Đổi dăm tạ bắp lấy đàn khỉ
Từ 2008, Lê Hoài Phương bắt tay quay Tội ác rừng xanh, ý tưởng ghi lại hình ảnh của đội săn bắt khỉ ở một số cánh rừng tỉnh Bình Thuận. Những thước phim ra mắt khiến người xem sốc. Khỉ bị giăng bẫy, bắt trói quặt tay, bị đánh vào đầu. Người bẫy đè những con có răng nanh, dùng kìm bẻ, vì chúng có tư chất khỉ đầu đàn, cắn miếng nào ra miếng đó. Ghi được hình ảnh ấy, Lê Hoài Phương mất đến ba năm. Hai năm 2008- 2009 anh chỉ quay dịp cuối tuần. Phải chờ chính thức nghỉ hưu anh mới có dịp quay hình ảnh bắt khỉ. “Phim kéo dài là vì thế, chứ không phải kéo dài thời gian để mình nói rằng bộ phim ghê gớm đâu”, Lê Hoài Phương nói.
Quay khỉ ăn bắp dẫn tới sập bẫy đòi hỏi phải bỏ công nhất. Khỉ đầu đàn khôn ngoan không dễ lừa, nhất là khi nó phát hiện ống kính óng ánh chĩa vào. “Là đầu đàn nó chịu trách nhiệm trước cả đàn, sẵn sàng hi sinh mạng sống. Nhưng khi khỉ trong đàn không nghe lời, nó đánh cho tơi bời. Đầu tiên muốn vô bãi người treo bắp nhử, nó canh nửa tiếng, ngăn không cho cả đàn đến gần. Phải lừa cho nó ăn no nê. Rồi nó ngồi lên ngọn cây canh cho cả gia đình vào ăn”, đạo diễn Tội ác rừng xanh tâm sự.
Thăm dò và chọn địa hình xong, nhóm bẫy khỉ mới tiến hành treo bắp. Treo bắp lần đầu, ba đến năm ngày sau quay lại kiểm tra. Có dấu hiệu khỉ ăn, treo tiếp lần hai và quan sát số lượng khỉ ăn, là khỉ đuôi cộc hay đuôi dài. Lần treo bắp thứ ba nhiều hơn đến vài chục kí, để đến mức khỉ no nê, quay sang nô đùa, nằm dựa vào đá đi không nổi.
Phút tác nghiệp của Lê Hoài Phương . |
Muốn vào ăn bắp, khỉ phải qua một cầu tre, thực chất là bẫy tinh vi của con người. Chỉ cần chặt đứt dây thép cột vào thân cây, cả đàn khỉ rơi xuống đất, bị cách li hoàn toàn. Năm phút chạy quanh khung lưới giăng, chúng mệt lử và không thoát khỏi kết cục nằm trong bao.
Tội ác trong cánh rừng
Cái nhìn ám ảnh của khỉ đầu đàn . |
Bao nhiêu khỉ bắt được, qua tay đầu nậu sang Trung Quốc hết. Những con khỉ cái, khỉ con dưới 2kg có giá khoảng hai triệu đồng. Từ hai đến dưới bốn kilôgam chỉ vài trăm ngàn. To hơn nữa được chừng 50 ngàn đồng một kilôgam. Nếu không giữ được khỉ sống, chỉ còn nước làm thịt nấu cao. Trong hoàn cảnh khỉ chết nhiều, lại trong rừng, nhiều khi cũng phải bỏ đi cả.
“Mười ba năm đi rừng, tôi mới một lần thấy lưng Hổ mang chúa. Là chúa tể loài bò sát, ban ngày nó đứng giữa đường, voi đi qua còn phải tránh. Thế mà nay, gặp con người là ào đi, tôi không kịp lôi máy ảnh ra chụp. Con người săn bắt thú rừng đến cùng kiệt, làm thay đổi hết cuộc sống hoang dã của chúng”, đạo diễn Lê Hoài Phương nói.
Anh kể, hoàn thành phim, đưa bạn bè xem, họ kịch liệt lên án toán người bẫy khỉ. Anh bình tĩnh hơn: “Tôi căm hận bọn đầu nậu. Chính chúng mới là kẻ gây tội ác. Chúng đặt hàng dân nghèo. Họ cũng khổ lắm chứ, hàng tháng giời đeo bám, nhử khỉ. Có khi ốm đau, bệnh tật, hết tiền mua bắp. Nếu sơ sẩy để khỉ chạy mất, coi như tay trắng. Ba năm cùng họ đi rừng, cùng ăn, cùng uống rượu mới hiểu thấu nỗi niềm. Nghèo quá phải đi bẫy khỉ, chứ bắt thú nhiều khi cũng thương lắm. Giờ nhà nước trả tiền, thuê họ bảo vệ rừng, họ làm liền, có ai thuộc rừng hơn họ”. Chưa dừng ở thước phim cận cảnh bẫy khỉ, Lê Hoài Phương dự định đầu tư dự án dài hơi hơn. Rừng khóc theo anh còn kinh khủng hơn Tội ác rừng xanh.
Khỉ mắc bẫy. |
Dấn thân nơi hoang dã
Lê Hoài Phương sinh 1961, tốt nghiệp Đại học pháp lí Hà Nội về công tác tại Viện kiểm sát nhân dân tỉnh Bình Thuận. 24 năm công tác, gần 20 năm anh làm án hình sự, điều tra- trong đó có những vụ phá rừng. Năm 1997, được người nhà tặng máy chụp ảnh Canon, anh bắt đầu bập vào lĩnh vực vừa đòi hỏi chất nghệ sĩ, vừa phải có kiến thức khoa học, vốn sống.
Có thể gọi anh là kỷ lục gia chụp ảnh động vật rừng, với khoảng 100 ngàn bức ảnh thô, tự anh chọn ra chừng gần 10 ngàn bức ưng ý. Dấn thân vào con đường chụp ảnh động vật hoang dã, không phải lựa chọn ban đầu của anh. Mới có máy chụp ảnh, anh lôi cậu con trai bốn tuổi ra làm mẫu. Dù đoạt giải ba trong cuộc thi ảnh báo chí ngay năm 1997, anh nhận ra sự na ná trong nhiếp ảnh phong cảnh và đời sống. Lê Hoài Phương bỏ chụp người, đi biển. Cứ mỗi chiều tan sở, anh theo thuyền ngư dân ra khơi. Một năm ròng không mấy kết quả, anh bỏ lên rừng. Cả năm đầu tiên gần như không có thành tích, anh quay lại thư viện đọc sách.
Năm 2000 trở đi, anh chính thức bước vào chụp ảnh động vật hoang dã. Trước Tội ác rừng xanh, bộ phim tài liệu Vàng Anh, loài chim huyền thoại của anh đạt giải Nhất LHP môi trường toàn quốc lần thứ 3 (2008)-một bộ phim cảm động về đời sống tình cảm của loài chim này.
“Nghệ sỹ rừng xanh” chọn cách làm không giống ai. Anh tìm đến người dân đi rừng, người buôn bán thú rừng học hỏi kinh nghiệm. Khi chụp động vật, anh tiếp cận, làm quen dần dần, rút ngắn khoảng cách giữa người chụp với chim muông.
Lê Hoài Phương nhận giải. |
Nghỉ việc nhà nước đi làm phim, Lê Hoài Phương coi là việc trả nợ rừng. “Ngày xưa có người từ quan lên rừng, tìm động hoa vàng ngủ say. Nay tôi nghỉ việc nhà nước nhưng làm việc chết thôi. Chúng ta chưa có nhiều người dấn thân trong lĩnh vực này”. Lê Hoài Phương nay mở công ty điện ảnh độc lập, quyết theo đuổi lĩnh vực đa dạng sinh học, chuyên tâm làm phim về thế giới hoang dã.
Bao nhiêu khỉ bắt được, qua tay đầu nậu sang Trung Quốc hết. Những con khỉ cái, khỉ con dưới 2kg có giá khoảng hai triệu đồng. |