TỌA ĐÀM TRỰC TUYẾN: Điều kiện để mở cánh cửa trường nghề

Phó Tổng biên tập Báo Tiền Phong Phùng Công Sưởng (bìa trái) tặng hoa các khách mời tham gia toạ đàm sáng 24/6. Ảnh: Duy Phạm
Phó Tổng biên tập Báo Tiền Phong Phùng Công Sưởng (bìa trái) tặng hoa các khách mời tham gia toạ đàm sáng 24/6. Ảnh: Duy Phạm
TPO - 9h hôm nay, 24/6, báo Tiền Phong phối hợp Tổng cục Giáo dục Nghề nghiệp (Bộ LĐ-TB&XH) tổ chức Toạ đàm trực tuyến với chủ đề: Điều kiện để mở cánh cửa trường nghề.

Buổi Toạ đàm xoay quanh các điều kiện để học sinh cấp 2, 3 có thể tham gia ứng tuyển, nộp hồ sơ, chọn trường để theo học cao đẳng, hoặc trung cấp nghề, như về bằng cấp, lý lịch, thủ tục, thời gian ứng tuyển, chi phí; những thay đổi của mùa tuyển sinh năm nay so với các năm trước trong bối cảnh ảnh hưởng bởi dịch COVID-19; chương trình 9+...

TỌA ĐÀM TRỰC TUYẾN: Điều kiện để mở cánh cửa trường nghề ảnh 1

Toạ đàm cũng nhằm cung cấp thêm thông tin về thị trường lao động tương lai, những ngành nghề, cơ hội việc làm, thu nhập, cơ hội học tập nâng cao bằng cấp… Thực tế việc liên kết giữa trường nghề và doanh nghiệp trong tuyển sinh, đào tạo, giới thiệu việc làm sau ra trường…

Các khách mời tham gia tọa đàm:

- Ông Đỗ Văn Giang - Phó Vụ trưởng Vụ Đào tạo chính quy (Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp, Bộ LĐ-TB&XH).

- Tiến sĩ Lương Tâm Uyên - Phó Hiệu trưởng Trường Cao đẳng Y Dược Pasteur.

- Ông Khuất Huy Bằng, Hiệu trưởng Trường Trung cấp nghề Tổng hợp Hà Nội.

Tọa đàm điều kiện để mở cánh cửa trường nghề

Nhấn F5 để cập nhật nội dung mới nhất

24/06/2020 08:57

Ngay đầu năm 2020, dịch bệnh COVID-19 bùng phát đã làm xáo trộn mọi mặt đời sống kinh tế - xã hội, trong đó có giáo dục, khi chương trình học của các em học sinh phải thay đổi, kéo theo các hoạt động định hướng nghề nghiệp, tuyển sinh của các cơ sở giáo dục nghề nghiệp phải thay đổi theo, đặc biệt ở hệ trung cấp và cao đẳng.

Bên cạnh khó khăn cũng có thuận lợi, đó là từ 1/7 tới, với Luật Giao dục sửa đổi có hiệu lực, chương trình đào tạo 9+ chính thức được luật hoá. Mới đây, Thủ tướng cũng ban hành Chỉ thị 24 về đẩy mạnh phát triển nhân lực có kỹ năng nghề, góp phần nâng cao năng suất lao động và tăng năng lực cạnh tranh quốc gia trong tình hình mới. Chỉ thị 24 có giao các bộ ngành nghiên cứu tổ chức đào tạo trình độ cao đẳng cho học sinh tốt nghiệp lớp 9, thay vì học sinh hết lớp 9 chỉ được học trình độ Trung cấp, sau đó mới liên thông lên cao đẳng, đại học như hiện hành. Đây hứa hẹn sẽ mở ra nhiều cơ hội cho người học và các trường trung cấp, cao đẳng nghề.

24/06/2020 09:00

TỌA ĐÀM TRỰC TUYẾN: Điều kiện để mở cánh cửa trường nghề ảnh 2 Nhà báo Phùng Công Sưởng - Phó Tổng Biên tập Báo Tiền Phong
Nhà báo Phùng Công Sưởng - Phó Tổng Biên tập Báo Tiền Phong phát biểu tại Tọa đàm:

"Kính thưa các khách mời dự tọa đàm hôm nay,

Trước tiên, cho phép tôi gửi tới các khách mời lời chào trân trọng, cảm ơn các khách mời đã tới dự và cho ý kiến tại buổi tọa đàm hôm nay do Báo Tiền Phong phối hợp cùng Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp tổ chức.

Thưa các khách mời cùng bạn đọc báo Tiền Phong.

Giáo dục nghề nghiệp ngày càng khẳng định vị trí quan trọng trong hệ thống giáo dục quốc dân, đào tạo ra những người lao động có tay nghề cao phục vụ phát triển kinh tế đất nước.

Dù tâm lý xã hội đã có nhiều thay đổi, quan tâm hơn tới học nghề, nhưng vẫn còn nhiều người, đặc biệt các bậc phụ huynh chỉ xem học trung cấp, cao đẳng nghề là lựa chọn thứ yêu sau đại học. Trong khi, tình trạng thừa thầy thiếu thợ vẫn xảy ra, cử nhân thất nghiệp vẫn còn nhiều, việc tuyên truyền để thay đổi nhận thức, phân luồng học sinh, định hướng các em, và đặc biệt là các bậc phụ huynh quan tâm hơn tới học nghề là một trong những giải pháp để giáo dục thực sự đáp ứng đúng nhu cầu thị trường lao động. Qua đó tận dụng nguồn lực con người cho phát triển đát nước.

