Toạ đàm trực tuyến: Để Bảo hiểm xã hội tự nguyện thêm sức hút

Toàn cảnh tạo đàm.
Toàn cảnh tạo đàm.
Để bạn đọc hiểu hơn về chính sách Bảo hiểm xã hội (BHXH) tự nguyện, cũng như đề xuất, gợi ý các giải pháp để loại hình BHXH này thu hút hơn với người lao động phi chính thức, Báo Tiền Phong phối hợp cùng BHXH Việt Nam tổ chức buổi Toạ đàm trực tuyến về BHXH tự nguyện, diễn ra từ 10h ngày 13/11/2020.

Toạ đàm bắt đầu từ 10h00 ngày 13/11/2020, với các khách mời gồm:

- Ông Phạm Minh Huân, nguyên Thứ trưởng Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội.

- Ông Trần Hải Nam, Phó Vụ trưởng Vụ Bảo hiểm Xã hội, Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội.

- Ông Đinh Duy Hùng, Phó Trưởng Ban Quản lý Thu - Sổ - Thẻ, BHXH Việt Nam.

- Ông Trần Chí Trung, Trưởng ban Dịch vụ Tài chính Bưu điện, Tổng Công ty Bưu Điện Việt Nam.

Nội dung buổi toạ đàm được tường thuật trực tiếp trên báo Tiền Phong điện tử, tại địa chỉ: https://www.tienphong.vn

TƯỜNG THUẬT TRỰC TIẾP

- Về phía cơ quan quản lý nhà nước, là đơn vị xây dựng chính sách, theo ông, BHXH tự nguyện giữ vai trò ra sao trong hệ thống an sinh xã hội?

Ông Trần Hải Nam, Phó Vụ trưởng Vụ BHXH – Bộ Lao động, Thương Binh và Xã hội:

Chính sách BHXH tự nguyện được triển khai thực hiện trên cả nước từ ngày 01/01/2008 theo quy định của Luật BHXH 2006. Với sự ra đời của BHXH tự nguyện đã mở ra cơ hội cho mọi người lao động có thể tham gia và thụ hưởng từ chính sách bảo hiểm xã hội, được đảm bảo thu nhập và chăm sóc sức khỏe khi về già.

BHXH tự nguyện cùng với hệ thống chính sách BHXH nói chung đóng vai trò là trụ cột quan trọng của hệ thống ASXH trong nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, góp phần quan trọng thực hiện tiến bộ, công bằng xã hội, bảo đảm ổn định chính trị - xã hội, đời sống nhân dân, phát triển bền vững đất nước.

Với đặc điểm của nước ta là một quốc gia mà tỷ lệ lao động khu vực phi chính thức chiếm đa số, lao động chủ yếu tập trung ở khu vực nông nghiệp, nông thôn; do đó, việc phát triển mở rộng đối tượng tham gia BHXH tự nguyện sẽ góp phần vào mở rộng phạm vi bao phủ của hệ thống chính sách BHXH nói chung; từ đó mở rộng đối tượng được đảm bảo an sinh xã hội của đất nước.

Thực hiện tốt chính sách, từng bước mở rộng vững chắc diện bao phủ BHXH tự nguyện, để cùng với BHXH bắt buộc, hướng tới mục tiêu bảo hiểm xã hội toàn dân theo đúng tinh thần của Nghị quyết số 28-NQ/TW ngày 23/5/2018 của Hội nghị lần thứ bảy Ban Chấp hành Trung ương Khóa XII về cải cách chính sách BHXH.

Thực hiện tốt chính sách BHXH tự nguyện nói riêng và chính sách BHXH nói chung sẽ đóng góp vào việc hiện thực hóa “quyền được bảo đảm an sinh xã hội” của công dân và “bình đẳng về cơ hội để công dân thụ hưởng phúc lợi xã hội, phát triển hệ thống an sinh xã hội…” quy định tại Điều 34 và Điều 59 của Hiến pháp năm 2013.

Toạ đàm trực tuyến: Để Bảo hiểm xã hội tự nguyện thêm sức hút ảnh 1

Ông Trần Hải Nam, Phó Vụ trưởng Vụ BHXH – Bộ Lao động, Thương Binh và Xã hội.

- Theo ông, vì sao với vai trò quan trọng như vậy, tới nay phát triển BHXH tự nguyện lại chưa đạt kỳ vọng như khi đề ra chính sách?

Ông Trần Hải Nam, Phó Vụ trưởng Vụ BHXH – Bộ Lao động, Thương Binh và Xã hội:

Qua đánh giá tổng kết 10 năm triển khai thực hiện chính sách BHXH tự nguyện cho thấy, bên cạnh những kết quả đã đạt được thì việc triển khai chính sách BHXH tự nguyện vẫn còn những hạn chế, phản ánh ở số lượng người tham gia BHXH tự nguyện vẫn còn chiếm tỷ lệ rất thấp so với lực lượng lao động trong độ tuổi.

Một số nguyên nhân chính đó là: - Đối tượng tham gia BHXH tự nguyện là những người lao động không thuộc diện tham gia BHXH bắt buộc. Do đó, đối tượng chính của BHXH tự nguyện là những người lao động thuộc khu vực phi chính thức, khu vực không có quan hệ lao động theo hợp đồng, lao động tự làm ở khu vực nông thôn,…

Với đặc điểm của nhóm đối tượng này là công việc và thu nhập không ổn định, mặt bằng bình quân thu nhập thấp,… từ đó dẫn tới những khó khăn trong tham gia đóng góp BHXH tự nguyện.

Những khó khăn, hạn chế về tài chính cùng với mức độ quan tâm của người dân đối với chính sách vẫn còn chưa cao, từ đó cũng tạo những khó khăn trong công tác tuyên truyền, vận động.

Sự quan tâm chỉ đạo, sự vào cuộc của các cấp ủy đảng, chính quyền, địa phương trong những năm đầu khi triển khai chính sách vẫn còn thiếu quyết liệt, chưa thực hiện việc giao chỉ tiêu phát triển đối tượng cụ thể, gắn với việc đánh giá mức độ hoàn thành nhiệm vụ chính trị của từng địa phương, cấp cơ sở,… từ đó con số phát triển đối tượng trong giai đoạn đầu là hết sức khiêm tốn.

Bên cạnh những hạn chế trong công tác tổ chức, triển khai thực hiện chính sách thì bản thân chính sách BHXH tự nguyện vẫn còn những nội dung cần tiếp tục hoàn thiện, như: - BHXH tự nguyện mới chỉ được thực hiện với 2 chế độ là hưu trí và tử tuất, đây là những chế độ dài hạn, đòi hỏi thời gian đóng góp tích lũy kéo dài (người tham gia cần phải đóng góp tối thiểu 20 năm và đợi đủ điều kiện về tuổi đời mới đủ điều kiện để hưởng lương hưu,…) từ đó dẫn tới những e ngại, khó khăn trong thuyết phục, vận động người dân tham gia.

Mặc dù Nhà nước đã có chính sách hỗ trợ mức đóng cho những người tham gia BHXH tự nguyện bắt đầu thực hiện từ năm 2018, tuy nhiên mức hỗ trợ còn thấp, các nhóm đối tượng để được tiếp cận mức hỗ trợ cao hơn còn hẹp, từ đó chưa tạo động lực để người dân sẵn sàng tham gia.

Tại Nghị quyết số 28-NQ/TW ngày 23/5/2018 của Hội nghị lần thứ bảy Ban Chấp hành Trung ương Khóa XII về cải cách chính sách BHXH đã đặt ra yêu cầu đối với việc hoàn thiện hệ thống chính sách pháp luật và đổi mới phương thức tổ chức thực hiện chính sách để khắc phục những hạn chế trên.

- Những chế độ khi người dân tham gia BHXH tự nguyện là gì, thưa ông?

Ông Trần Hải Nam, Phó Vụ trưởng Vụ BHXH – Bộ Lao động, Thương Binh và Xã hội:

Phải khẳng định, bảo hiểm xã hội tự nguyện là một trong những chính sách BHXH của nhà nước, có tính ưu việt. So với bảo hiểm thương mại, mang lại quyền lợi, thụ hưởng cao hơn. Hiện tại với chính sách hiện hành thì người dân khi tham gia và đảm bảo điều kiện về thời gian đóng góp sẽ được hưởng hai chế độ là hưu trí và tử tuất, bao gồm: hưởng lương hưu hàng tháng trọn đời, được cấp thẻ BHYT miễn phí trong suốt quá trình hưởng lương hưu, mức lương hưu sẽ được điều chỉnh trên cơ sở mức tăng của chỉ số giá tiêu dùng và tăng trưởng kinh tế để đảm bảo thu nhập của người nghỉ hưu; khi người đang tham gia BHXH hoặc đã nghỉ hưu mất thì thân nhân được hưởng chế độ tử tuất với trợ cấp tuất và trợ cấp mai táng…

Với quy định chính sách trên về cơ bản đảm bảo tương đồng với việc thực hiện chế độ hưu trí và tử tuất trong chính sách BHXH bắt buộc, người tham gia BHXH được đảm bảo mức hưởng dựa trên mức đóng góp và thời gian đóng góp (đóng nhiều hưởng nhiều), ngoài ra người thụ hưởng còn được hưởng lợi từ việc thiết kế chính sách hiện nay đang nghiêng về đối tượng thụ hưởng với mức hưởng đang được quy định cao hơn nhiều so với mức đóng góp.

