“Toàn cầu hóa đối lập với thơ”

Nhà thơ Nicolai Pereyaslov và dịch giả Nguyễn Thị Kim Hiền. Ảnh: T.Toan
Nhà thơ Nicolai Pereyaslov và dịch giả Nguyễn Thị Kim Hiền. Ảnh: T.Toan
TP - “Toàn cầu hóa xóa nhòa ranh giới cá nhân, ngược hẳn với thơ”-Nhà thơ nổi tiếng của đất nước bạch dương, Nicolai Pereyaslov chia sẻ tại Liên hoan thơ châu Á- Thái Bình Dương.

> Liên hoan thơ châu Á – TBD: Quá hình thức

Nhà thơ Nicolai Pereyaslov và dịch giả Nguyễn Thị Kim Hiền. Ảnh: T.Toan
Nhà thơ Nicolai Pereyaslov và dịch giả Nguyễn Thị Kim Hiền. Ảnh: T.Toan.
 

Ông thường tham dự các liên hoan thơ trên thế giới? Theo ông, bằng cách nào đó thơ ca hoàn thành sứ mệnh vì hòa bình, phát triển?

Ở tầm quốc tế rộng lớn, tôi từng tham dự liên hoan thơ ở Cairo (Ai Cập) năm 2008, ngoài ra thường xuyên tham gia liên hoan quốc tế trong phạm vi các quốc gia Liên Xô cũ. Đến đó mới thấy, văn học dân tộc rất quan trọng. Nó đang được thay máu, dù phục hồi truyền thống như trở lại lịch sử, trở lại văn học dân gian, nhưng hàm chứa nhiều điều mới.

Giao lưu giữa các nhà văn, nhà thơ gỡ bỏ ngăn cách. Nước Nga có nhiều dân tộc, nhưng 20 năm qua người ta không còn dịch thơ của nhau nữa, dẫn đến không hiểu nhau rồi sinh nghi ngờ, mâu thuẫn, xung đột. Thơ ca muôn đời có sứ mệnh làm con người gần nhau, làm cầu nối giữa con người với con người, rộng hơn là giữa các dân tộc. Một khi Thượng đế sinh ra thơ ca, đặt cho nó sứ mệnh cao cả như thế, chắc chắn nó được thực thi. Thiên nhiên, con người, cuộc đời đều vận động theo nhịp thơ ca.

Hai lần ông được mời đọc tham luận đều trục trặc vì BTC không bố trí người dịch. Ông có thể chia sẻ thêm lí do tại sao ông phản đối toàn cầu hóa?

Toàn cầu hóa xóa nhòa ranh giới cá nhân. Bây giờ trên thế giới có lực lượng muốn mọi người giống nhau: Ăn cùng loại thức ăn, đọc cùng loại sách và mặc cùng một kiểu, suy nghĩ giống nhau cứ như người nhân bản để dễ bề cai trị. Chúng ta giống nhau thì chẳng còn gì thú vị cả. Chúng ta hấp dẫn nhau chính ở sự riêng biệt. Toàn cầu hóa dạy cho người ta rằng, cả thế gian không hơn gì một cái sân trống mà trong đó anh chỉ là người đi qua tình cờ. Thơ ca lại dạy rằng, đó là cái sân nhà thân thuộc, ta phải có trách nhiệm đối với các thế hệ con cháu về cái sân nhà đó.

Nước Nga vốn có nền thơ ca vĩ đại, liệu người Nga có còn coi đó là mối quan tâm lớn?

Văn học Nga bây giờ có hai xu hướng: Nhiều nhà văn, nhà thơ học theo phương Tây viết truyện thị trường, làm thơ thị trường. Các nhà xuất bản thích in những loại như thế, vì bán chạy và thu được lợi nhuận. Còn có những nhà văn vẫn theo kiểu truyền thống, nhưng khó in và phổ biến hơn. Nhưng đó mới là văn học đích thực, là thành tựu nhân dân sẽ nhớ. Văn học thị trường sáng đọc, chiều quên.

Ông ủng hộ xu hướng nào?

Tôi duy trì nội dung cổ điển nhưng thường xuyên cố gắng đổi mới hình thức để theo kịp thời đại. Nội dung cổ điển, đó là tinh thần truyền thống của văn học Nga- nhân đạo chủ nghĩa, yêu nước, tình cảm, đi sâu vào số phận con người và ý nghĩa cuộc sống. Văn học sẽ sống được nếu người ta vẫn viết tốt theo kiểu cổ điển, có tác phẩm giá trị và đồng thời được in ra, bán chạy. Nếu kết hợp được hai điều đó thì chúng ta có nền văn học tuyệt vời.

Nhà nước có chính sách hỗ trợ nào dành cho giới văn học nghệ thuật, đặc biệt các nhà văn theo đuổi truyền thống?

Phải nói bây giờ không còn như thời Liên Xô cũ, chính phủ không còn giúp đỡ cho các nhà văn tâm huyết với đất nước, sự phát triển dân tộc, họ hướng về phương Tây, khuyến khích các nhà văn, nhà thơ theo hướng phương Tây. Nhưng ở các bang, tỉnh nơi lãnh đạo giàu có và yêu văn chương, họ hết sức ủng hộ các nhà văn đi theo con đường giữ gìn bản sắc truyền thống, bằng tài trợ về giải thưởng, hội thảo, in ấn.

Từng nhận Giải thưởng Lớn văn học Nga, có khi nào ông nản trên con đường theo đuổi thơ ca?

Có lúc tôi cũng thấy mệt mỏi về thể xác, tinh thần. Đó là khi mình viết ra không ai nghe. Nhưng cuộc sống cứ đi lên và là nhà văn có nghĩa không thể chán nản. Tư cách của người cầm bút, tâm huyết giúp anh tiếp tục công việc sáng tạo. Nguồn động viên lớn nhất là ý kiến bạn đọc, lời đáp lại khi đó làm cho nhà văn thấy lao động của anh là cần thiết.

Nhà thơ Rida K Liamsi (Indonesia):

Chúng ta là thơ ca

Trong cuộc sống hiện đại, chúng ta cũng thấy sức mạnh của thơ ca trong việc chuyển dời, để giải thoát con người khỏi sự áp bức, xiềng xích và chủ nghĩa thực dân. Nhờ thơ ca, chúng ta đã đạt được sự độc lập. Chúng ta có cùng cảm giác về hi vọng, chung nỗi đau, chung một vết thương.

Chúng ta là Ngôn từ, là Thơ ca. Chúng ta làm thơ vì hi vọng người nào đó sẽ đọc, mọi lúc mọi nơi. Với thơ ca chúng ta tồn tại để nhắc nhở thế giới với giọng thầm thì của chúng ta, về hi vọng đoàn kết và gắn kết.

Nhà thơ Nhật Bản Yuka Tsukagoshi:

Thơ ca không biên giới

Sau trận động đất tồi tệ nhất trong lịch sử năm ngoái, người Nhật đều suy sụp vì đau buồn và những mất mát không nói nên lời. Tuy nhiên, tôi rất sung sướng được thấy nhiều nhà thơ, đặc biệt là ở nước ngoài đã thể hiện nỗi buồn và sự thông cảm bằng thơ, chia sẻ với các nạn nhân.

Tôi nhận ra một cách sâu sắc rằng thơ ca, với ngôn ngữ sinh động đã làm giàu cảm xúc và ý nghĩa của hiện tại, mang lại sức mạnh để kết nối ngay lập tức với trái tim những người khác.

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG