Tọa đàm: 'Giải pháp nào đảm bảo an ninh nguồn nước sạch tại Hà Nội?'

TPO - Sau một số sự cố về nước sạch vừa qua, để dư luận bạn đọc hiểu rõ và được cung cấp đầy đủ thông tin hơn về quy hoạch, phân vùng cũng như quá trình sản xuất, cung cấp nước sạch tại Hà Nội hiện nay; cùng với đó là các biện pháp để đảm bảo an ninh nguồn nước sinh hoạt cung cấp cho người dân Thủ đô, Báo Tiền Phong tổ chức buổi Tọa đàm trực tuyến với chủ đề “Giải pháp nào đảm bảo an ninh nguồn nước sạch tại Hà Nội?”.  
Toạ đàm nước sạch chuẩn

Nhấn F5 để cập nhật nội dung mới nhất

31/10/2019 09:02

Sau một số sự cố về nước sạch gần đây, đặc biệt là nguồn nước sạch sông Đà bị ô nhiễm vừa qua cho thấy, vấn đề đang được dư luận hết sức quan tâm, bao gồm: (1) Quy trình, trách nhiệm việc kiểm soát chất lượng nước sông Đà hiện nay ra sao? (2) Những lỗ hổng pháp lý cần được lấp đầy trong tiến trình xây dựng thị trường cung ứng dịch vụ công thiết yếu, ở đây là mặt hàng nước sạch. (3) Nước sạch khi đã xã hội hóa, để cho doanh nghiệp tư nhân kinh doanh thì phải có chế tài quản lý chất lượng ra sao? (4) An ninh nguồn nước: Bộ TN&MT, Bộ Xây dựng đều đã có những Thông tư liên quan đến phạm vi bảo vệ nguồn nước, nhưng đến nay thực hiện còn những bất cập gì? Những vấn đề trên sẽ được giải đáp trong buổi Tọa đàm trực tuyến với chủ đề “Giải pháp nào đảm bảo an ninh nguồn nước sạch tại Hà Nội?”.

31/10/2019 09:07

Tham dự buổi tọa đàm có khách mời đại diện các cơ quan chức năng:

1. Đại diện Bộ Xây dựng: TS Trần Anh Tuấn - Phó Cục Trưởng cục Hạ tầng Kỹ thuật 

2. Đại diện Sở Y tế Hà Nội: Vũ Kiên Trung, Phó khoa Sức khỏe môi trường - Y tế trường học

3. Ông Nguyễn Trần Anh – Phó Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường Hòa Bình

4. Ông Phạm Văn Sơn - Tổng Thư ký Hội Bảo vệ Thiên nhiên và Môi trường Việt Nam, Giám đốc Trung tâm ứng phó sự cố môi trường Việt Nam. 

5. Luật sư Diệp Năng Bình, Đoàn Luật sư TP HCM

6. TS Trần Anh Tuấn - Giám đốc Trung tâm R&D Tập đoàn Tân Á Đại Thành

31/10/2019 09:29

Tọa đàm: 'Giải pháp nào đảm bảo an ninh nguồn nước sạch tại Hà Nội?' ảnh 1 Nhà báo Phùng Công Sưởng, Phó Tổng Biên tập báo Tiền Phong mở đầu Tọa đàm trực tuyến
Nhà báo Phùng Công Sưởng, Phó Tổng Biên tập báo Tiền Phong phát biểu: Chúng ta ở đây phần đông đang sử dụng nguồn nước của Hà Nội, trong đó phần lớn là từ nước sông Đà. Đi vào hoạt động 10 năm nay, với sự phát triển của Hà Nội, nhà máy nước sông Đà đã giải cơn khát nước. Tuy nhiên, nhà máy cũng đã xảy ra 18 – 20 lần vỡ đường ống, và sự cố lần này nước bị nhiễm bẩn.

