Tuy nhiên, Tổng giám đốc WHO cũng nói rằng, các quốc gia hùng cường, thịnh vượng không được chà đạp những nước nghèo, yếu thế trong cơn khát vắc-xin, AP đưa tin.
Con đường phía trước vẫn đầy chông gai
Phát biểu trước phiên họp cấp cao đầu tiên của Đại hội đồng Liên Hợp Quốc về đại dịch COVID-19, Tổng giám đốc WHO nhận định, trong khi chúng ta có thể chặn đứng virus, “con đường phía trước vẫn đầy hiểm nguy”.
Đại dịch đã cho nhân loại thấy “sự tốt nhất và tệ nhất” của họ, ông Tedros Ghebreyesus phát biểu. Đó chính là “các hành động truyền cảm hứng về lòng trắc ẩn và đức hy sinh, những kỳ công ngoạn mục về khoa học và sáng tạo, những biểu hiện ấm lòng về tinh thần đoàn kết, nhưng cùng với đó là những dấu hiệu đáng lo ngại về tư lợi, đổ lỗi và chia rẽ”, ông nói.
Về sự gia tăng số ca mắc COVID-19 và tử vong hiện nay, Tổng giám đốc WHO nói rằng, “ở những nơi khoa học bị nhấn chìm bởi những thuyết âm mưu, nơi tình đoàn kết bị xói mòn bởi sự chia rẽ, nơi đức hy sinh bị thay thế bởi tư lợi, virus phát triển, virus lây lan”. Ông không nêu tên các nước cụ thể đang có số ca mắc và tử vong tăng nhanh.
Tổng giám đốc WHO cũng cảnh báo rằng, vắc-xin “sẽ không giải quyết được sự dễ bị tổn thương nằm trong gốc rễ của nó”, đó là đói nghèo, bất bình đẳng và biến đổi khí hậu. Theo ông, những vấn đề gốc rễ này phải được giải quyết một khi đại dịch chấm dứt.
“Chúng ta không thể và không được trở lại mô hình sản xuất và tiêu thụ kiểu bóc lột, trở lại việc coi thường hành tinh duy trì mọi sự sống, trở lại chu trình hoảng lạn và can thiệp, trở lại nền chính trị chia rẽ đã thúc đẩy đại dịch này”, ông Tedros phát biểu.
Về vắc-xin COVID-19, Tổng giám đốc WHO nói rằng, “ánh sáng cuối đường hầm đang sáng dần một cách ổn định”, nhưng vắc-xin “phải được chia sẻ một cách bình đẳng như là một loại hàng hóa công cộng toàn cầu, chứ không phải là loại hàng hóa tư nhân làm gia tăng bất bình đẳng và trở thành một lý do nữa khiến một số người bị bỏ lại phía sau”.
Ông nói rằng, chương trình “ACT-Accelerator” (Tăng tốc tiếp cận các công cụ ứng phó COVID-19) của WHO với nhiệm vụ nhanh chóng phát triển và phân phối vắc-xin một cách công bằng đang có nguy cơ trở thành nghĩa cử cao đẹp trên lý thuyết vì không tiếp tục nhận được sự tài trợ quy mô lớn.
Tổng giám đốc WHO nói rằng, giờ cần ngay 4,3 tỷ USD để đặt cơ sở cho việc mua sắm và chuyển giao vắc-xin hàng loạt và cần thêm 23,9 tỷ USD trong năm 2021. Tổng số tiền này chưa đầy 0,5% của các gói kích thích kinh tế trị giá 11.000 tỷ USD mà nhóm 20 nước giàu nhất thế giới G20 thông báo cho đến nay, ông nói.
Hôm 3/12, tại phiên khai mạc kỳ họp Đại hội đồng Liên Hợp Quốc kéo dài 2 ngày, Tổng thư ký Liên Hợp Quốc Antonio Guterres cũng kêu gọi tài trợ cho chương trình ACT-Accelerator.
Ngày 4/12, người phát ngôn Liên Hợp Quốc Stephane Dujarric nói rằng, Tổng thư ký Guterres đang rất thất vọng và mong được thấy các nước có điều kiện tăng mạnh tỷ lệ đầu tư.
Đề xuất hiệp ước quốc tế
Tổng giám đốc WHO nói rằng, dù nhận được cảnh báo trong nhiều năm, nhiều nước vẫn không chuẩn bị cho đại dịch và cho rằng hệ thống y tế của họ có thể bảo vệ người dân của mình. Nhiều nước đã xử lý cuộc khủng hoảng tốt. Đó là những nước có kinh nghiệm đối phó dịch SARS, MERS, H1N1 và những bệnh truyền nhiễm khác, ông Tedros nói.
WHO cũng bị chỉ trích vì đã không đóng vai trò mạnh mẽ hơn, cất tiếng nói kiên quyết hơn trong việc đối phó đại dịch COVID-19.
Ông Tedros nói rằng, “rõ ràng, hệ thống chuẩn bị toàn cầu cần được chú ý”. Một ủy ban WHO được thành lập hồi tháng 9 để xem xét lại các quy định quốc tế và y tế. WHO cũng đang làm việc với một số nước về phát triển chương trình thí điểm ở các quốc gia đồng ý xem xét một cách thường xuyên và minh bạch về sự chuẩn bị y tế của họ, ông cho biết.
Đại dịch COVID-19 cũng cho thấy sự cần thiết thành lập một hệ thống toàn cầu để chia sẻ các mẫu virus và các tác nhân gây bệnh khác để thúc đẩy sự phát triển “các biện pháp đối phó y tế với tư cách là hàng hóa công cộng toàn cầu”, Tổng giám đốc WHO nói. Ông hoan nghênh việc Thụy Sĩ đề nghị cho sử dụng một phòng thí nghiệm có mức độ an ninh, an toàn cao để quản lý ngân hàng sinh học mới.
Ông Tedros cũng ủng hộ đề xuất của Chủ tịch Hội đồng châu Âu Charles Michel về một hiệp ước quốc tế, theo đó, WHO sẽ giám sát nguy cơ các bệnh truyền nhiễm mới nổi ở động vật lây truyền cho con người, bảo đảm việc cảnh báo các nguy cơ sức khỏe, cải thiện việc tiếp cận y tế và xử lý các nhu cầu tài chính. Ông nói rằng, điều này sẽ cung cấp nền tảng chính trị cho việc tăng cường lĩnh vực y tế toàn cầu.
Thế giới mỗi năm chi 7.500 tỷ USD cho lĩnh vực y tế, chiếm xấp xỉ 10% GDP toàn cầu, ông Tedros nói. Nhưng phần lớn số tiền này được chi tiêu ở các nước giàu, để chữa bệnh, chứ không phải là thúc đẩy và bảo vệ sức khỏe.
“Chúng ta cần suy nghĩ lại một cách triệt để về cách chúng ta nhìn nhận và coi trọng sức khỏe”, ông nói.
“Nếu thế giới muốn tránh một cuộc khủng hoảng khác với quy mô tương tự, rất cần đầu tư vào các chức năng y tế công cộng cơ bản, đặc biệt là chăm sóc sức khỏe ban đầu và tất cả các con đường cần dẫn tới bao phủ sức khỏe toàn dân với nền tảng vững chắc là chăm sóc sức khỏe ban đầu”, Tổng giám đốc WHO nhận định.