Thưa quý vị,

Dịch COVID-19 đã tác động lớn lên mọi mặt đời sống kinh tế - xã hội, giáo dục đất nước. Các trường, trong đó có trung cấp, cao đẳng nghề đối mặt với không ít khó khăn, đặc biệt trong công tác tư vấn và tuyển sinh cho năm học mới.

Do đó, báo Tiền Phong phối hợp cùng Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp tổ chức buổi tọa đàm hôm nay, với mục tiêu chia sẻ cùng khó khăn các trường trung cấp, cao đẳng nghề. Đồng thời, qua tọa đàm để cung cấp thêm thông tin tới học sinh, các bậc phụ huynh và đông đảo bạn đọc báo Tiền Phong về vai trò của giáo dục nghề nghiệp, các thông tin về tuyển sinh, việc học tập, cơ hội việc làm, nâng cao bằng cấp sau khi ra trường...

Xin trân trọng cảm ơn các khách mời đã tới tham dự và cho ý kiến tại buổi tọa đàm hôm nay, cảm ơn Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp đã cùng đồng hành với Báo Tiền Phong.

Cuối cùng, kính chúc các khách mời sức khỏe, thành công, chúc buổi tọa đàm của chúng ta thành công tốt đẹp.

Xin trân trọng cảm ơn!

24/06/2020 09:16

TỌA ĐÀM TRỰC TUYẾN: Điều kiện để mở cánh cửa trường nghề ảnh 3 Nhà báo Phùng Công Sưởng - Phó Tổng Biên tập Báo Tiền Phong trao hoa cho các khách mời

24/06/2020 09:23

- Câu hỏi dành cho TS Lương Tâm Uyên - Phó Hiệu trưởng Trường Cao đẳng Y Dược Pasteur: Thực tế với nhà trường, khó khăn do dịch COVID-19 gây ra trong việc dạy và học, cũng như tuyển sinh ra sao, thưa bà? Tới nay, việc tuyển sinh đã được trường thực hiện ra sao, có đổi mới gì để tạo thuận lợi cho học sinh ứng tuyển vào trường?

TS Lương Tâm Uyên - Phó Hiệu trưởng Trường Cao đẳng Y Dược Pasteur
: Đại dịch COVID-19 ảnh hưởng tới đời sống kinh tế của toàn thế giới cũng như Việt Nam. Tuy nhiên, Đảng và Chính phủ có những chỉ đạo tối ưu nhằm hạn chế ảnh hưởng của dịch bệnh này.

TỌA ĐÀM TRỰC TUYẾN: Điều kiện để mở cánh cửa trường nghề ảnh 4 Tiến sĩ Lương Tâm Uyên - Phó Hiệu trưởng Trường Cao đẳng Y Dược Pasteur.
Hiện nay, công tác tuyển sinh ở trường nghề thực sự khó khăn. Do tác động tâm lý từ các bậc phụ huynh và học sinh muốn theo học ở các trường Đại học, Cao đẳng chính quy và không quan tâm nhiều tới các trường nghề.

Do ảnh hưởng của COVID-19 chúng tôi có thay đổi phương thức tuyển sinh là tuyển sinh trực tuyến.

So với mọi năm, việc tuyển sinh hạn chế hơn.

24/06/2020 09:26

- Với trường trung cấp, thưa ông Khuất Huy Bằng- Hiệu trưởng Trường Trung cấp nghề Tổng hợp Hà Nội, dịch bệnh đã ảnh hưởng ra sao tới công tác tuyển sinh của trường, tới nay đã gần hết thời gian nhận hồ sơ tuyển sinh đợt 1, kết quả thế nào thưa ông?

Ông Khuất Huy Bằng- Hiệu trưởng Trường Trung cấp nghề Tổng hợp Hà Nội trả lời:


Dịch COVID-19 ảnh hưởng đến các nước và Việt Nam không ngoại lệ. Trong 2-3 tháng ảnh hưởng đến toàn các ngành.

Công tác tuyển sinh thì phương pháp truyền thống rất khó làm. Việc đến các trường tuyên truyền hướng nghiệp tuyển sinh không thể thực hiện được. Các trường nghề sử dụng qua trực tuyến, zalo, qua thông tin đại chúng,… để đến được với học sinh. Tuyển sinh nghề càng phải tuyên truyền tốt.

Hướng đi ngắn và tiết kiệm được thời gian và đảm bảo bằng cấp là học cấp 2 xong học nghề tiếp luôn được.

TỌA ĐÀM TRỰC TUYẾN: Điều kiện để mở cánh cửa trường nghề ảnh 5 Ông Khuất Huy Bằng- Hiệu trưởng Trường Trung cấp nghề Tổng hợp Hà Nội
Năm nay, công tác tuyển sinh bị đẩy lùi toàn bộ. Năm ngoái thì chúng tôi đã hoàn thành công tác tuyển sinh năm nay chỉ mới hoàn thành hơn 50% chỉ tiêu với đối tượng tuyển sinh là học sinh hết cấp 2.

