'Tôi là vị tướng lãng mạn'

'Tôi là vị tướng lãng mạn'
TP - Điêu khắc gia Điềm Phùng Thị và nhà văn Nguyễn Quang Vinh từng vài lần đề cập đến câu nói: “Tôi là vị tướng lãng mạn” của Đại tướng Võ Nguyên Giáp.

> Các vị lãnh đạo Đảng và nhà nước chia buồn cùng gia quyến Đại tướng
>  Toàn quân hướng về Anh linh Đại tướng

Mà không cần nói thì cuộc đời của vị tướng huyền thoại cũng đã chứng thực cho điều này, ông mê thơ nhạc họa, thân thiết và chia sẻ với khá nhiều văn nghệ sĩ trong nhiều lĩnh vực.

Lúc còn sống, trong một lần nói chuyện với sinh viên tại TP.HCM, nhà thơ Phạm Tiến Duật kể rằng Đại tướng Võ Nguyên Giáp từng hẹn gặp ông thời trước đổi mới (đầu thập niên 1980) để hỏi hai việc: đời sống và thái độ của nhà văn, giới trí thức thời bấy giờ; và về cách hiểu bài thơ Trường Sơn Đông, Trường Sơn Tây của ông như vậy có được chưa.

Lắng nghe và khích lệ

Theo lời của nhiều văn nghệ sĩ như Điềm Phùng Thị, đạo diễn Trần Văn Thủy, điêu khắc gia Phạm Văn Hạng, nhà thơ Phạm Tiến Duật, họa sĩ Lê Trí Dũng, nhạc sĩ Trần Tiến, nhà thơ Phan Hoàng… thì trong câu chuyện, Đại tướng Võ Nguyên Giáp thích lắng nghe, suy nghĩ kĩ rồi mới nói. Lời nói của ông luôn rõ ràng, thường có tính khẳng định, nhưng là khẳng định trong sự khích lệ.

“Ông ấy kiệm lời nhưng dễ gần gũi, thông minh, quyết đoán nhưng khá lãng mạn. Tâm hồn văn nghệ của ông phong phú nhưng ít chủ động giãi bày”, bà Điềm Phùng Thị kể.

Vì hiểu biết mà Đại tướng Võ Nguyên Giáp hay ủng hộ cái mới. Khi phim Chuyện tử tế của Trần Văn Thủy còn bị “đánh” về quan điểm này kia, ông đã đề nghị được xem, nhưng năm lần bảy lượt bị từ chối, ông đành tổ chức chiếu tại tư gia của mình. Sau khi xem phim ông đã gọi điện cho vài nơi để khen ngợi, đề nghị chiếu rộng rãi.

Nhiếp ảnh gia Brian Đoàn kể rằng anh bất ngờ khi Đại tướng Võ Nguyên Giáp cho biết sẽ bố trí thời gian để tham gia dự án đa phương tiện (gồm phỏng vấn, quay phim, chụp hình) với câu hỏi đại ý: Ngày 30/4/1975 ông đang ở đâu, làm gì, nghĩ gì? Dự án này thực hiện với tướng tá, sĩ quan của cả hai phía.

Nhà thơ Phan Hoàng kể năm 1998, khi Hội nghị Nhà văn trẻ toàn quốc lần thứ 5 vừa kết thúc ở Hà Nội, qua sự giới thiệu của nhà văn Hữu Mai, anh có cuộc trò chuyện suốt 3 tiếng đồng hồ với Đại tướng Võ Nguyên Giáp.

“Khi tôi hỏi làm cách nào để trang viết của các nhà văn trẻ về chiến tranh có được sức sống mới, xứng đáng với tầm vóc lịch sử, thì Đại tướng bảo:

“Lịch sử dân tộc ta là dòng chảy liên tục từ cội nguồn cho đến ngày nay. Do đó, bên cạnh kiến thức về khoa học, kỹ thuật, kinh tế, xã hội hiện đại, đòi hỏi các bạn trẻ còn phải hiểu biết về lịch sử dân tộc, lịch sử cách mạng.

