Theo Tổng cục Đường bộ VN, thời gian qua, việc quản lý, bảo dưỡng thường xuyên đường bộ tại các sở GTVT khu vực phía Bắc đã có những chuyển biến tích cực, chất lượng được nâng cao, góp phần đảm bảo ATGT, giảm tai nạn giao thông.
Tuy nhiên, chất lượng bảo trì các tuyến đường quốc lộ của các sở GTVT còn khác nhau, một số Sở GTVT vẫn làm chưa tốt công tác này. Bên cạnh đó việc quản lý và xử lý vi phạm hành lang an toàn đường bộ vẫn chưa quyết liệt, triệt để.
Từ đây, Tổng cục Đường bộ VN yêu cầu các sở GTVT giám sát, kiểm tra, đánh giá chất lượng thực hiện công tác quản lý, bảo dưỡng thường xuyên của nhà thầu trúng thầu theo quy định của Thông tư số 48/2019 của Bộ GTVT.
Đối với sửa chữa định kỳ, Tổng cục Đường bộ VN yêu cầu các sở GTVT chỉ đạo các nhà thầu trúng thầu huy động đầy đủ thiết bị máy móc, nhân vật lực tại công trường, bố trí cán bộ đủ năng lực điều hành thường trực tại hiện trường để chỉ đạo, điều hành thi công, kiểm soát chất lượng, tiến độ thực hiện; lập tiến độ thi công chi tiết, tăng mũi thi công để hoàn thành các công trình đảm bảo chất lượng, tiến độ hợp đồng.
Việc tổ chức thi công nhanh gọn từng đoạn tuyến, tránh thi công tràn lan nhưng chậm trễ ảnh hưởng đến an toàn giao thông. Đồng thời phải có biển cảnh báo công trường, rào chắn, công nhân điều tiết phân luồng và thực hiện các công việc khác để đảm bảo ATGT theo quy định.
Các sở GTVT chỉ đạo nhà thầu tư vấn giám sát bố trí đầy đủ cán bộ có mặt tại hiện trường để kiểm tra, giám sát chất lượng thi công, cũng như chất lượng vật liệu đầu vào của nhà thầu và kiên quyết xử lý nghiêm các nhà thầu thi công không đảm bảo chất lượng công trình.
"Sở GTVT các tỉnh còn tồn tại trong công tác bảo trì đường bộ thực hiện nghiêm chỉ đạo và có báo cáo kịp thời. Tổng cục Đường bộ VN sẽ xem xét lại việc ủy quyền quản lý quốc lộ hoặc dự án sửa chữa đường bộ hàng năm đối với sở GTVT không thực hiện", Tổng cục Đường bộ khẳng định.