Dựa vào thực tế, khảo sát, qua tuyên truyền thì chúng tôi đánh giá công tác tuyển sinh năm nay khả quan hơn.

Năm nay, chúng tôi không tổ chức được chương trình gắn kết nghề nghiệp nhưng đã tổ chức được các buổi trực tuyến về nghề nghiệp để các trường cũng như học sinh nắm được.

24/06/2020 09:33

- Thưa ông Đỗ Văn Giang - Phó Vụ trưởng Vụ Đào tạo chính quy, dịch COVID-19 đã ảnh hưởng như thế nào đến công tác tuyển sinh các trường cao đẳng, trung cấp nghề năm nay? Ông có thể cho biết một số giải pháp của Bộ LĐ-TB&XH và Tổng cục để chia sẻ khó khăn, tạo điều kiện cho các trường, người học trong đào tạo và tuyển sinh?

Ông Đỗ Văn Giang - Phó Vụ trưởng Vụ Đào tạo chính quy, Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp
:
Dịch COVID-19 như mọi người biết rằng ảnh hưởng nghiêm trọng trên toàn thế giới. Ở Việt Nam xác định là đại dịch. Nhưng chúng ta có chỉ đạo kịp thời đến người dân địa phương, đến thời điểm này gần như dập dịch, đặc biệt với sự xuất hiện chiến sĩ áo trắng trong đời sống xã hội. Vì thế, đại dịch cũng tác động đến người thầy trên lĩnh vực giáo dục nghề nghiệp khiến chúng tôi thay đổi rất nhiều trong đại dịch vừa rồi.

TỌA ĐÀM TRỰC TUYẾN: Điều kiện để mở cánh cửa trường nghề ảnh 6 Ông Đỗ Văn Giang - Phó Vụ trưởng Vụ Đào tạo chính quy (Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp, Bộ LĐ-TB&XH)
Riêng trong lĩnh vực nghề nghiệp, Bộ LĐTB&XH đã nắm bắt rất nhanh chỉ đạo của Chính phủ, tổng cục có bộ phận thường trực, cập nhật tình hình về đại dịch này.

Ảnh hưởng của dịch COVID-19 rõ ràng rất nghiêm trọng. Công tác tuyển sinh đều bị ảnh hưởng bởi học sinh tạm thời không được đến trường. Đối với đào tạo nghề nghiệp, các trường phải tư vấn, đến các trường THCS, THPT thậm chí đến từng nhà nhưng vì dịch không thể đến được. Vì thế, các trường không thể thực hiện được theo kế hoạch.

Hàng năm, chúng tôi thường tổ chức công tác tuyển sinh với các báo đài từ đầu năm xem có gì mới không nhưng tháng 2,3 năm nay đều bị gãy kế hoạch.

Các trường cũng bị hẫng hụt vì nhiều trường bị ảnh hưởng do giãn cách xã hội, thậm chí sau đó học sinh bỏ trường bỏ lớp luôn. Chất lượng đào tạo cũng bị ảnh hưởng.

Điều mà các trường làm được là thông qua các giải pháp, đưa ra các văn bản kịp thời đến các trường và địa phương. Bản thân bộ LĐTB&XH có nghị định 42 cùng với gói hỗ trợ của Chính phủ có gói hỗ trợ đến học sinh, sinh viên các vùng khó khăn.

Về chuyên môn chúng tôi có ý tưởng học online từ mấy năm trước thì đúng năm nay lại thực hiện được. Tự nhiên, vì dịch mà tạo được cú hích, ra được văn bản học trực tuyến ở thời điểm này. Chúng tôi quy định rõ hướng dẫn là chọn cái gì học online, từ đó không ảnh hưởng tiến độ, thay đổi “chất” của giáo viên,…

Bên giáo dục nghề nghiệp ra văn bản khi đào tạo học online thì còn là văn bản để công nhận kết quả online thế nào. Điều này, các trường đều vận dụng rất tốt.

Ngoài ra, chúng tôi ra văn bản hướng dẫn các trường tuyển sinh trực tuyến. Các trường đầu tư tuyển sinh online, trực tuyến luôn. Về phía Bộ LĐTB&XH đó là sự kịp thời trong chỉ đạo cũng như thực hiện.

24/06/2020 09:37

- Xin cho biết sự chuyển mình của đào tạo nghề thời gian qua, đặc biệt với trình độ trung cấp, cao đẳng để đáp ứng tốt hơn nhu cầu người học và thị trường lao động?

Ông Đỗ Văn Giang- Phó Vụ trưởng Vụ Đào tạo chính quy, Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp
: Qua thách thức chúng ta cũng nhìn thấy cơ hội của trường nghề. Tôi đi một số tỉnh về thấy rằng các trường đạt 50% chỉ tiêu tuyển sinh trong năm nay.