Chỉ có hiểu biết lịch sử sâu sắc, đặt mình vào hoàn cảnh của những nhân vật lịch sử, sống lại những giờ phút gian khổ và hào hùng của dân tộc thì trang văn các bạn mới phản ánh được trung thực và sinh động quá khứ.

Hơn thế, sự hiểu biết những gì ông cha ta đã làm được trong quá khứ sẽ giúp các bạn nhìn rõ được những vấn đề thực tại để sáng tạo nên những tác phẩm có giá trị đối với công cuộc xây dựng đất nước hiện nay”, Phan Hoàng thuật lại.

“Đại tướng Võ Nguyên Giáp tỏ ra rất am hiểu và luôn cập nhật thông tin về đời sống văn học nghệ thuật. Ông bảo không sáng tác thơ nhưng rất yêu thơ và đề nghị tôi đọc vài bài thơ ngắn cho ông nghe”, Phan Hoàng kể thêm.

Nhà văn Hữu Mai, người viết hồi ức cho Đại tướng Võ Nguyên Giáp kể rằng Đại tướng rất thích hội họa, am hiểu văn, sử và khoa học, dù ít khi bày tỏ ra ngoài. Bởi ông tâm niệm rằng việc bình luận là của những người chuyên nghiệp, nếu phải nói điều gì thì chỉ nên khích lệ để anh chị em làm việc và cống hiến hết tài năng.

Học piano vì nhiệm vụ

Không nhiều người biết Võ Nguyên Giáp thích chơi đàn piano, lại chơi khá trữ tình, có sức hút. Càng ít người biết chuyện ông học đàn khá muộn, giữa thập niên 1960, khi chiến tranh và bản thân ông quá căng thẳng, bác sĩ yêu cầu học để chống stress.

Cô giáo dạy đàn cho ông là vợ nhà văn Đào Vũ kể rằng ông có năng khiếu và tập luyện rất chăm chỉ nên tiến bộ khá nhanh. Ông chơi được vài bài cổ điển như Dòng sông Danube, Phiên chợ Ba Tư… sau một thời gian ngắn tập luyện.

Ngày 3/9/2007, nhạc sĩ Trần Tiến tới thăm Võ Nguyên Giáp và đánh bạo mời ông chơi piano, dù lâu rồi ông không ngồi bên cây đàn nữa, chủ yếu do tuổi tác. Ông chơi đàn, sau đó ông yêu cầu Trần Tiến hát và đọc vài bài thơ về Trường Sơn.

Có lần, ông đã tâm sự với PGS Đặng Anh Đào (bà Đặng Anh Đào là em thứ ba của bà Đặng Bích Hà - phu nhân Đại tướng) “Với anh, chơi đàn là một nghĩa vụ thời chiến, không phải là phong cách tao nhân, mà vẫn là vì “nghĩa vụ đòi hỏi”.

Năm 2001, nhạc sĩ Doãn Nho viết tác phẩm Có một khu rừng như thế, dàn dựng hợp xướng.

“Tôi may mắn vì vừa là nghệ sĩ, vừa là người lính nên đã có nhiều dịp được gặp Đại tướng. Từ lâu, tôi đã ấp ủ những ca từ: “Có một khu rừng như thế/ Tình chiến binh gắn bó keo sơn/ Ta kiêu hãnh gọi rừng Đại tướng/ Tấm gương xanh soi sáng giữa đời”, ông kể. Lý do viết tác phẩm này là vì ông ngưỡng mộ tiếng đàn piano mộc mạc nhưng trữ tình của Đại tướng, và vì được gợi hứng từ sách của Trần Đăng Khoa.

Nhà văn Nguyễn Quang Vinh, tổng đạo diễn chương trình Đại tướng Võ Nguyên Giáp và Bản giao hưởng Điện Biên tại Quảng Bình (trực tiếp trên VTV1 lúc 20h ngày 25/6/2011) nói rằng cảm hứng chính khi viết kịch bản này là vì cảm xúc với hình ảnh Đại tướng chơi đàn piano cho vợ nghe.

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG