Toàn bộ dự án 'chúa chổm' đã được thanh tra, kiểm toán, điều tra

4 dự án thua lỗ kém hiệu quả ngành Công Thương đã được chuyển cơ quan điều tra
4 dự án thua lỗ kém hiệu quả ngành Công Thương đã được chuyển cơ quan điều tra
TPO - Hiện toàn bộ 12 dự án, doanh nghiệp đều đã được tiến hành thanh tra, kiểm toán, điều tra. Trong đó, 4 dự án đã chuyển hồ sơ sang Bộ Công an điều tra

Nợ phải trả hàng chục nghìn tỷ

Báo cáo Quốc hội về tình hình và kết quả xử lý 12 dự án, doanh nghiệp chậm tiến độ, kém hiệu quả thuộc ngành Công Thương, Bộ trưởng Công Thương Trần Tuấn Anh cho biết, đến nay mới chỉ có 2 trong tổng số 12 dự án, doanh nghiệp có lãi. 7 dự án, doanh nghiệp thua lỗ hoặc dở dang, dừng hoạt động.

Hiện có 17 ngân hàng thương mại và 1 công ty tài chính cấp tín dụng cho 12 dự án với tổng số dư nợ đến thời điểm 31/12/2019 gần 21 nghìn tỷ đồng. Ngoài ra, các ngân hàng còn cấp tín dụng đối với các chủ đầu tư có liên quan gần 23 nghìn tỷ đồng. Bên cạnh đó, Ngân hàng Phát triển Việt Nam còn cấp tín dụng cho 6 dự án với tổng dư nợ đến 31/12/2019 hơn 9 nghìn tỷ đồng.

Hiện toàn bộ 12 dự án, doanh nghiệp đều đã được tiến hành thanh tra, kiểm toán, điều tra. Trong đó, 4 dự án, doanh nghiệp đã chuyển hồ sơ sang Bộ Công an điều tra, gồm: Dự án Nhà máy sản xuất nhiên liệu sinh học Quảng Ngãi, Dự án Nhà máy sản xuất nhiên liệu sinh học Phú Thọ, Dự án mở rộng giai đoạn 2 Nhà máy gang thép Thái Nguyên và Dự án Nhà máy sản xuất xơ sợi polyester Đình Vũ.

Về dự án mở rộng sản xuất giai đoạn 2 - Công ty Gang thép Thái Nguyên (TISCO), hiện hợp đồng EPC giữa TISCO và Tổng thầu MCC của Trung Quốc có nhiều vướng mắc chưa giải quyết được. Tổng công ty Thép Việt Nam phải bảo lãnh đối với khoản vay của TISCO cho Dự án, Ngân hàng Vietinbank từ chối việc giải phóng nghĩa vụ bảo lãnh của Tổng công ty Thép Việt Nam đối với khoản vay này.

Đến hết năm 2019, theo báo cáo tài chính trước kiểm toán vốn chủ sở hữu là 1.890 tỷ đồng, tổng tài sản là 9.097 tỷ đồng, tổng nợ phải trả là 7.133 tỷ đồng.

Do bị ảnh hưởng từ Dự án mở rộng sản xuất giai đoạn 2 nên kết quả sản xuất, kinh doanh của TISCO ngày một giảm dần. Hiện nay, cơ quan Cảnh sát Điều tra, Bộ Công an đã ra Quyết định khởi tố vụ án Vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản Nhà nước gây thất thoát, lãng phí xảy ra tại dự án; khởi tố, bắt tạm giam đối với 5 bị can.

Với “ông lớn” Đạm Ninh Bình, đến hết năm 2019, Công ty có vốn chủ sở hữu -3.392 tỷ đồng, tổng tài sản là 9.837 tỷ đồng, tổng nợ phải trả là 13.184 tỷ đồng, lỗ lũy kế -5.706 tỷ đồng. Theo báo cáo của Bộ Công Thương, hoạt động sản xuất, kinh doanh gặp nhiều khó khăn, chi phí tài chính lớn, chiếm trên 30% giá thành sản phẩm, không cân đối được nguồn tiền để trả các khoản nợ đến hạn, chưa giải quyết được các tranh chấp hợp đồng EPC, chưa quyết toán được Dự án.

“Cửa” thắng kiện thấp

Bộ Công Thương cho biết, trong tổng số 12 dự án, doanh nghiệp chậm tiến độ, kém hiệu quả ngành công thương, hiện có 5 dự án, doanh nghiệp có tranh chấp, vướng mắc hợp đồng EPC.

Mặc dù các doanh nghiêp đã tích cực thực hiện đàm phán nhưng đến nay vẫn không thành công. Trước tình thế này, có 2 giải pháp xử lý được nêu ra: Đưa ra trọng tài hoặc tòa án để phân xử và chủ đầu tư tự quyết toán theo quy định đối với trường hợp nhà thầu không thực hiện quyết toán hợp đồng

Về giải pháp thông qua trọng tài hoặc tòa án, Bộ Công Thương cho biết, các doanh nghiệp đã thuê tư vấn pháp lý. Sau khi nghiên cứu hồ sơ, tư vấn đã khuyến cáo việc khởi kiện để xử lý tranh chấp hợp đồng EPC (nhất là 3 dự án thuộc Tập đoàn Công nghiệp Hóa chất Việt Nam) sẽ không thuận lợi và khả năng thắng kiện thấp, chi phí theo đuổi vụ kiện lớn.

Còn giải pháp thứ hai, do còn tranh chấp nên hồ sơ thực tế cũng chưa có đầy đủ để lập hồ sơ tự quyết toán. Để xử lý được tồn tại này, Bộ Tài chính cần chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan hướng dẫn việc chủ đầu tư tự quyết toán dự án phù hợp hơn với tình hình thực tế của các dự án hiện nay.

MỚI - NÓNG
Đổ vật chất nạo vét lẫn đầy bùn thối, rác thải vào trường học, khu dân cư
Đổ vật chất nạo vét lẫn đầy bùn thối, rác thải vào trường học, khu dân cư
TPO - Hàng nghìn khối vật chất nạo vét lẫn đầy bùn thối, rác thải nhựa, đá tảng, bê tông thải loại từ khu vực đập La Ỷ (cạnh sông Hương đoạn qua phường Phú Thượng, TP. Huế) đổ vào sân bóng, khu dân cư, trường học, gây nguy cơ biến đổi hiện trạng sử dụng đất, làm ô nhiễm môi trường...