Có thể thấy, sự chuyển mình của đào tạo nghề thời gian qua có nhiều tín hiệu đáng mừng. Tỉ lệ học sinh ra trường có việc làm từ hệ trung cấp tới đại học đạt khoảng trên 80%. Một số ngành nghề cung không đủ cầu như sửa chữa ô tô, điện tử điện lạnh…

TỌA ĐÀM TRỰC TUYẾN: Điều kiện để mở cánh cửa trường nghề ảnh 7 Ông Đỗ Văn Giang- Phó Vụ trưởng Vụ Đào tạo chính quy, Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp trao đổi trong buổi tọa đàm
Bên cạnh đó, công tác tuyên truyền được quan tâm hơn, nâng cao chất lượng hơn bên cạnh việc phối hợp với các cơ quan báo chí, truyền thông. Một điểm nhấn nữa là việc gắn kết với các doanh nghiệp rất ổn. Chúng tôi ra các văn bản liên kết với doanh nghiệp, trong khi đó các trường chủ động tạo mối quan hệ với doanh nghiệp. Cho phép doanh nghiệp vào giảng dạy cũng như hướng dẫn tác phong, nâng cao tay nghề…

Ngoài ra, tỉ lệ tốt nghiệp hiện nay phần nào giải quyết nút thắt “thừa thầy thiếu thợ” để toàn xã hội nhìn vào thực tế và có những lựa chọn đúng đắn.

24/06/2020 09:39

- Về tuyển sinh năm nay, với học sinh có ý định theo ngành y, dược, theo bà cần chuẩn bị những gì? Kinh phí học là bao nhiêu?

TS Lương Tâm Uyên - Phó Hiệu trưởng Trường Cao đẳng Y Dược Pasteur trả lời
:
Đối với ngành Y, dược đòi hỏi chuyên môn sâu, kiến thức, kĩ năng nghề chăm sóc sức khỏe, nếu sai sót sẽ gây ra hậu quả khôn lường. Với ngành Y dược, số thí sinh muốn theo ngành này tương đối nhiều hơn với ngành khác nhưng để đảm bảo kiến thức tối thiểu thì các em phải yêu ngành, yêu nghề. Với lực học trung bình, tốt nghiệp THPT có thể theo học được rồi tuy nhiên cần phải chăm chỉ, cần mẫn hơn. Chúng tôi ưu tiên học sinh khá, giỏi đăng ký học ngành này bằng cách có chế độ học bổng để thu hút học sinh giỏi đến với nghề Y, dược.

TỌA ĐÀM TRỰC TUYẾN: Điều kiện để mở cánh cửa trường nghề ảnh 8 TS Lương Tâm Uyên - Phó Hiệu trưởng Trường Cao đẳng Y Dược Pasteur 
Nhìn chung học nghề ngành này thì học phí có nhỉnh hơn các ngành khác vì thực tế ở đây phần thực hành phải tốt hơn ngành nghề khác mới có kĩ năng hành nghề. Đối với ngành nghề này học phí theo quy định nhưng có thu thêm, vẫn nằm trong quy định nhưng cố gắng thấp nhất để có thể theo học được.

24/06/2020 09:42

- Với người theo học trung cấp, cần những điều kiện gì thưa ông? Và các em có thể lựa chọn những ngành nào để học?

Ông Khuất Huy Bằng
: Đối với điều kiện có thông tư 05-2017 và thông tư 07-2019, tốt nghiệp các trường THCS trở lên và đủ sức khoẻ theo quy định. Khi các em học tại các trường thì dựa vào năng lực, đam mê. Đam mê là yếu tố rất quan trọng. Nếu các em chọn được ngành nghề mình đam mê thì các em chắc chắn sẽ thành công.

TỌA ĐÀM TRỰC TUYẾN: Điều kiện để mở cánh cửa trường nghề ảnh 9 Ông Khuất Huy Bằng, Hiệu trưởng Trường Trung cấp nghề Tổng hợp Hà Nội trao đổi trong buổi tọa đàm
Trường Trung cấp nghề Tổng hợp Hà Nội đào tạo theo 2 nhóm nghề chính. 

Nhóm thứ nhất gồm các ngành nghề: Kĩ thuật sơn mài, điêu khắc gỗ, mây tre đan… Với nhóm nghề này, chúng tôi hi vọng gìn giữ và phát triển được các ngành nghề truyền thống. Chúng tôi mong muốn Bộ LĐ-TB&XH và TP Hà Nội quan tâm để tiếp tục xây dựng và gìn giữ để các ngành nghề này không bị mai một theo thời gian.

Khối thứ hai là khối công nghiệp với các ngành nghề như: Điện công nghiệp, cơ khí, tin học văn phòng… Hiện tại, xã hội đang thiếu lao động trong nhóm nghề này, đặc biệt là lao động có tay nghề.

Như chúng ta đã biết, lao động có tay nghề có nhiều ưu thế hơn lao động phổ thông như được chi trả mức lương cao hơn, công việc ổn định hơn. Tôi hi vọng thời gian tới các bậc phụ huynh và học sinh nhận thức rõ được vấn đề này.

24/06/2020 09:58

- Luật Giáo dục sửa đổi đã quy định về đào tạo 9+, có hiệu lực từ ngày 1/7 tới, ông có thể cho biết cụ thể hơn về chương trình này, điều kiện tuyển sinh, chương trình học, làm việc cũng như học tập sau khi ra trường?