Sau khi sự cố xảy ra, ảnh hưởng đến hàng triệu người dân, với phạm vi 7 quận huyện ở Hà Nội, trong số đó nhiều người trong chúng ta chứng kiến. Nhiều tờ báo cơ quan truyền thông đã vào cuộc sự cố này, coi như thảm họa về nước sạch. Chúng ta nhìn lại những hình ảnh hàng đoàn người xếp hàng lấy nước, nhiều trường học, bệnh viện, khu dân cư, dịch vụ công cộng thiếu nước, khan hiếm nước, phải chờ đợi để tiếp cận được nước sạch. Trước đây vào giai đoạn bao cấp mới nhìn thấy.

Qua sự cố đó đến thời điểm này thì đã công bố nước sạch đảm bảo, trở lại tâm lý bình thường khi sử dụng nguồn nước đó. Tuy nhiên, qua sự cố đặt ra rất nhiều câu hỏi, về vai trò của cơ quan nhà nước, giám sát về an toàn, an ninh nguồn nước. Báo Tiền Phong là báo đầu tiên phát hiện sự cố, được các cộng tác viên ở Hòa Bình cung cấp hình ảnh, video những người đi vớt dầu trên suối. Ngay trong ngày nghỉ thì phóng viên báo Tiền Phong đã lên điều tra, xác minh, dấu hiệu vi phạm dần hé lộ...

31/10/2019 09:39

Tọa đàm: 'Giải pháp nào đảm bảo an ninh nguồn nước sạch tại Hà Nội?' ảnh 2 Tiến sĩ Trần Anh Tuấn, Phó Cục trưởng Cục Hạ tầng Kỹ thuật Bộ Xây dựng
Trả lời câu hỏi, vấn đề đảm bảo an ninh nguồn nước được quy định thế nào? Tổ chức các nhà máy, giám sát thế nào? Tiến sĩ Trần Anh Tuấn, Phó Cục trưởng Cục Hạ tầng Kỹ thuật Bộ Xây dựng cho biết: Về chức năng nhiệm vụ, Bộ Xây dựng đã tham mưu cho Chính phủ ban hành các định hướng chiến lược, chính sách về nước sạch đô thị; ban hành việc tổ chức xây dựng kế hoạch về cấp nước; ban hành các quy chuẩn tiêu chuẩn và định mức kĩ thuật, hướng dẫn chỉ đạo việc thực hiện cấp nước đô thị...

Vấn đề báo đặt ra về bảo vệ nguồn nước thì ngoài chức năng của Bộ thì các Bộ khác cũng có chức năng. Về tài nguyên nước thì Bộ TN&MT, còn về chất lượng thì bộ Y tế, còn các địa phương thì thực hiện nhiệm vụ được giao, ví dụ chỉ đạo xây dựng các danh mục bảo vệ nguồn nước, lập danh mục bảo vệ nguồn nước, cắm mốc bảo vệ nguồn nước, kiểm tra và xử lý các vi phạm khi có vi phạm... Ngoài ra, trong Quy chuẩn 01/2008 về lĩnh vực quy hoạch xây dựng, thì đối với từng loại nguồn nước thì có thể bảo vệ khác nhau, nước ngầm khác nước mặt.

Ở đây là nước mặt, thì quy định, bờ hồ phẳng, bờ hồ dốc có khác nhau. Bờ hồ phẳng thì bảo vệ là khoảng cách tối thiểu 300 mét, còn bờ dốc thì bảo vệ toàn bộ lưu vực. Và ở đấy thì các hành vi bị cấm thì cũng đã quy chuẩn rồi, ví dụ không được trồng cây ăn trái, sử dụng thuốc hóa học, ảnh hưởng đến nguồn nước. Ngoài ra thì Nghị định 177 có quy định về cung cấp, sản xuất nước sạch, thì có quy định đơn vị cấp nước phải tham gia bảo vệ, đơn vị khai thác hồ, suối cũng phải tham gia bảo vệ.

Nói chung về quy phạm pháp luật thì đầy đủ rồi, còn về thực hiện thì có hạn chế. Ví dụ , trong quy hoạch được phê duyệt thì phải cắm mốc địa giới bảo vệ, nhưng về địa phương lại chưa hoặc không thực hiện cắm mốc bảo vệ, nhiều khi sự cố xảy ra. Ô nhiễm nhỏ thì khó xác định, ô nhiễm lớn, do vô ý thức thì lại khác đi. Đó là một cái mà chúng tôi mong muốn thì từ T.Ư đến địa phương thì phải hướng dẫn thực hiện, đặc biệt là Cty cấp nước phải bảo vệ...

31/10/2019 09:52

Tọa đàm: 'Giải pháp nào đảm bảo an ninh nguồn nước sạch tại Hà Nội?' ảnh 3 ông Nguyễn Trần Anh – Phó Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường Hòa Bình
Nói về những khó khăn trong đảm bảo an ninh nguồn nước, ông Nguyễn Trần Anh – Phó Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường Hòa Bình cho biết: Trong sự cố nước vừa qua, Sở TN&MT Hòa Bình đã thực hiện các việc cần thiết theo quy định như phê duyệt quy định trong quá trình thực hiện; Quyết định về việc phê duyệt danh mục các nguồn nước phải lập hành lang bảo vệ trong đó có dòng sông Đà chảy qua địa phần Hòa Bình; Quyết định phê duyệt phương án cắm mốc hành lang bảo vệ nguồn nước và chỉ giới phạm vi bảo vệ công trình thủy lợi hồ Đầm Bài trên đại bàn xã Phú Minh và xã Hợp Thành, huyện Kỳ Sơn tỉnh Hòa Bình...

Để đảm bảo an ninh nguồn nước cần tập trung vào 2 việc: Bảo vệ nguồn nước không bị cạn kiệt, đảm bảo nguồn nước không bị ô nhiễm. Việc này gặp một số khó khăn như: Các Công ty lấy nước từ hồ Đầm Bài có diện tích lớn lên tới 16,6km2, nguồn nước lấy chính từ sông Đà cũng là con sông rất lớn chảy từ Trung Quốc, vấn đề đảm bảo về lưu lượng phải đề ra các phương án lâu dài tổng thể đảm bảo vệ sinh an ninh nguồn nước thì chúng ta phải cố gắng giữ tương đối đảm bảo nước đủ vệ sinh để sử dụng sinh hoạt. Phần đảm bảo vệ sinh nước sinh hoạt thì trách nhiệm phần nhiều từ các nhà máy xử lý nước. Nguồn nước không được sử dụng trực tiếp phải qua xử lý để đưa vào sử dụng. Trách nhiệm nhà máy xử lý phải kiểm định được đầu vào đầu ra.

31/10/2019 10:10

Nói về các giải pháp tỉnh Hòa Bình yêu cầu Công ty nước sạch sông Đà đảm bảo an ninh đầu vào cho nguồn nước, đại diện Sở TN&MT Hòa Bình cho biết: Hồ Đầm Bài được xây dựng với mục tiêu thủy lợi từ năm 1994 cung cấp nước tưới tiêu cho 3 xã thuộc huyện Kỳ Sơn. Hồ Đầm Bài có lưu vực 16.6km. Sau khi nhà máy xây dựng vào 2005, hồ Đầm Bài đã kết hợp cung cấp nước thô cho nhà máy sản xuất nước. Kết hợp như thế khó cho công tác quản lý với lượng nước cần dùng lớn thì bộ phận quản lý thường bơm nước Sông Đà vào đầy hồ. Với mực nước đầy như thế rất khó kiểm soát được chất lượng nước ở thân đập. Chất lượng nước kém đi nhiều khi không thể đảm bảo được.

Nguyên nhân khiến nguồn nước hồ Đầm Bài xuống cấp cũng một phần vì Hòa Bình là tỉnh miền núi, địa hình có độ dốc lớn, khi trời mưa nước đều dồn xuống đó, nước sinh hoạt nước thải đều bị chảy xuống theo độ dốc, chất lượng đầu vào kém đòi hỏi tăng chi phí xử lý.

