> Trực tuyến với ba thanh niên được minh oan
> Kỳ án 'Mười năm uẩn khúc' - Kỳ 6
> Uẩn khúc mười năm - Kỳ 5
Kháng nghị của Viện KSNDTC theo hướng vô tội với họ đã bị Hội đồng thẩm phán TANDTC tuyên bác.
Sau nhiều lần hoãn tòa, hôm qua (7-12), Hội đồng thẩm phán TANDTC đã họp và ra bản án giám đốc thẩm, tuyên bác Kháng nghị của Viện KSND Tối cao đề nghị tuyên vô tội với 3 thanh niên Nguyễn Đình Lợi, Nguyễn Đình Tình, Nguyễn Đình Kiên. Tòa giám đốc thẩm cho rằng, bản án phúc thẩm đã “xét xử đúng người, đúng tội, không làm oan”.
Vụ án này, cùng với hàng loạt cơ quan báo chí, Tiền Phong đã có loạt bài phản ánh: Tháng 10-2000, tại địa phận xã Yên Nghĩa (Hà Đông, Hà Nội) xảy ra vụ hiếp dâm và cướp tài sản. Ngay từ khi CQĐT bắt giam 3 thanh niên làng Yên Nghĩa, đông đảo người dân địa phương đã kêu oan cho họ, bởi họ khẳng định 3 người này có chứng cứ ngoại phạm. Qua hai cấp xét xử, 03 bị cáo Lợi, Tình, Kiên bị tuyên phạt tổng cộng 41 năm tù giam.
Tại CQĐT, tại tòa, và trong suốt những năm dài thụ án, 3 bị án này không một lời xin giảm án. Họ chỉ một mực kêu oan!
Con đường giải oan của họ thật lắm nhọc nhằn, cay đắng, nhưng cũng chứa đựng những khúc cong đầy bất ngờ. Đầu năm 2010, sau khi điều tra, đánh giá lại toàn bộ tài liệu, chứng cứ của vụ án, Viện KSNDTC đã có quyết định cho 3 bị cáo được tại ngoại, đồng thời ra kháng nghị đề nghị xét xử lại theo hướng tuyên 3 bị cáo vô tội.
Với mong muốn góp phần vào cải cách tư pháp, không chỉ có loạt bài về vụ án này, Tiền Phong đã tổ chức chương trình giao lưu trực tuyến giữa bạn đọc với 3 thanh niên ở Yên Nghĩa - Hà Đông và những người đã góp công giải oan cho họ. “Sau 10 năm khi ước mơ đã thành sự thật, tôi lại không còn biết mình vui hay buồn nữa... Từ ngày được trả tự do, bên cạnh người thân, được sự quan tâm của cộng đồng, chúng tôi mới bắt đầu có niềm tin trở lại” - Nguyễn Đình Tình nói tại buổi giao lưu hôm đó.
Thế nhưng, phán quyết hôm qua của Hội đồng thẩm phán TANDTC đã đưa số phận ly kỳ của 3 thanh niên làng Yên Nghĩa trở về điểm xuất phát. Họ đang đối mặt với việc bị bắt giam trở lại để thi hành nốt bản án, hoặc nói cách khác, họ lại bắt đầu đi tiếp con đường đấu tranh kêu oan còn dài dằng dặc, mà họ tưởng như đã đến được đích.