Ông Đỗ Văn Giang - Phó Vụ trưởng Vụ Đào tạo chính quy, Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp trả lời
:

Luật Giáo dục năm 2019 đã được quốc hội thông qua rõ ràng quy định về đào tạo 9+ thì đó là điều đáng quý. Nó xuất phát từ thực tế thì Bộ mới đề xuất với Chính Phủ. Đó là hướng mở để chính thức đưa vào để người dân yên tâm con đường học nghề cho ổn.

Cụ thể hơn về chương trình này, chương trình được gọi tắt là 9+ là chương trình đào tạo song hành, lý thuyết và học nghề cùng trong nhà trường với nhau, để người học được tiếp cận với kiến thức và kĩ năng. Kết thúc năm học đó cao nhất là có bằng cao đẳng và thấp nhất là trung cấp và công nhận tốt nghiệp để học cao hơn nữa.

TỌA ĐÀM TRỰC TUYẾN: Điều kiện để mở cánh cửa trường nghề ảnh 10 Ông Đỗ Văn Giang
Mô hình này được áp dụng từ thập kỉ 80 nhưng sau đó một số trường lại để trôi đi. Khi luật giáo dục nghề nghiệp ra đời thì nó lại được các trường áp dụng. Ở thế giới, mô hình ở Nhật rất hiệu quả, ở Đức, Úc đều làm từ lâu rồi. Bản thân theo mô hình của Nhật đã áp dụng ở Việt Nam. Bản chất của nó là đào tạo các thí sinh rất có năng khiếu, tinh hoa nhưng khi áp dụng ở Việt Nam thì lại đào tạo “rộng” hơn.

Điều kiện tuyển sinh đã được luật hóa thông tư 07. Việc đăng ký học rất dễ qua các trang thông tin của các trường, trang web của Bộ,…

Chúng tôi đã đón đầu được chỉ thị 24 đã nghiên cứu để học sinh lớp 9 có thể học thẳng lên cao đẳng, hướng mở này hứa hẹn sẽ có thay đổi cho dạy và học trung cấp, cao đẳng nghề ở Việt Nam.

Nếu các em muốn tốt nghiệp THCS học xong ra có bằng Cao đẳng thì tối đa 5 năm. Chương trình đào tạo các trường được xây dựng hết sức linh hoạt.

Về việc làm, các em hoàn toàn yên tâm vì học xong các em sẽ có kiến thức thực tế, tiếp cận trong giao tiếp, kỹ năng mềm. Vì thế, các em hoàn toàn có thể đáp ứng được việc làm theo yêu cầu doanh nghiệp.

- Vừa qua với Chỉ thị 24, Thủ tướng đã giao các bộ ngành nghiên cứu để học sinh lớp 9 có thể học thẳng lên cao đẳng, hướng mở này hứa hẹn sẽ có thay đổi gì cho dạy và học trung cấp, cao đẳng nghề thời gian tới. Liệu có khả thi không, thưa ông?

Ông Đỗ Văn Giang - Phó Vụ trưởng Vụ Đào tạo chính quy, Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp trả lời
: Tôi khẳng định nó rất khả thi. Vì thực tế đã biết và đã được Luật hóa rồi.

24/06/2020 10:00

- Hiện các trường trung cấp, cao đẳng đang đẩy mạnh tuyển sinh và đạo tạo hệ 9+, người học được lợi gì từ chương trình này so với các chương trình đào tạo khác?

Ông Khuất Huy Bằng
: Ưu điểm của chương trình đào tạo hệ 9+ có kết quả rất tốt. Thực tế, học sinh hết lớp 9 vào học sẽ được rút ngắn thời gian, ra trường sớm hơn và cơ hội việc làm tốt hơn. Thứ hai, về phần kinh tế thì chúng ta được miễn học phí với các học sinh hết THCS, kinh phí học tập được ưu ái. Trong khi đó, chúng ta được ra trường sớm hơn để đóng góp vào nền kinh tế sớm hơn.

TỌA ĐÀM TRỰC TUYẾN: Điều kiện để mở cánh cửa trường nghề ảnh 11 Ông Khuất Huy Bằng
- Đào tạo nghề cho học sinh hoàn thành chương trình lớp 9 khó khăn nhất là gì thưa ông? Với lứa tuổi này đa số các em chưa tới tuổi lao động, liệu đây có phải trở ngại cho các em có việc làm sau khi ra trường?

Ông Khuất Huy Bằng
: Đúng là có khó khăn vì tâm lý của phụ huynh học sinh ngại con em mình còn nhỏ quá. Chính vì vậy, chúng ta cần tuyên truyền đúng đắn để các phụ huynh, học sinh hiểu rõ hơn. Sau khi tốt nghiệp THCS là các em đã 15 tuổi và sau khi tốt nghiệp hệ 9+ là các em đã đủ 18 tuổi và hoàn toàn đủ tuổi lao động.

Thực tế là một số em học sinh học văn hoá không tốt nhưng học nghề rất tốt. Các nhà trường có điều chỉnh phù hợp đó là 80% thực hành và 20% lý thuyết. Song song với đó, việc đào tạo văn hoá được thực hiện bên cạnh việc học nghề.

24/06/2020 10:01

- Trong bối cảnh tâm lý nhiều người còn nặng về bằng cấp, thực tế như sinh viên theo học trường cao đẳng y dược cơ hội nâng cao bằng cấp thế nào, trường có chính sách gì hỗ trợ người học?