Trước mắt, có hai phương án được tỉnh đề ra đó là sử dụng nguồn nước dưới lòng đất, hoặc dẫn thẳng nước sông Đà vào nhà máy. Tuy nhiên phương án sử dụng nguồn nước dưới lòng đất không thể đảm bảo được vệ sinh. Nên phương án dẫn thẳng nước sông Đà vào nhà máy được ưu tiên hơn. Khi dẫn thẳng nước sông Đà vào nhà máy chất lượng nước thô sẽ đảm bảo hơn lấy từ hồ Đầm Bài. Theo tôi, dẫn thẳng nước sông Đà vào là phương án hợp lý.

31/10/2019 10:12

Tọa đàm: 'Giải pháp nào đảm bảo an ninh nguồn nước sạch tại Hà Nội?' ảnh 4 Ông Phạm Văn Sơn, Tổng Thư ký Hội Bảo vệ Thiên nhiên và Môi trường Việt Nam, Giám đốc Trung tâm Ứng phó sự cố môi trường Việt Nam
Ông Phạm Văn Sơn, Tổng Thư ký Hội Bảo vệ Thiên nhiên và Môi trường Việt Nam, Giám đốc Trung tâm ứng phó sự cố môi trường Việt Nam phát biểu: Về vấn đề đảm bảo an ninh nguồn nước có 3 khâu phải được kiểm soát chặt chẽ. Thứ nhất là đảm bảo an ninh nguồn nước thô để đưa vào sản xuất. Hai là đảm bảo an ninh nguồn nước toàn bộ quá trình sản xuất. Ba là đảm bảo an ninh cho quá trình nước từ nhà máy đến người dân.

Với việc đảm bảo an ninh nguồn nước thô để đưa vào sản xuất: Phải có một quy hoạch vùng sử dụng nước thô an toàn để cấp cho nhà máy, nguồn nước đang được chúng ta sử dụng rất nhiều mục đích, một dòng sông vừa dùng để khai thác nước sinh hoạt, vừa cho phép các hoạt động tiềm ẩn nguy cơ sự cố như: vận chuyển hàng hóa, kể cả hàng hóa nguy hiểm, cơ sở kinh doanh xăng dầu dưới sông, các cảng thủy nội địa, các cơ sở chế biến, lưu chứa sử dụng kinh doanh xăng dầu hóa chất gần khu vực bờ sông. Tất cả những cái đó tiềm ẩn nhiều rủi ro.

Ví dụ tàu gặp tai nạn, nếu là tàu chở hàng hóa thông thường thì chỉ có sự cố tràn dầu, nếu hàng hóa là hóa chất độc hại thì vừa là sự cố tràn dầu, vừa là sự cố hóa chất. Dòng sông đang được dùng với nhiều chức năng như vậy, chúng ta phải tính toán lại. Kinh nghiệm của nước ngoài trong đảm bảo an ninh nguồn nước, ngay cả khu vực nước ngầm trên cạn, người ta không cho phép phương tiện vận chuyển dầu hóa chất chạy trên tuyến đường mà ở dưới có nước ngầm và yêu cầu tất cả xe chở hóa chất, độc hại phải đi đường vòng vì quá trình lưu thông có nguy cơ xảy ra sự cố. Đó là cách họ phòng ngừa chủ động. Trường hợp không có đường vòng thì họ yêu cầu phải có đơn vị ứng phó chuyên nghiệp đi hộ tống để nếu có sự cố thì ứng phó ngay để hóa chất không có xâm nhập vào nước ngầm.

