Bàn tròn trực tuyến : Làm gì để người Việt dùng hàng Việt ?
Ông Đỗ Gia Phan - Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký HTC&BVNTDVN nói như vậy về cuộc vận động người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam. Ông Phan cho biết:
Ông Đỗ Gia Phan |
Vấn đề này đã có nhiều cơ quan kể cả HTC&BVNTDVN đưa ra. Trước khi Bộ Chính trị đưa ra quyết định trong buổi hội thảo tại Đà Nẵng, chúng tôi đã nêu vấn đề người Việt Nam với hàng Việt Nam, chưa dám nói đến việc ưu tiên dùng hàng Việt. Vì Việt Nam đã gia nhập Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) chúng ta không thể đóng cửa thị trường được.
Đây là chính sách thể hiện sự khôn khéo vì nội dung của nó là “ưu tiên dùng hàng Việt Nam” chứ không phải “không dùng hàng ngoại”. Khẩu hiệu “Người Việt Nam dùng hàng Việt Nam” có từ trước nhưng giờ đây mới thực sự chính thống khi có chủ trương của Bộ Chính trị.
Tâm lý sính ngoại chắc hẳn là lực cản cho cuộc vận động “Người Việt ưu tiên dùng hàng Việt”?
Sính ngoại chỉ là phần rất nhỏ, vì hàng Việt Nam có chất lượng tốt, giá rẻ thì người ta vẫn dùng. Hiện nay hàng ngoại cao cấp chỉ dành cho những người có nhiều tiền ở khu vực thành thị, còn đại đa số là dùng hàng ngoại giá rẻ mà chủ yếu là hàng Trung Quốc. Và đặc biệt với dân nông thôn thì hầu như không có xu hướng sính ngoại.
Hàng ngoại vẫn đang áp đảo tại các siêu thị. Ảnh: Phạm Yên |
Hàng Việt Nam hiện chưa phong phú, chất lượng chưa tốt, giá thành lại cao, việc quảng bá giới thiệu sản phẩm chưa thu hút nên người ta chọn hàng ngoại chứ không phải họ có tâm lý sính ngoại.
Thực trạng ông vừa nói cũng giúp hàng Trung Quốc kém chất lượng, giá rẻ tràn vào Việt Nam.
Chúng tôi chưa đi sâu nghiên cứu cụ thể nhưng có thể nhận định người Việt Nam không thích dùng hàng Trung Quốc. Hàng Trung Quốc xấu nhưng giá rẻ. Doanh nghiệp Việt Nam lại chưa có hàng hóa giá rẻ đáp ứng được nhu cầu của những người ít tiền.
Ông nghĩ sao về việc mua sắm công hiện nay khi có ý kiến cho rằng yếu tố hoa hồng khiến cho hàng ngoại được lựa chọn nhiều hơn trong mua sắm công?
Mua sắm công rất lớn song chúng tôi chưa thấy có quyết định nào của Nhà nước về việc này. “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt” chứ không phải chỉ dùng hàng Việt Nam. Nếu chất lượng của hàng Việt tốt thực sự thì có thể thuyết phục được người tiêu dùng. Còn nếu chất lượng kém quá thì không thể ép người ta được.
Hoa hồng có khả năng khiến cho hàng ngoại được lựa chọn nhiều hơn, chúng tôi chưa có kết luận cụ thể, nhưng có khả năng có yếu tố đó. Ví dụ, thuốc chữa bệnh ngoại rất đắt mà bác sĩ thì cứ kê đơn buộc bệnh nhân phải mua. Trường hợp này có yếu tố hoa hồng, mọi người đều biết nhưng cũng chưa thể xử lý được vì chúng ta không có chứng cớ đầy đủ.
Có tình trạng chung là ban đầu thì doanh nghiệp sản xuất hàng chất lượng tốt, khi bán chạy rồi thì chất lượng lại giảm?
Nhược điểm của doanh nhân Việt Nam là chữ tín trong kinh doanh chưa được coi trọng. Đó cũng là triết lý kinh doanh. Doanh nghiệp thấy cái lợi trước mắt mà không nhìn về lâu dài. Cần thúc đẩy để họ sản xuất hàng có chất lượng tốt phục vụ cho người tiêu dùng. Tôi tin rằng, trong tương lai các doanh nghiệp trong nước không phụ người tiêu dùng hàng Việt Nam.
Cảm ơn ông
Phùng Nguyên - Hà Vân Thực hiện