TS Lương Tâm Uyên - Phó Hiệu trưởng Trường Cao đẳng Y Dược Pasteur trả lời
:
Đào tạo nghề cho học sinh THCS, đối với bậc này cánh cửa rộng mở cho các em. Nhưng làm sao định hướng nghề nghiệp cho các em ngay từ cấp THCS. Hiện nay, các ngày hội tuyển sinh ở các trường THPT chứ đâu tổ chức ở các trường THCS. Vì thế, cần làm ngày hội tuyển sinh với các trường THCS. Làm sao để phụ huynh và học sinh được định hướng là việc học nghề theo chương trình này cơ hội bằng cấp của các em là như nhau, các em được dự tuyển, thi tuyển vào cơ quan bằng cấp như nhau.

Ngành Y, dược đi học từ chương trình 9+ thì vẫn có thể đi học lên tiếp. Việc tuyển sinh theo chương trình 9+ của trường tôi là chưa tuyển sinh học sinh tốt nghiệp THCS. Năm nay, hy vọng có thể tuyển sinh được ở đối tượng này. Cần tuyên truyền sâu rộng chương trình này đến phụ huynh, học sinh sớm hơn nữa.

24/06/2020 10:09

- Theo ông, những ngành nghề nào hiện nay được xem là đang thiếu lao động có tay nghề, là cơ hội cho người học trung cấp, cao đẳng sau khi tốt nghiệp?

Ông Đỗ Văn Giang
: Chúng ta đang phấn đấu nâng cao tỉ lệ lao động qua đào tạo. Quan điểm của tôi là chỗ nào cũng đang cần và chỗ nào cũng đang thiếu. Các em học ngành nào cũng được, miễn là các em có đam mê thì sẽ thành công. Các nghề nặng nhọc, độc hại như khai thác than đang có sự ưu tiên tuyệt đối nhưng vẫn đang thiếu và rất ít học sinh theo học. Hoặc những ngành logictics, công nghệ cao, công nghệ sinh học… cũng thiếu chỉ tiêu đầu vào. Tôi có lời khuyên là các em cứ mạnh dạn đăng kí và thử sức nếu các em yêu thích.

24/06/2020 10:10

- Theo ông, với trình độ trung cấp, những nhóm ngành nghề nào thị trường sẽ có nhu cầu lớn, với thu nhập tốt trong tương lai mà người học nghề có thể nghiên cứu lựa chọn? Kể cả vơ hội làm việc ở nước ngoài?

Ông Khuất Huy Bằng, Hiệu trưởng Trường Trung cấp nghề Tổng hợp Hà Nội.
Đối với lựa chọn ngành nghề cho các em học sinh thì số lượng ngành nghề đa dạng, thuộc lĩnh vực khác nhau thì trước hết lựa chọn ngành nghề thì phariu lựa chọn vào nhu cầu thực tế của xã hội.

Thứ hai, năng lực đam mê của từng học sinh, sinh viên.

Chúng tôi có gợi ý với các em khi đang lựa chọn nghề nghiệp là các bạn nam có thể lựa chọn ngành nghề cơ khí mà nhà nước đang khát; điện, tự động hóa. Nữ lựa chọn các nghề may mặc thời trang, nấu ăn, nghiệp vụ nhà hàng... những ngành nghề mà xã hội đang cần.

Các bạn chọn ngành nghề mà các bạn tâm huyết, có kĩ năng tốt thì ra trường với mức lương 12-15 triệu không phải khó. Trường nhận được nhiều doanh nghiệp xin học sinh sau tốt nghiệp mà có tay nghề tốt.

24/06/2020 10:10

- Cơ hội việc làm với người học y dược thì sao, thưa bà, ngành nghề nào đang hot trong và ngoài nước?

TS Lương Tâm Uyên
: Theo thống kê lĩnh vực y, dược, chăm sóc sức khoẻ con người vẫn đang thiếu rất nhiều. Đặc biệt là trong bối cảnh dịch bệnh hiện nay thì cơ hội việc làm cho các em rất lớn. Ngoài ra những ngành đi xuất khẩu lao động như điều dưỡng chẳng hạn thì đang rộng cửa. Ngoài kĩ năng nghề nghiệp thì chúng tôi chú trọng việc giảng dạy ngoại ngữ để giúp các em có điều kiện làm việc ở nước ngoài.

24/06/2020 10:22

- Liên kết nhà trường và doanh nghiệp đang là xu hướng hiện nay, tạo lợi thế cho các trường nghề, ông có thể đánh giá lợi ích của liên kết này với nhà trường, người học và doanh nghiệp?

Ông Đỗ Văn Giang
: Tôi khẳng định liên kết nhà trường, người học và doanh nghiệp là khâu đột phá. Trước kia, các trường tự mày mò. Nhưng giờ việc liên kết này đã được luật hóa. Hàng năm có kế hoạch phối hợp với các doanh nghiệp lớn ở cấp quản lý nhà nước. Kể cả người thầy, bây giờ, ít nhất 4 tuần phải sản xuất ở doanh nghiệp.