Với vận tải đường thủy, nguy cơ va đâm rất cao, ở sông Đà, phương tiện thủy nội địa khoảng 300 tàu thuyền, quá nửa là thuyền du lịch trên thượng nguồn, hoạt động vận tải thủy nội địa trên sông Đà ít liên quan đến hàng hóa nguy hiểm so với các dòng sông khác. Cần lắp đặt các thiết bị quan trắc online tự động, liên tục phát hiện sớm các nguồn độc hại trước khi bơm vào nhà máy. Chúng ta không loại trừ nguyên nhân, ngoài sự cố khách quan có những sự cố chủ quan, cố ý phá hoại. Đặt vấn đề là nếu liên quan khủng bố, phá hoại thì hệ thống quan trắc sẽ hỗ trợ chúng ta.

Với vấn đề đảm bảo an ninh nguồn nước toàn bộ quá trình sản xuất: Trong nhà máy không chỉ kiểm soát chặt chẽ người lạ ra vào mà cần phải kiểm soát chặt chẽ cả nhân công lao động làm việc tại kho hóa chất cho đến từng phân xưởng. Ai làm ở đâu, ra vào giờ nào. Ba là đảm bảo an ninh đường ống dẫn nước từ nhà máy đến người dân: Cả hệ thống đường ống dài như thế, đầu tiên phải đảm bảo vật liệu ống dẫn nước từ nhà máy đến khu dân cư thực sự an toàn với sức khỏe con người. Phải có các biện pháp đảm bảo an ninh, tránh hoạt động khủng bố, phá hoại, bơm hóa chất độc hại vào đường ống dẫn nước.

31/10/2019 10:27

Tọa đàm: 'Giải pháp nào đảm bảo an ninh nguồn nước sạch tại Hà Nội?' ảnh 5  
Nói về các giải pháp đảm bảo an ninh nguồn nước sông Đà, tiến sĩ Trần Anh Tuấn, Phó Cục trưởng Cục Hạ tầng Kỹ thuật Bộ Xây dựng cho biết:  Sau khi làm việc, chúng tôi có ý kiến đề nghị trước mắt là phải khắc phục, cô lập vùng ô nhiễm, làm sạch đất, cỏ, các khu vực nguồn thải từ kênh mương dẫn vào. Thứ hai là phải súc xả nhà máy, dừng cung cấp nước. Đối với mạng lưới truyền dẫn phân phối cũng phải dừng, súc xả toàn bộ. Xem nước sông Đà đi đến đâu phải súc xả đến đó, thậm chí đến cả bể nước của các chung cư.

Chúng tôi cũng đề nghị, Cty phải phối hợp với chính quyền bảo vệ hành lang an toàn nguồn nước. Lắp đặt camera, phát hiện sự cố phải báo chính quyền. Cty phải phối hợp nhân lực, tài sản để phối hợp, bảo vệ, nhưng xử lý là phải chính quyền. Việc lắp hệ thống cảnh báo sớm để có sự cố thì dừng ngay, thông báo cho chính quyền, thông báo cho người dân.

Trong xử lý sự cố đó thì cũng phải có trách nhiệm cung cấp nước đảm bảo nhu cầu tối thiểu cho người dân. Chúng tôi cũng đề nghị Sở xây dựng Hà Nội thì phải phối hợp với các cơ quan chức năng giám sát súc xả đường ống, khi đạt tiêu chuẩn thì báo với chính quyền, người dân. Hà Nội nên có phương án điều tiết các nguồn nước để cung cấp đảm bảo nhu cầu tối thiểu cho người dân. Bộ cũng đề nghị UBND tỉnh Hòa Bình phối hợp với Cty đảm bảo chặt chẽ an ninh, an toàn cho nguồn nước. Hôm qua chúng tôi vừa thành lập đoàn kiểm tra đi xem súc xả đường ống xem thế nào. Các giải pháp đã được thực hiện, có cái đã làm, có cái đang làm.

