYT, tăng gấp 2,3 lần so với năm 2008, đạt tỷ lệ hơn 93,3% dân số, tiệm cận với mục tiêu BHYT toàn dân.

Về công tác KCB BHYT: Hằng năm, bình quân có trên 150 triệu lượt người KCB BHYT, với số tiền quỹ BHYT chi trả trên 100 nghìn tỷ đồng. Hệ thống KCB BHYT được tổ chức tốt từ trung ương đến địa phương, bao gồm các cơ sở KCB công lập và tư nhân đã tạo thuận lợi giúp người dân tiếp cận và sử dụng các dịch vụ KCB BHYT.

Về công tác giám định, công tác thanh tra, kiểm tra: đã có những thay đổi tích cực, góp phần nâng cao chất lượng, hiệu quả quản lý sử dụng quỹ BHYT. BHXH Việt Nam đã tăng cường chỉ đạo BHXH các tỉnh, thành phố phối hợp với sở ngành tại địa phương thực hiện các giải pháp đồng bộ nhằm chống lạm dụng, trục lợi quỹ BHYT và đảm bảo tốt quyền lợi của người tham gia BHYT.

Về ứng dụng công nghệ thông tin; cải cách thủ tục hành chính, chuyển đổi số: Hiện nay, người dân có thể sử dụng đa nền tảng khi đi KCB bằng Căn cước công dân (CCCD), ứng dụng VssID - BHXH số, ứng dụng định danh điện tử VNeID. Bên cạnh đó, BHXH Việt Nam đang thí điểm xác thực thông tin sinh trắc trên CCCD gắn chip trong KCB BHYT.

“Những kết quả nêu trên về công tác BHYT không phải của riêng ngành BHXH Việt Nam mà là kết quả của cả hệ thống chính trị, sự vào cuộc quyết liệt của cả cấp ủy, chính quyền, tổ chức chính trị xã hội từ Trung ương đến địa phương”, ông Mạnh nói.

Tiếp tục tập trung phát triển chính sách BHYT bền vững, hiệu quả

Tại Hội nghị, lãnh đạo các Bộ, ngành, địa phương và BHXH các tỉnh, thành phố đã tham luận nhiều ý kiến khẳng định những kết quả tích cực trong triển khai, thực hiện Chỉ thị 38-CT/TW tại địa phương, đơn vị. Các đại biểu đã có nhiều đề xuất, kiến nghị, trong đó đề xuất Ban Bí thư Trung ương Đảng xem xét tiếp tục ban hành văn bản mới về đẩy mạnh công tác BHYT để phù hợp trong tình hình mới…

Phó trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương - Vũ Thanh Mai khái quát lại các kết quả nổi bật trong 15 năm thực hiện Chỉ thị 38. Những kết quả đó đã khẳng định chính sách BHYT có ý nghĩa và đóng góp tích cực trong công tác đảm bảo an sinh xã hội và công bằng trong chăm sóc sức khỏe nhân dân. Quỹ BHYT đã trở thành nguồn tài chính quan trọng góp phần chăm lo sức khỏe cho người dân, mang lại chất lượng cuộc sống tốt đẹp hơn.

Phó trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương đề nghị, thời gian tới, Ban cán sự Đảng và công chức, viên chức toàn ngành BHXH Việt Nam phối hợp với Ban Tuyên giáo trong tuyên truyền về BHYT; tăng cường thanh kiểm tra để phát hiện và xử lý vi phạm; phối hợp ngành y tế nâng cao chất lượng khám chữa bệnh BHYT, chống lãng phí…

Cơ quan BHXH các cấp cũng cần chủ động nghiên cứu, tham mưu với cấp ủy, chính quyền lãnh đạo, chỉ đạo công tác BHYT; kịp thời đề xuất các giải pháp tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong quá trình triển khai, thực hiện, đẩy nhanh tiến độ thực hiện BHYT toàn dân. Đồng thời, nghiên cứu, đề xuất sửa đổi, bổ sung để hoàn thiện chính sách pháp luật về BHYT; đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số trong lĩnh vực BHYT, góp phần quản lý, sử dụng hiệu quả, ngăn ngừa, chống lạm dụng quỹ KCB BHYT và đảm bảo tốt quyền lợi BHYT của người tham gia.

Phó Tổng Giám đốc BHXH Việt Nam - Nguyễn Đức Hòa cho biết, thời gian tới, toàn ngành BHXH Việt Nam tiếp tục quyết tâm thực hiện đồng bộ, quyết liệt các giải pháp nhằm triển khai hiệu quả chính sách về BHYT, góp phần thực hiện tốt mục tiêu BHYT toàn dân, đảm bảo ngày càng tốt hơn quyền lợi BHYT của người tham gia và thụ hưởng chính sách và yêu cầu về quản lý quỹ trong bối cảnh phát triển của nền kinh tế xã hội...

MỚI - NÓNG
Sạt lở, ách tắc quốc lộ 19: Khu Quản lý đường bộ ra văn bản ‘nóng’
Sạt lở, ách tắc quốc lộ 19: Khu Quản lý đường bộ ra văn bản ‘nóng’
TPO - “Ban Quản lý dự án 2 chịu hoàn toàn mọi trách nhiệm trước Bộ Giao thông vận tải, Cục Đường bộ Việt Nam và pháp luật nếu để xảy ra mất an toàn cho người và phương tiện tham gia giao thông, ùn tắc giao thông mà nguyên nhân không sửa chữa kịp thời hoặc chậm trễ khắc phục các tồn tại của dự án”, văn bản Khu Quản lý đường bộ III nêu.