Tổng Bí thư, Chủ tịch nước chủ trì họp Bộ Chính trị

Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng đã chủ trì họp Bộ Chính trị để cho ý kiến về sửa đổi, bổ sung chức năng, nhiệm vụ của Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng.

Ngày 1/11/2019, tại Trụ sở Trung ương Đảng, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng đã chủ trì họp Bộ Chính trị để cho ý kiến về Đề án sửa đổi, bổ sung Quy định số 163-QĐ/TW, ngày 01/02/2013 của Bộ Chính trị khóa XI về chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, chế độ làm việc, quan hệ công tác của Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng và Đề án sửa đổi, bổ sung Quyết định số 159-QĐ/TW, ngày 28/12/2012 của Bộ Chính trị khóa XI về chức năng, nhiệm vụ, tổ chức bộ máy của Ban Nội chính Trung ương.

Tham dự cuộc họp có đại diện lãnh đạo các ban đảng, Đảng đoàn Quốc hội, Ban cán sự đảng Chính phủ và các bộ, ngành có liên quan.

Tổng Bí thư, Chủ tịch nước chủ trì họp Bộ Chính trị ảnh 1

Chiều 1/11/2019, tại Trụ sở Trung ương Đảng, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng chủ trì họp Bộ Chính trị cho ý kiến về sửa đổi, bổ sung chức năng, nhiệm vụ của Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng và Ban Nội chính Trung ương. Ảnh: Trí Dũng/TTXVN

Sau khi nghe lãnh đạo Ban Nội chính Trung ương báo cáo về những nội dung cơ bản của Đề án, Văn phòng Trung ương Đảng báo cáo tổng hợp ý kiến các cơ quan liên quan và ý kiến phát biểu của các đồng chí Ủy viên Bộ Chính trị, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng đánh giá cao Ban Nội chính Trung ương - Cơ quan thường trực của Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng đã chuẩn bị công phu, chu đáo, tiếp thu nghiêm túc, kỹ lưỡng ý kiến góp ý của các cơ quan chức năng. Bộ Chính trị cơ bản tán thành những nội dung đã nêu tại Tờ trình và Đề án, nhất trí những nội dung kiến nghị sửa đổi, bổ sung.

Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng khẳng định: Sau hơn 6 năm thực hiện Quyết định 159 của Bộ Chính trị, Ban Nội chính Trung ương đã triển khai nhiều công việc, khá toàn diện, tích cực, chủ động nghiên cứu, tham mưu, đề xuất nhiều chủ trương, quan điểm, định hướng lớn của Đảng về công tác nội chính; chủ động, sáng tạo thực hiện tốt nhiệm vụ Cơ quan thường trực Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, kiên trì, quyết liệt trong tham mưu, chỉ đạo xử lý những khó khăn, vướng mắc, đẩy nhanh tiến độ điều tra, truy tố, xét xử các vụ án, xử lý các vụ việc tham nhũng, kinh tế nghiêm trọng, phức tạp, dư luận xã hội quan tâm.

Tổng Bí thư, Chủ tịch nước chủ trì họp Bộ Chính trị ảnh 2

Ảnh: Trí Dũng/TTXVN

Bám sát Quy định 163 của Bộ Chính trị khóa XI, trong hơn 6 năm qua, nhất là từ đầu nhiệm kỳ khóa XII đến nay, Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng có quyết tâm rất cao, chỉ đạo quyết liệt, với cách làm khoa học, chặt chẽ, nền nếp, bài bản, phối hợp nhịp nhàng, từng bước chắc chắn, rõ đến đâu xử lý đến đó, công khai, minh bạch. Nhất là, đã phát huy tốt cơ chế chỉ đạo xử lý các vụ án, vụ việc tham nhũng, kinh tế; chỉ đạo phối hợp nhịp nhàng, đồng bộ giữa các khâu trong công tác phát hiện, xử lý tham nhũng từ thanh tra, kiểm toán, kiểm tra, rồi đến điều tra, truy tố, xét xử, thu hồi tài sản tham nhũng. Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng và Ban Nội chính Trung ương đã có những đóng góp quan trọng trong công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng, công tác nội chính, phòng, chống tham nhũng và góp phần củng cố niềm tin của nhân dân đối với Đảng, Nhà nước.

Tuy nhiên, để khắc phục những hạn chế, khó khăn sau hơn 6 năm thực hiện Quy định 163 và Quyết định 159 của Bộ Chính trị khóa XI, nâng cao hơn nữa hiệu quả hoạt động của Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, Ban Nội chính Trung ương, đáp ứng yêu cầu công tác phòng, chống tham nhũng trong thời gian tới, Bộ Chính trị thống nhất cao cần thiết phải sửa đổi, bổ sung.

Tổng Bí thư, Chủ tịch nước nhấn mạnh: Việc sửa đổi, bổ sung Quy định 163 và Quyết định 159 nhằm khẳng định và làm rõ hơn chức năng, nhiệm vụ, đề cao quyền hạn, trách nhiệm trước Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư của Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng trong lãnh đạo, chỉ đạo, đôn đốc, kiểm tra, giám sát công tác phòng, chống tham nhũng, nhất là công tác thanh tra, kiểm toán, xử lý các vụ việc, khởi tố, điều tra, truy tố, xét xử, thi hành án các vụ án tham nhũng, kinh tế nghiêm trọng, phức tạp, dư luận quan tâm; nhiệm vụ của Ban Nội chính Trung ương trong tham mưu, giúp việc cho Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng về công tác nội chính, phòng, chống tham nhũng, cải cách tư pháp; khẳng định quyết tâm mạnh mẽ của Đảng, Nhà nước ta trong việc tiếp tục đẩy mạnh và nâng cao hiệu quả hoạt động của công tác phòng, chống tham nhũng.

Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng yêu cầu Ban Nội chính Trung ương phối hợp Văn phòng Trung ương Đảng tiếp thu ý kiến của các đồng chí Ủy viên Bộ Chính trị, các cơ quan liên quan khẩn trương hoàn thiện Đề án và các dự thảo quy định, quyết định, ký ban hành để tổ chức thực hiện.

Cũng tại Hội nghị này, sau khi xem xét Tờ trình của Ban Tổ chức Trung ương, Bộ Chính trị đã quyết định một số trường hợp nhân sự thuộc thẩm quyền của Bộ Chính trị.

Theo Theo Báo Tin tức
MỚI - NÓNG
Sạt lở, ách tắc quốc lộ 19: Khu Quản lý đường bộ ra văn bản ‘nóng’
Sạt lở, ách tắc quốc lộ 19: Khu Quản lý đường bộ ra văn bản ‘nóng’
TPO - “Ban Quản lý dự án 2 chịu hoàn toàn mọi trách nhiệm trước Bộ Giao thông vận tải, Cục Đường bộ Việt Nam và pháp luật nếu để xảy ra mất an toàn cho người và phương tiện tham gia giao thông, ùn tắc giao thông mà nguyên nhân không sửa chữa kịp thời hoặc chậm trễ khắc phục các tồn tại của dự án”, văn bản Khu Quản lý đường bộ III nêu.