Tốn hàng chục tỷ cấp chứng chỉ rồi bỏ xó, ĐBQH nói gì?

Chứng chỉ giáo dục thể chất và giáo dục quốc phòng
Chứng chỉ giáo dục thể chất và giáo dục quốc phòng
TPO - Nhiều ý kiến đề nghị không nên cấp chứng chỉ giáo dục thể chất và giáo dục quốc phòng. Bởi vì, ngoài chi phí nộp cho nhà trường (khoảng 30 tỷ đồng/năm), sinh viên cả nước còn mất tiền chụp ảnh thẻ, chi phí, công sức đi lại… Đại biểu quốc hội Lưu Bình Nhưỡng cũng đề nghị Bộ Giáo dục và đào tạo nên xem xét để hướng dẫn các trường ngừng cấp, trước hết là chứng chỉ giáo dục thể chất. 

Sau khi Tiền Phong đăng bài “Tốn hàng chục tỷ đồng cho chứng chỉ nhận xong... cất tủ” ngày 8/10, nhiều ý kiến cho rằng, việc cấp hai chứng chỉ này là tốn kém, không cần thiết (các ý kiến chỉ đề cập đến sự cần thiết của việc cấp chứng chỉ, không đề cập đến sự cần thiết của hai môn học này - PV).

Anh N.V. T, cựu sinh viên Đại học Lao động và xã hội năm cho hay, những chứng chỉ này được phát cùng thời điểm với bằng tốt nghiệp đại học, bảng điểm, nhưng khi đi xin việc thì lại không sử dụng đến. Chi phí việc cấp chứng chỉ với mỗi sinh viên như trên không lớn nhưng công sức bỏ ra không nhỏ.

“Đợt làm thủ tục để cấp chứng chỉ giáo dục quốc phòng và giáo dục thể chất, ngoài khoản tiền nộp phí, sinh viên phải đôn đáo đi chụp ảnh, đi lại rất mất công, mất thời gian để có được chứng chỉ này. Giờ nghĩ lại cũng thật phí công vì chứng chỉ cũng không dùng vào việc gì. Mỗi sinh viên được cấp bằng đại học đương nhiên phải “qua” hai môn đó, cấp chứng chỉ riêng không có ý nghĩa” – anh HL, nguyên là sinh viên Trường Đại học Khoa học xã hội và nhân văn Hà Nội khóa cho hay.

Chị N.T.Ng cựu sinh viên Đại học Vinh cũng cho rằng, nên bỏ hai loại chứng chỉ này vì cũng tốn nhiều công sức của các thầy cô trong việc làm thủ tục cấp chứng chỉ không cần thiết này. 

Cũng phản hồi về vấn đề này, nhiều một số giảng viên các trường đại học cho rằng, nếu bộ Giáo dục và đào tạo xét thấy không cần thiết nên chính thức đề nghị dừngcấp. 

Hiện nay, lệ phí để được cấp chứng chỉ này các trường có mức thu rất khác nhau. Chẳng hạn, Đại học Quốc gia thu mỗi sinh viên 20.000 đồng/chứng chỉ Giáo dục thể chất. Đại học Sư phạm Kỹ thuật TP HCM công bố thu 50.000 đồng/chứng chỉ Giáo dục thể chất.

Theo số liệu thống kê của Bộ giáo dục và đào tạo, mỗi năm, cả nước có khoảng 500 nghìn sinh viên tốt nghiệp đại học, cao đẳng (năm học 2015 – 2016 là 503.640 sinh viên; năm 2016 -2017 là 305.601 sinh viên). Làm phép tính đơn giản, với chi phí trung bình khoảng 30 nghìn mỗi chứng chỉ, mỗi năm, toàn bộ sinh viên trên cả nước phải chi phí cho hai loại chứng chỉ này trên 30 tỷ đồng.

Nếu tính thêm chi phí chụp ảnh (mỗi em 10.000 đồng/2chứng chỉ), chi phí đi lại của mỗi em (20.000 đồng/2 chứng chỉ), mỗi sinh viên sẽ tốn thêm 30.000 đồng cho 2 chứng chỉ này, sinh viên cả nước sẽ phải bỏ ra khoảng 15 tỷ đồng mỗi năm. Cộng với chi phí cấp bằng (30 tỷ), tổng chi phí xã hội cho 2 tấm chứng chỉ này ước khoảng 45 tỷ đồng/năm.

Như Tiền Phong đã đưa tin, liên quan đến vấn đề này, sau khi tham khảo các đơn vị có liên quan, Cục Quản lý chất lượng (đơn vị thuộc Bộ Giáo dục và đào tạo vừa được phân cấp quản lý mảng văn bằng chứng chỉ) đã có văn bản trả lời Tiền Phong. Văn bản trả lời khẳng định: “Bộ Giáo dục và đào tạo không bắt buộc cơ sở giáo dục cấp chứng chỉ giáo dục thể chất cho sinh viên”.

Theo quy định của Bộ Giáo dục và đào tạo, các trường đại học, cao đẳng tự in phôi chứng chỉ giáo dục thể chất và nộp mẫu phôi bằng cho Bộ Giáo dục và đào tạo. Vì vậy, Bộ Giáo dục và đào tạo hoàn toàn nắm bắt và có thể yêu cầu các trường không cấp chứng chỉ giáo dục thể chất nếu thấy lãng phí.

Về chứng chỉ giáo dục quốc phòng, Cục Quản lý Chất lượng cho biết đang thực hiện cấp chứng chỉ theo Nghị định giáo dục Quốc phòng – An ninh của Chính phủ (Nghị định 116/2007/NĐ - CP). Tuy nhiên, Cục cũng cảm ơn báo Tiền Phong với đề xuất cải cách trong việc cấp chứng chỉ này và sẽ “đề xuất với lãnh đạo Bộ Giáo dục và đào tạo tham mưu với Chính phủ”.

Đại biểu quốc hội Lưu Bình Nhưỡng đề nghị:  Với chứng chỉ giáo dục thể chất, nếu Bộ Giáo dục và đào tạo khẳng định không bắt buộc thì nên hướng dẫn chung cho các trường không nên cấp loại chứng chỉ này nữa. Với chứng chỉ giáo dục quốc phòng, Bộ Giáo dục và đào tạo nên bàn bạc với Bộ Quốc phòng để đưa ra giải pháp trình Chính phủ. Mục tiêu là cải cách hành chính, giảm các chi phí phát sinh, công sức cho sinh viên. 

MỚI - NÓNG