“Từ lúc xảy ra vụ cháy đến nay, vợ chồng tôi không thể nào chợp mắt hay ăn uống gì được. Lúc nào cũng nghĩ về tai họa vừa ập đến, cả gia sản tích cóp, dành dụm hơn 10 năm trời bỗng tan biến trong chốc lát.
Khoản đền bù hơn 2 tỷ đồng vẫn chưa biết giải quyết thế nào. May mắn là có 2 đứa con nhỏ là niềm an ủi và động lực cho những ngày qua…”, anh Võ Trung Nhân (33 tuổi, quê Long An, ngụ quận 8, TP.HCM), chủ bãi giữ xe bị cháy vào ngày 5/4 tâm sự.
Theo nhiều người thân của anh Nhân, từ sau vụ cháy thì tinh thần, sức khỏe của anh xuống dốc khá nhanh. Tuy còn trẻ nhưng vì áp lực đền bù quá lớn khiến anh bị tăng huyết áp, phải đi bệnh viện. Nhiều người lo vợ anh sẽ ngã quỵ sau cơn hoạn nạn.
Anh Nhân kể: "Trưa 5/4, tôi đang chở con đi học thì một người quen điện thoại báo tin có người đốt cỏ rác bên cạnh bãi xe. Tôi lập tức gọi cho các nhân viên đi xem tình hình như thế nào nhưng không ai bắt máy. Vì sốt ruột, tôi chạy về thì chứng kiến bãi xe ngập trong biển lửa.
Sau khi vụ hỏa hoạn được khống chế, tôi vào bãi xe thì ngã quỵ khi số thiệt hại quá lớn với hơn 300 xe máy, một ô tô, 2 xe ba gác bị cháy rụi. Không những tất cả công sức làm lụng hơn chục năm qua của 2 vợ chồng đều tiêu tan mà giờ đây phải gánh nặng trên vai hơn 2 tỷ đồng (số tiền định giá những xe bị cháy) đền bù thiệt hại".
Bãi giữ xe được lắp đặt 8 camera, hàng chục bình chữa cháy mini đề phòng sự cố. Theo anh Nhân, lúc hỏa hoạn xảy ra, các camera chỉ thu được hình ảnh lửa từ bãi cỏ lan vào chứ không ghi được người nào đã đốt cỏ.
Một chiếc camera bị cháy.
"Bãi chủ yếu giữ xe của các tiệm cầm đồ cùng một số xe 3 gác, ô tô chứ người dân xung quanh ít khi gửi. Từ lúc cháy đến giờ, ngày nào tôi cũng nhận hàng chục cuộc gọi đòi xe, có người còn gọi vào lúc khuya khiến 2 vợ chồng càng mệt mỏi. Một số người còn chửi rủa, dọa nạt để đòi đền bù nữa", chủ bãi xe cho biết.
Theo quan sát của PV, tại khu vực bãi xe này ngày nào cũng có người đến xem xét tình hình. Một số dân phòng và người của chính quyền đứng chốt để phòng ngừa những người đến đòi xe quá khích.
Theo anh Nhân, năm 2002 lên Sài Gòn, xin được việc làm chụp X-quang tại một bệnh viện rồi lập gia đình, sau đó có 2 con gái (một bé học lớp 6 và một học mẫu giáo). Được vay vốn xóa đói giảm nghèo, anh Nhân mượn thêm tiền của người thân để đầu tư bãi giữ xe.
Ban đầu bãi khá nhỏ nhưng khi có tiền dư, 2 vợ chồng đầu tư thêm. Đến nay bãi rộng gần 1.100 m2, giữ thường xuyên hơn 500 xe máy và một số ô tô, xe 3 gác. Số vốn anh đầu tư thuê mặt bằng, xây dựng, trả lương nhân viên lên đến gần 500 triệu đồng.
Hiện, anh Nhân cùng các chủ xe, chủ tiệm cầm đồ vẫn chờ kết quả từ cơ quan điều tra xác định nguyên nhân và phương thức đền bù.
“Trước mắt tôi phải tự thỏa thuận với các tiệm cầm đồ, người gửi xe. Tôi là chủ bãi nên tất nhiên là người chịu trách nhiệm chính và phải đền bù. Nhưng giờ trong tay không còn một đồng, nên chẳng biết cách nào để thỏa thuận với họ được", anh Nhân cho hay.
Nhiều người đến lấy xe sau vụ cháy.
Anh mong muốn các cơ quan chức năng nhanh chóng điều tra nguyên nhân và có sự hỗ trợ trong việc giải quyết hậu quả, đồng thời, mong những người bị thiệt hại trong vụ hỏa hoạn thông cảm và chia sẻ với tai họa bất ngờ ập đến mà gia đình anh đang gánh chịu.
“Vợ chồng tôi giờ chỉ mong các chủ xe thông cảm, tạo điều kiện cho tôi được làm lại, tích cóp từ từ để trả nợ. Nếu giờ bắt bồi thường một lúc vài tỷ đồng thì dù tôi có bán mạng cũng không đủ", anh Nhân chia sẻ.
Chủ bãi xe phải chịu trách nhiệm đền bù đầu tiên
Luật sư Trương Quang Hiệp - Đoàn Luật sư TP.HCM - cho biết thẻ giữ xe (hay vé giữ xe) chính là hợp đồng dân sự giữa chủ bãi với người gửi. Trong trường hợp này, tài sản của chủ xe bị cháy thì anh Nhân là người chịu trách nhiệm đền bù trước tiên.
Hình thức, thời điểm bồi thường do anh Nhân và chủ xe tự thỏa thuận. Trong trường hợp anh này không có khả năng chi trả, chủ xe bị thiệt hại có quyền khởi kiện ra tòa án.
Hiện cơ quan chức năng tiến hành điều tra, truy tìm người đốt cỏ rác khiến lửa lây lan gây ra vụ cháy bãi xe. Nếu trong quá trình điều tra, cơ quan chức năng bắt được thủ phạm thì có 2 khả năng để xử lý:
1. Nếu người này cố ý đốt cỏ gây ra vụ việc thì sẽ bị xử lý hình sự bởi thiệt hại sau vụ hỏa hoạn lên đến hàng tỷ đồng.
2. Nếu người đốt cỏ gây ra vụ việc chỉ là vô ý (đốt cỏ, rác cho sạch nhưng không kiểm tra đám cháy) thì sẽ bị xử lý dân sự và phải bồi thường toàn bộ thiệt hại. Trong trường hợp này, anh Nhân là người đứng ra đền bù cho chủ xe, sau đó người đốt cỏ phải đền bù lại toàn bộ số tiền cho chủ bãi.
Nhưng Luật sư Nguyễn Văn Giáp - Đoàn Luật sư TP.HCM - thì cho rằng nếu nguyên nhân vụ hỏa hoạn xảy ra là do người đốt cỏ gây nên thì người này chắc chắn bị xử lý hình sự vì số người bị ảnh hưởng quá lớn và tài sản thiệt hại lên đến hàng tỷ đồng.