Đó là những chia sẻ từ nhà báo Lê Quốc Minh, Phó TGĐ TTX Việt Nam; nhà báo Lê Xuân Sơn, Tổng Biên tập báo Tiền Phong; nhà báo Đặng Thị Phương Thảo, Phó Tổng Biên tập báo Thanh niên, tại toạ đàm: “Đạo đức Nghề báo”, do Công đoàn, Đoàn TN Cơ quan T.Ư Đoàn tổ chức, chiều 10/6/2019. Tọa đàm là hoạt động thiết thực nhằm hướng tới 94 năm Ngày Báo chí Cách mạng Việt Nam (21/6/1925 – 21/6/2019).
Theo nhà báo Lê Quốc Minh, hiện nay, mỗi người lên mạng đều ngụp lặn trong bể thông tin. Độc giả “bị ngộ độc thông tin” trước sự xuất hiện ngồn ngộn nhưng tin tức tiêu cực, rẻ tiền về: Cướp, giết, hiếp… khiến họ bị mất niềm tin vào báo chí và “ngắt kết nối”. Bên cạnh đó, đạo đức của một bộ phận phóng viên có nhiều vấn đề, thậm chí có hoạt động tống tiền doanh nghiệp, cơ quan công quyền và người dân. Tuy nhiên, nhà báo Lê Quốc Minh cho rằng, báo chí chính thống đang lấy được niềm tin của độc giả, vì họ cần những thông tin chính xác.
Theo nhà báo Lê Quốc Minh, để xây dựng niềm tin với bạn đọc, báo chí hiện đại cần: Chuyên nghiệp, công bằng, đa chiều và luôn thẩm định thông tin. “Câu thần chú của người làm báo là: “Thẩm định, thẩm định và thẩm định”. Bất cứ đọc một thông tin nào chúng ta đều cần phải thẩm định chặt chẽ, nhiều chiều”, nhà báo Lê Quốc Minh nhấn mạnh.
Trả lời câu hỏi về tình trạng tha hóa trong hoạt động báo chí ở mức nào, nhà báo Lê Xuân Sơn dẫn ra một số dẫn chứng cho thấy, hiện nay, báo chí đang đánh mất niềm tin từ xã hội, bởi có một bộ phận phóng viên làm nghề chưa chuẩn mực. Như đưa thông tin một cách có chủ ý, không trung thực; làm báo kiểu quan toà...
Nhà báo Lê Xuân Sơn thẳng thắn nhìn nhận, trong bối cảnh kinh tế thị trường, báo chí hiện nay tương đối khó khăn. “Báo chí phải chấp nhận một số cái nhẽ ra chúng ta không chấp nhận”, nhà báo Lê Xuân Sơn nói. Tuy nhiên, Tổng Biên tập báo Tiền Phong khẳng định: “Dù thay đổi thế nào thì rốt cuộc, mục tiêu cuối cùng là “Sự thật phải được tôn trọng”.
Nhà báo Lê Xuân Sơn cũng cho biết thêm, báo Tiền Phong luôn khuyến khích phóng viên có những bài viết tích cực, gương “người tốt, việc tốt”, để cân bằng “mặt tối, mặt sáng” trên mặt báo. Tuy nhiên, theo nhà báo Lê Xuân Sơn, để có một bài viết về gương người tốt, việc tốt thực sự thu hút bạn đọc đòi hỏi mỗi phóng viên phải dày công, trong đó, cách kể chuyện rất quan trọng. “Những câu chuyện về người tốt, việc tốt đừng liệt kê thành tích mà phải có câu chuyện, có chi tiết thực sự lay động lòng người”, Tổng Biên tập báo Tiền Phong nói.
“Điều rất đáng tự hào ở các cơ quan báo chí thuộc T.Ư Đoàn là luôn giữ được cho mình đạo đức báo chí tốt. Đây là do nỗ lực chung, từ Ban Bí thư T.Ư Đoàn, đến lãnh đạo các báo và mỗi người phóng viên. Chúng ta vẫn còn sống được bằng nghề chân chính”, nhà báo Lê Xuân Sơn cho biết.
Nhà báo Phương Thảo khuyến khích các doanh nghiệp hãy ứng xử với báo chí thực sự văn minh, trung thực, cầu thị và theo pháp luật. Nếu doanh nghiệp có sai hãy thẳng thắn sửa sai mang lại lợi ích cho khách hàng. “Nếu doanh nghiệp không sai mà báo chí gây khó dễ, các bạn hãy ứng xử văn minh, có thể nhờ đến pháp luật xử lý. Doanh nghiệp đừng tiếp tay cho những hành động không đúng đắn của một bộ phận báo chí”, nhà báo Phương Thảo nói.
Nhà báo Phương Thảo nhấn mạnh thêm, Ban Biên tập báo Thanh Niên luôn khuyến khích các phóng viên có các bài viết tốt, tử tế.