Có những trường cao đẳng chúng tôi được biết có chương trình kết nối đến hàng nghìn doanh nghiệp. Có trường kết nối với doanh nghiệp đến tận 2025 mà cách tổ chức đào tạo, kí kết rất chặt chẽ. Điều này cần được quan tâm và mong tiếp tục được hưởng ứng.
TỌA ĐÀM TRỰC TUYẾN: Điều kiện để mở cánh cửa trường nghề ảnh 12 Ông Đỗ Văn Giang
Với người học, dù bất kể đối tượng nào được xuống doanh nghiệp là được trải nghiệm sẽ rèn luyện bản lĩnh người thợ, các kĩ năng mềm, biết quan sát thực tế. Điều này người học được rất nhiều lợi ích.

Về phía nhà trường cũng được nhiều lợi ích. Nhiều trường có máy móc từ doanh nghiệp. Đó là lợi ích 2 bên.

Doanh nghiệp kết nối theo đơn đặt hàng, các doanh nghiệp không tốn tiền đào tạo nhân lực theo ý mình và không phải đào tạo nữa. Điều này tạo các cú hích trong đào tạo, để cùng nhau win-win.

24/06/2020 10:25

- Thực tế với trường Cao đẳng Y Dược Pasteur hoạt động liên kết này được triển khai thế nào? Bà đánh giá sao về lợi ích của liên kết đó mang lại cho các bên, đặc biệt với người học cả trên ghế nhà trường và sau khi tốt nghiệp?

TỌA ĐÀM TRỰC TUYẾN: Điều kiện để mở cánh cửa trường nghề ảnh 13 TS Lương Tâm Uyên
TS Lương Tâm Uyên: Việc liên kết mang lợi ích cho hai bên. Nếu không liên kết thì không đảm bảo chất lượng. Lợi ích từ việc liên kết chính là xây dựng chương trình đào tạo, giảng viên, cơ sở vật chất… Đối với ngành y, dược chỉ 20% là lý thuyết còn lại là thực hành. Phần thực hành chúng tôi phối hợp với các bệnh viện, công ty thuốc để sinh viên có điều kiện học hỏi, thực tập.

24/06/2020 10:26

- Trong quá trình liên kết với DN, học sinh, sinh viên học trung cấp, cao đẳng có thời gian thực tập, thực hành tại DN, vậy họ có được trả lương cho công việc đó? Điều này được quy định thế nào?

Ông Đỗ Văn Giang
: Thực tế trong quá trình liên kết, trách nhiệm thoả thuận do chính bản thân cơ sở đào tạo và doanh nghiệp tự điều chỉnh. Theo tôi được biết, hầu hết các học sinh, sinh viên có thời gian thực tập, thực hành tại DN có được trả lương.

TS Lương Tâm Uyên: Theo đặc thù của ngành nghề y, dược, các em muốn cống hiến và muốn được học hỏi nên việc yêu cầu trả lương là không có.

Ông Khuất Huy Bằng: Đối với nhà trường chủ yếu các ngành nghề kĩ thuật. Không có một mức cụ thể nhưng tất cả học sinh, sinh viên khi đi thực tập tại doanh nghiệp đều có lương. Tuy nhiên, mức lương không thể bằng những học sinh, sinh viên đã ra trường nhưng nó khuyến khích các em yêu nghề hơn. Có em có thể đạt 150.000 đồng một ngày.

24/06/2020 10:38

- Xin gửi câu hỏi tới ba khách mời: Trong quá trình liên kết với DN, học sinh, sinh viên học trung cấp, cao đẳng có thời gian thực tập, thực hành tại DN, vậy họ có được trả lương cho công việc đó? Điều này được quy định thế nào?

Có không ít người lao động sau khi DN tuyển dụng phải đào tạo lại, kể cả họ đã có bằng cấp, vậy việc kiểm soát chất lượng của người học được tổng cục và các trường thực hiện ra sao?

Ông Đỗ Văn Giang - Phó Vụ trưởng Vụ Đào tạo chính quy (Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp, Bộ LĐ-TB&XH):

Vào thời kì bao cấp, khi tốt nghiệp ra vào làm nhà nước thì phải thực tập 2 năm sau mới vào làm chính thức. Việc có kiến thức trong nhà trường và kĩ năng khi đi làm việc luôn có khoảng cách. Việc kiến thức kĩ năng được học tập nhà trường thì chỉ là ban đầu còn việc trải nghiệm kĩ năng ở vị trí việc làm sau này mới là quan trọng. Chính vì khoảng cách đó nên việc nói đào tạo lại là bình thường. Xã hội và người dân đừng coi đó là do các trường đào tạo không tốt.

Mỗi người sau khi học ở trình độ nào thì thương hiệu là do chính ta.

Việc kiểm soát chất lượng của Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp, Bộ LĐ-TB&XH có bộ phận chức năng thực hiện. Tuy nhiên, kiểm định chất lượng quan trọng nhất là ở các nhà trường. Đây là việc các nhà trường phải làm thường xuyên, liên tục.

- Tiến sĩ Lương Tâm Uyên - Phó Hiệu trưởng Trường Cao đẳng Y Dược Pasteur:
Trường nào cũng phải chú trọng để đảm bảo chất lượng vì không các trường sẽ bị giảm uy tín.

