Tổng Công ty khí Việt Nam có chủ tịch, CEO mới

0:00 / 0:00
0:00
TPO - Hội đồng quản trị Tổng Công ty khí Việt Nam - CTCP (PV GAS) đã bầu ông Nguyễn Thanh Bình giữ chức Chủ tịch Hội đồng quản trị và ông Phạm Văn Phong giữ chức thành viên Hội đồng quản trị  - Tổng Giám đốc PV GAS.

Đại hội đồng cổ đông (ĐHĐCĐ) thường niên năm 2023 của PV GAS diễn ra ngày 25/5 đã bầu ông Nguyễn Thanh Bình - Phó Tổng Giám đốc PV GAS và ông Phạm Văn Phong - Phó Tổng Giám đốc làm thành viên Hội đồng quản trị (HĐQT) PV GAS; ông Đỗ Đông Nguyên được Đại hội bầu lại vào vị trí thành viên độc lập HĐQT PV GAS.

Tổng Công ty khí Việt Nam có chủ tịch, CEO mới ảnh 1

PV GAS đã bầu ông Nguyễn Thanh Bình (thứ 5 từ trái qua) giữ chức Chủ tịch Hội đồng quản trị và bổ nhiệm ông Phạm Văn Phong (thứ 3 từ phải qua) giữ chức Thành viên HĐQT - Tổng giám đốc PV GAS

Tiếp đó, Hội đồng quản trị PV GAS đã bầu ông Nguyễn Thanh Bình giữ chức Chủ tịch Hội đồng Quản trị và bổ nhiệm ông Phạm Văn Phong giữ chức Thành viên HĐQT - Tổng giám đốc PV GAS.

Báo cáo với cổ đông tại Đại hội, lãnh đạo PV GAS cho biết, năm 2022 mặc dù gặp nhiều bất lợi cả trong nước và thế giới nhưng PV GAS đã thực hiện thành công nhiệm vụ, vượt chỉ tiêu kế hoạch mà Nghị quyết ĐHĐCĐ đã thông qua. Để hoàn thành nhiệm vụ, PV GAS đã triển khai quyết liệt đồng bộ và hiệu quả 7 nhóm giải pháp (gồm Sản xuất - thị trường - kinh doanh; đầu tư và tài chính; cơ chế chính sách; tổ chức, quản lý và công tác cán bộ; hợp tác, hội nhập quốc tế; đào tạo và khoa học công nghệ; an toàn, sức khoẻ và môi trường), trong đó tập trung 3 nhóm giải pháp cốt lõi, đột phá (con người/công tác cán bộ; thị trường và cơ chế chính sách).

Tổng Công ty khí Việt Nam có chủ tịch, CEO mới ảnh 2

Để hoàn thành nhiệm vụ, PV GAS đã triển khai quyết liệt đồng bộ và hiệu quả 7 nhóm giải pháp

PV GAS nhận định, trong năm 2023, kinh tế thế giới tiếp tục đối mặt với cú sốc cung cấp năng lượng lớn nhất từ trước đến nay do xung đột Nga và Ukraine chưa có hồi kết, sự đứt gãy chuỗi cung ứng nhiều hàng hóa cơ bản, nguồn khí trong nước bước vào giai đoạn suy giảm nhanh, đặc biệt nguồn khí từ hệ thống Nam Côn Sơn 1; việc triển khai các dự án đối mặt với nhiều khó khăn, phức tạp; thị trường kinh doanh LPG trong nước có sự cạnh tranh khốc liệt về nguồn cung...

Trước tình hình đó, PV GAS đã đưa ra các giải pháp ứng phó và đặt kế hoạch năm 2023 với tổng doanh thu 76.441 tỷ đồng; lợi nhuận trước thuế 8.171 tỷ đồng; lợi nhuận sau thuế 6.539 tỷ đồng; nộp ngân sách Nhà nước 3.912 tỷ đồng.

Tổng Công ty khí Việt Nam có chủ tịch, CEO mới ảnh 3

Kho cảng PV GAS

Năm 2023, PV GAS dự kiến sẽ chạy thử, đưa vào vận hành Dự án Kho LNG 1 MMTPA tại Thị Vải và các dự án thành phần; đẩy mạnh công tác tìm kiếm, phát triển thị trường tiêu thụ khí/LNG và sản phẩm khí trong và ngoài nước; tăng cường tìm kiếm cơ hội đầu tư/đầu tư kho LNG/LPG tại khu vực phía Bắc...

ĐHĐCĐ đã thông qua phương án phân phối lợi nhuận với việc chia cổ tức bằng tiền mặt năm 2022 với tỷ lệ 36%/vốn điều lệ (3.600 đồng/cổ phiếu), tăng hơn 10% so với kế hoạch; kế hoạch chia cổ tức tiền mặt năm 2023 với tỷ lệ 20%/vốn điều lệ (2.000 đồng/cổ phiếu) và phương án tăng vốn điều lệ năm 2023 thông qua phát hành cổ phiếu để tăng vốn cổ phần từ nguồn vốn chủ sở hữu với tỷ lệ thực hiện quyền 10:2.

Để hoàn thành kế hoạch năm 2023, ông Dương Mạnh Sơn - Ủy viên Ban thường vụ Đảng ủy, Phó tổng giám đốc Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) đề nghị PV GAS tập trung nguồn lực vào lĩnh vực kinh doanh chính, quản trị danh mục đầu tư một cách linh hoạt, hiệu quả; đẩy mạnh công tác phát triển thị trường, đa dạng hóa sản phẩm, hướng tới thị trường quốc tế; thích ứng nhanh với xu hướng chuyển dịch năng lượng, tham gia hợp tác đầu tư vào các chuỗi giá trị; đẩy mạnh chiến lược chuyển đổi số đồng bộ với kế hoạch triển khai của PVN

MỚI - NÓNG