Ngoài đa dạng phương thức và mức đóng, về cơ bản, BHXH tự nguyện hoàn toàn tương tự BHXH bắt buộc. Việt Nam được quốc tế đánh giá đang là quốc gia có tỷ lệ thụ hưởng cao so với khu vực. Tuy nhiên, xét về mức độ hấp dẫn thì như tôi đã nói ở trên, do việc chỉ quy định thực hiện với 2 chế độ hưu trí và tử tuất với thời gian đóng góp kéo dài dẫn tới việc người dân ngại chờ đợi, và không mặn mà tham gia BHXH tự nguyện.

Do đó, ngoài quyền lợi dài hạn, BHXH tự nguyện cần thiết phải có các chế độ ngắn hạn, có thể nhìn thấy trước mắt để thu hút người tham gia. Như đã nói, lý do ít người quan tâm đến BHXH tự nguyện có cả lý do khách quan và chủ quan. Có thể kể ra, công tác tuyên truyền chưa thực sự tạo niềm tin cho người dân; điều kiện, khả năng thu nhập còn thấp; điều kiện để người dân tiếp nhận chính sách chưa được đầy đủ. Tóm lại, chính sách ưu việt rồi nhưng phải gắn được với nhu cầu, mong đợi của người dân.

Toạ đàm trực tuyến: Để Bảo hiểm xã hội tự nguyện thêm sức hút ảnh 2

Ông Lê Minh Toản, Phó Tổng Biên tập Báo Tiền Phong tặng hoa các vị khách mời

- Chính sách cần linh hoạt ra sao để không chỉ lôi cuốn người lao động tham gia BHXH tự nguyện mà còn giữ chân họ ở lại với hệ thống, thưa ông?

Ông Trần Hải Nam, Phó Vụ trưởng Vụ BHXH – Bộ Lao động, Thương Binh và Xã hội:

Thực hiện Nghị quyết số 28-NQ/TW ngày 23/5/2018 của Hội nghị lần thứ bảy Ban Chấp hành Trung ương Khóa XII về cải cách chính sách BHXH, vấn đề về chính sách BHXH tự nguyện đã được đưa ra thảo luận và đưa ra một số giải pháp về chính sách để thu hút người lao động tham gia BHXH, đồng thời giữ chân họ với hệ thống:

Sửa đổi về điều kiện thời gian tham gia bảo hiểm xã hội để hưởng chế độ hưu trí theo hướng giảm dần số năm đóng góp tối thiểu từ 20 năm hiện nay xuống 15 năm, hướng tới còn 10 năm để tạo điều kiện cho nhiều người lao động có cơ hội được tiếp cận lương hưu.

Thực hiện các gói BHXH tự nguyện ngắn hạn linh hoạt để người tham gia có nhiều cơ hội lựa chọn, đáp ứng nhu cầu, nguyện vọng của người dân.

Hàng năm phối hợp với cơ quan ban ngành, hỗ trợ tiền đóng.

Kế hoạch trong giai đoạn 2021 – 2022 trình Chính phủ để trình lên Quốc hội để sửa đổi, bổ sung Luật Bảo hiểm Xã hội.

Cụ thể hóa được các nhu cầu, nguyện vọng của người dân trong quá trình tham gia BHXH tự nguyện thời gian qua.

Mở rộng phạm vi bao phủ, khi mà chính sách gần với nhu cầu của người dân thì mới có thể phát huy được triệt để tính ưu việt.

MỚI - NÓNG
Hai nữ du khách thiệt mạng trong Rừng Khỉ thiêng
Hai nữ du khách thiệt mạng trong Rừng Khỉ thiêng
TPO - Mới đây, hai du khách đã thiệt mạng trong một vụ tai nạn bất ngờ xảy ra tại Khu bảo tồn Rừng Khỉ thiêng ở Ubud, Bali, Indonesia. Theo thông tin từ ban quản lý khu rừng, nguyên nhân ban đầu của sự cố được cho là một "cơn gió mạnh và bất ngờ" đã làm một cây lớn đổ xuống, gây tai nạn thương tâm.