Được biết sắp tới chị sẽ ngồi ghế nóng cuộc thi Hoa khôi ĐBSCL 2015, đây chắc hẳn là một trong những thử thách và trải nghiệm mới với bản thân chị?
Trước đây tôi từng chấm các cuộc thi nhan sắc tại miền Tây như Người đẹp xứ dừa, Người đẹp Tây Đô…và từng biết đến Hoa khôi ĐBSCL khi Đặng Thu Thảo đăng quang. Tôi nghĩ sự trở lại lần này của cuộc thi sẽ là điều thú vị không chỉ cho bản thân tôi mà còn cho tất cả các người đẹp đến với cuộc thi lần này.
Các cuộc thi sắc đẹp thời gian gần đây đã bị giảm nhiệt vì vướng nhiều “scandal” trong quá trình tổ chức hoặc sau khi thí sinh đăng quang, chị có e ngại điều này khi nhận lời đảm nhận vai trò giám khảo cho Hoa khôi ĐBSCL năm nay?
Tất nhiên là có. Bởi nếu như vướng scandal thì ngoài Ban tổ chức thì Ban giám khảo là người…lãnh đủ. Với cuộc thi lần này, chắc chắn không ai có thể khẳng định hay nói trước điều gì. Như bạn từng biết, có không ít cuộc thi vướng những tai tiếng từ trên trời rơi xuống không ai quản hết được. Sau thời gian suy nghĩ và nhận lời, với vai trò giám khảo tôi cũng chỉ biết làm hết sức mình có thể. Tôi kỳ vọng và tin cuộc thi sẽ êm đẹp để tìm ra hoa khôi xứng đáng mà không phải “đụng” scandal đáng tiếc.
Là người đã từng viết về rất nhiều cuộc thi nhan sắc trong và ngoài nước, chị đánh giá cuộc thi này như thế nào?
Vì lịch sử cuộc thi từng tìm ra nhan sắc rất “chất lượng”, nhất là người đăng quang Hoa hậu VN 2012 Đặng Thu Thảo nên tôi tin tưởng Hoa khôi ĐBSCL. Tôi tin BTC, BGK sẽ tìm ra không chỉ một vị trí xứng đáng mà ít nhất là top 3 xứng đáng nhất.
Theo chị các cuộc thi nhan sắc hiện nay đang thừa và thiếu điều gì?
Thiếu là thiếu thí sinh đẹp, chất lượng, mới mẻ đủ trình độ đi thi thế giới. Còn nói thừa là thừa các cuộc thi nhan sắc be bé trong phạm vi nhỏ, thi cho có, nhưng khán giả không nhận biết và cứ nghĩ nó ngang tầm với các cuộc thi Hoa khôi có chất lượng.
Hoa hậu Đặng Thu Thảo đăng quang trong cuộc thi Hoa khôi ĐBSCL và Hoa hậu Việt Nam trong cùng năm 2012.
Có một thực tế không ít thí sinh đến với cuộc thi nhan sắc với mục đích “tìm cơ hội để thay đổi cuộc đời”, quan điểm của chị về điều này như thế nào?
Câu này cũng có thể đúng với những cô gái có khả năng, nhan sắc, trình độ thật sự. Còn với những bạn dẫu rất đỗi bình thường nhưng vẫn khẳng định “tôi đi thi để mong có giải đổi đời” thì sai. Có hoa hậu từng tâm sự rằng cuộc đời họ thay đổi sau một đêm khi đội trên đầu chiếc vương miện. Điều đó cũng đồng nghĩa với việc họ sẽ… đổi đời. Thực tế việc này đúng. Nhưng đổi theo hướng nào còn là một việc khác chúng ta không thể biết rõ được (cười). Tôi không ủng hộ lắm quan niệm mục đích đi thi của các thí sinh chỉ vì giấc mơ “đổi đời”.
Sự khó tính, khắt khe của một nhà báo sẽ được chị áp dụng khi ngồi trên hàng ghế giám khảo?
Tôi vốn không khó tính nhưng rất khắt khe và kỳ vọng sự chỉn chu. Vậy nên nếu chọn người đẹp thì không chỉ chọn họ ở hình thức mà rất cần nội dung. Bởi hình thức có thể chấm 8 điểm nhưng nội dung phải được tìm hiểu thật kỹ qua quá trình cả tháng cuộc thi diễn ra để tìm điểm 9. Cũng từng có cuộc thi chấm sai “nội dung” của các cô nên sau này không thể biến đổi họ tốt hơn được. Rất nhiều hoa hậu khi mới đăng quang họ không đẹp, thậm chí có người chỉ đạt điểm 7. Nhưng theo thời gian họ đẹp lên một cách hoàn hảo. Điều khó nhất của BGK chính là tìm ra những cô gái như thế.
Điều gì ở một thí sinh sẽ được giám khảo Dạ Ly đánh giá cao?
Ngay thời điểm này tôi biết sẽ cực kỳ khó để tìm ra thí sinh vừa đẹp người đẹp nết đạt số điểm tuyệt đối. Nhưng ở Hoa khôi, tôi nghĩ cần tìm một nhan sắc duyên dáng, mặn mà, xinh xắn bên cạnh gu thẩm mỹ, trò chuyện thu hút tất cả mọi người là điều tôi chờ đợi.