Cụ thể, về chương trình đảm bảo thực hiện theo thông tư, hướng dẫn của Bộ, chuẩn đầu ra cũng phải chuẩn đầu ra của ngành chăm sóc sức khỏe. Việc đảm bảo chất lượng nhà trường luôn phải chú trọng, liên tục cập nhật, các hội thảo về công tác giảng dạy, tuyển sinh,… ngày càng cần được nâng cấp dần lên.

Ông Khuất Huy Bằng, Hiệu trưởng Trường Trung cấp nghề Tổng hợp Hà Nội:
Việc đảm bảo chất lượng là thương hiệu của nhà trường. Với bất kì trường nào phải xây dựng thương hiệu để phát triển bền vững. Đối với các trường trung cấp xây dựng chuẩn đầu ra, sau đó xây dựng chương trình, hàng năm rà soát lại để đáp ứng với người học một cách tốt nhất. Nếu chúng ta quảng cáo rất hay nhưng nếu chỉ 1 học sinh ra trường phải đào tạo lại, không đáp áp ứng được yêu cầu của doanh nghiệp thì nhà trường sẽ mất thương hiệu ngay.

24/06/2020 10:39

- Ông có lời khuyên gì cho các bậc phụ huynh, học sinh đang chuẩn bị kết thúc năm học lớp 9 và lớp 12 hiện nay về lựa chọn ngành nghề học và nghề nghiệp tương lai? Cần chuẩn bị gì trước ngưỡng cửa tương lai?

Ông Đỗ Văn Giang: Các vị phụ huynh, học sinh hãy quan tâm tới con em mình về mặt sức khoẻ để chuẩn bị kết thúc năm học. Các em học sinh hợp tác với bố mẹ để sẵn sàng cho kì thi sắp tới.

TỌA ĐÀM TRỰC TUYẾN: Điều kiện để mở cánh cửa trường nghề ảnh 14 Ông Đỗ Văn Giang

Cho tới thời điểm này thì nhiều gia đình đã có lựa chọn cho con em mình rồi nhưng hãy để các em được chọn theo học các ngành nghề mà các em đam mê. Phụ huynh hãy dạy con em mình tính tự lập, tự giác để tích luỹ kiến thức cũng như kĩ năng mềm chuẩn bị bước vào một ngưỡng cửa mới.

Cùng câu hỏi trên, bà Uyên có lưu ý gì với các em học sinh và bậc phụ huynh? Với trường bà, bà có cam kết gì với người học?

TS Lương Tâm Uyên: Chúng tôi cam kết đầu ra đạt chuẩn. Chúng tôi bổ sung thêm cho các em kĩ năng mềm đáp ứng được yêu cầu công việc sau khi ra trường.

Tôi có lời khuyên, các phụ huynh hãy định hướng cho các em từ khi còn nhỏ, từ bậc THCS. Các em có thể học nghề từ sau khi tốt nghiệp THCS. Hoặc sau khi tốt nghiệp THPT, các em có thể nhận thức và đi theo lựa chọn của mình. Đặc biệt là các em học sinh ở vùng nông thôn, vùng sâu vùng xa, tránh suy nghĩ áp đặt bắt buộc phải vào đại học.

Ông Khuất Huy Bằng: Nhà trường cam kết đảm bảo chương trình đào tạo bài bản nhất, thực hành trên 80%. Chúng tôi liên kết chặt chẽ với doanh nghiệp để các em có thể được hướng dẫn và nâng cao tay nghề. Bên cạnh đó, chúng tôi chú trọng các hoạt động thể dục, thể thao, văn hoá, văn nghệ. Cam kết 100% giới thiệu việc làm cho các em sau khi ra trường. Ngoài ra, cơ hội liên thông lên cao đẳng, đại học cũng rất rộng mở.

Tôi có lời khuyên là có rất nhiều con đường đi tới thành công nên hãy lựa chọn con đường ngắn và phù hợp nhất.

24/06/2020 10:49

Xin chân thành cảm ơn các vị khách mời đã có mặt tham dự và tham gia ý kiến tại buổi tọa đàm hôm nay, nhằm cung cấp thêm thông tin tới độc giả báo Tiền Phong một cách chính xác, đầy đủ nhất về tuyển sinh và đào tạo trung cấp, cao đẳng nghề hiện nay. Hy vọng, những thông tin tại buổi tọa đàm này sẽ giúp các bậc phụ huynh và học sinh có thêm thông tin để có thể lựa chọn chính xác nghề nghiệp tương lai cho mình và cho con em mình.

Báo Tiền Phong cũng cảm ơn Tổng cục Giáo dục Nghề nghiệp đã đồng hành cùng báo tổ chức chương trình này và suốt thời gian vừa qua.

Buổi tọa đàm xin được phép kết thúc tại đây.

MỚI - NÓNG
Sương mù bao phủ khắp TPHCM
Sương mù bao phủ khắp TPHCM
TPO - Sáng nay 12/12, người dân TPHCM đón ngày mới trong thời tiết mát mẻ, nắng yếu nhưng sương mù tiếp tục bao phủ nhiều nơi. Tham khảo trên ứng dụng quan trắc không khí Air Visual cho thấy, nhiều khu vực tại TPHCM có điểm đo chất lượng không khí không tốt cho sức khỏe.