Tới năm 2030, tất cả trẻ em bị ảnh hưởng dịch COVID-19 được chăm sóc, hỗ trợ

0:00 / 0:00
0:00
TP - Do ảnh hưởng dịch COVID-19, hàng nghìn trẻ em bị mất người thân, trở thành trẻ mồ côi. Điều này đã ảnh hưởng không nhỏ tới cuộc sống các em, đặc biệt liên quan tới vấn đề sức khoẻ, tâm lý. Đây cũng là vấn đề sẽ tác động lâu dài đến trẻ em, nên cần giải pháp để trợ giúp.

Bộ LĐ-TB&XH cho biết, thời gian qua, công tác bảo vệ, chăm sóc trẻ em bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19 được sự quan tâm của Đảng, Nhà nước, và toàn xã hội. Đáng chú ý, trẻ em mồ côi do bố mẹ, người chăm sóc trẻ chết do COVID-19 nhận được quan tâm của Đảng, Nhà nước với các chính sách hỗ trợ, cùng đó là sự chung tay của cộng đồng hỗ trợ để ổn định cuộc sống, được nhận chăm sóc nuôi dưỡng bởi người thân tại cộng đồng, được nhận đỡ đầu...

Tới năm 2030, tất cả trẻ em bị ảnh hưởng dịch COVID-19 được chăm sóc, hỗ trợ ảnh 1

Các em mồ côi tại TPHCM do dịch COVID-19 được nhận chăm lo ăn học đến năm 18 tuổi trong Chương trình “Vòng tay yêu thương”

Tuy nhiên, Bộ LĐ-TB&XH cho rằng, việc chăm sóc trẻ bị ảnh hưởng COVID-19 hiện gặp nhiều thách thức không nhỏ. Hiện còn những nhận thức chưa đầy đủ về tầm quan trọng của trẻ mồ côi cần được nuôi dưỡng trong môi trường gia đình, dẫn tới khó khăn trong việc trẻ được các gia đình nhận nuôi dưỡng thay thế tại cộng đồng. Bên cạnh đó, đội ngũ cán bộ, nhân viên làm công tác chăm sóc trẻ vừa thiếu vừa hạn chế về chuyên môn, gây khó khăn trong công tác đánh giá nhu cầu, hỗ trợ tìm gia đình nhận nuôi trẻ, giám sát quá trình chăm sóc trẻ tại cộng đồng. Việc chuyển từ hình thức chăm sóc trẻ mồ côi trong các trung tâm bằng nuôi dưỡng trẻ trong cộng đồng bởi các cá nhân, gia đình, nhằm giúp trẻ được sống trong môi trường gia đình còn hạn chế.

Cơ quan chuyên trách về công tác bảo vệ trẻ em cũng đánh giá, nhiều cơ sở nuôi dưỡng trẻ em chưa có, hoặc có rất ít nhân viên công tác xã hội được đào tạo chuyên nghiệp để hỗ trợ toàn diện với trẻ tiếp nhận về; Cơ sở vật chất của các cơ sở chăm sóc tập trung đã xuống cấp, nhất là trong hệ thống cơ sở công lập, thiếu trang thiết bị, đồ dùng sinh hoạt, ít được đầu tư cải tạo…

Thực hiện Chỉ thị 36/CT-TTg của Thủ tướng về tăng cường giải pháp bảo vệ, chăm sóc trẻ em bị ảnh hưởng dịch COVID-19, Bộ LĐ-TB&XH đang xây dựng Dự thảo Chương trình chăm sóc sức khỏe tâm thần, trẻ em mồ côi, trẻ em bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19, trẻ em di cư, giai đoạn 2022-2023.

Chương trình hướng tới các hoạt động chính như: Hoàn thiện và triển khai thực hiện các chính sách trợ giúp trẻ em có vấn đề về sức khỏe tâm thần, trẻ em mồ côi, bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19; Truyền thông nâng cao nhận thức của các cấp ngành, cộng đồng về phòng ngừa, thúc đẩy chăm sóc sức khỏe tâm thần cho trẻ em, bảo vệ và chăm sóc cho trẻ em mồ côi, trẻ em bị ảnh hưởng bởi COVID-19; Nâng cao năng lực đội ngũ cán bộ làm công tác trẻ em trong chăm sóc trẻ em mồ côi, trẻ em bị ảnh hưởng bởi COVID-19; Hỗ trợ trẻ em được tiếp cận các dịch vụ chăm sóc sức khỏe tâm thần…

Chương trình đặt mục tiêu phấn đấu đến năm 2030, tất cả trẻ em có vấn đề sức khỏe tâm thần, đặc biệt là nhóm trẻ em bị ảnh hưởng dịch COVID-19 được tiếp cận các dich vụ như: Tư vấn, hỗ trợ tâm lý, trị liệu, các dịch vụ xã hội phù hợp tại trường học, cơ sở y tế, cơ sở trợ giúp xã hội, cộng đồng. Tất cả trẻ em mồ côi do COVID-19 được chăm sóc bởi gia đình, người thân, gia đình nhận chăm sóc thay thế, được nhận làm con nuôi; hoặc được chăm sóc nuôi dưỡng tạm thời trong các cơ sở trợ giúp xã hội trong khi tìm kiếm gia đình chăm sóc thay thế; được tiếp cận các dịch vụ chăm sóc hỗ trợ phù hợp. Các giải pháp trên nhằm đảm bảo tất cả trẻ em mồ côi, trẻ bị ảnh hưởng COVID-19 được chăm sóc, hỗ trợ phát triển toàn diện trong môi trường an toàn.

Bộ LĐ-TB&XH cho biết, tính tới hết tháng 4/2022, cả nước có 4.335 trẻ em mồ côi do COVID-19. Trong đó, số trẻ em mồ côi cả cha và mẹ là 184 trẻ em, mồ côi cha hoặc mẹ là 4.151 trẻ em.

MỚI - NÓNG