Về giải pháp lâu dài, thì Nghị định 117 cũng quy định xây dựng chương trình đảm bảo cấp nước an toàn gồm 9 nội dung. Thủ tướng cũng thành lập Ban chỉ đạo của Ban cấp nước an toàn, tổ chức thực hiện cho 63 tỉnh thành. Các nội dung đầy đủ hết từ đánh giá hiện trạng, rủi ro, quan trắc,... thậm chí thực tập tại các đơn vị cấp nước, nếu có sự cố thì xử lý thế nào.

Chương trình này cũng đã hoạt động, phối hợp với Hội cấp thoát nước Việt Nam, Tổ chức y tế thế giới... hướng dẫn cho 63 tỉnh thành, nhưng mới có 49/63 tỉnh thành có Ban chỉ đạo. Kế hoạch cấp nước an toàn thì có 41/63. Trong kế hoạch thì quan trọng nhất là đơn vị cung cấp nước thì phải có kế hoạch cung cấp nước an toàn cho chính Cty mình, hiện chỉ có 35 công ty thôi, mà trong khi cả nước có hơn 300 công ty.

Nước là một loại thực phẩm ảnh hưởng tất cả mọi người, không thay thế được. Trước đây Nghị định 130,132 thì quy định đây là dịch vụ công, bây giờ thành có điều kiện kinh doanh. Theo tôi, cái này cần xem xét lại. Một điều nữa, cổ phần hóa là chủ trương đúng, giảm được vốn đầu tư, minh bạch hóa, nhưng đối với ngành cấp nước thì có hạn chế, vì tài sản thuộc về doanh nghiệp, mục tiêu an sinh an toàn xã hội xếp sau lợi nhuận. Hơn nữa, văn bản quy định về cấp nước mới ở cấp Nghị định, chưa thành luật, có trong các luật thì cũng có một phần thôi. Mục tiêu an sinh xã hội chưa phải là mục tiêu đầu tiên. Cần đưa thành luật để có khung pháp lý, vận hành quản lý tốt hơn. Đó là những cái chúng tôi mong muốn đảm bảo được và thực thi.

Đối với hồ Đầm Bài thì việc tìm kiếm nguồn thay thế hay phương án dự phòng thì trong kế hoạch cấp nước an toàn có phương án rồi, thậm chí là sự cố thì phải có phương án dự phòng. Quy chuẩn quy định các việc đó. Nếu thực thi được toàn bộ thì an toàn hơn. Nhưng khi xã hội hóa thì giá nước lại do doanh nghiệp lại đề xuất. Khi các phương án bảo vệ... thì giá nước cũng sẽ tăng lên. Phải chú ý đến điều này. Một vấn đề nữa là việc giao cho các doanh nghiệp cấp nước vùng phục vụ cấp nước, cần phải thông qua chính quyền địa phương. Nghị định bây giờ ghi là thỏa thuận, nhưng cần nâng lên, ràng buộc hơn về tính pháp lý. Lúc đó xử lý công việc, trách nhiệm các đơn vị liên quan sẽ tốt hơn. Sau này Bộ sẽ rà soát lại một số văn bản. Địa phương phải hăng hái quan tâm nhiều hơn. Một trong những hạn chế là thành lập ban chỉ đạo ở địa phương nhưng kiêm nhiệm, công việc nhiều, các Cty kinh doanh cấp nước cũng phải có trách nhiệm báo cáo địa phương để thực hiện.

31/10/2019 10:36

Tọa đàm: 'Giải pháp nào đảm bảo an ninh nguồn nước sạch tại Hà Nội?' ảnh 6 Luật sư Diệp Năng Bình, Đoàn luật sư TP HCM 

Về trách nhiệm của Cty nước sạch sông Đà, Luật sư Diệp Năng Bình, Đoàn luật sư TP HCM phân tích: Tôi đánh giá cao tỉnh Hòa Bình trong việc sớm khởi tố vụ án, truy tìm đối tượng làm nhiễm bẩn và kiến nghị xây kênh dẫn nước kín để dẫn nước từ sông Đà về nhà máy, không sử dụng hồ Đầm Bài là hồ chứa nước trung chuyển, sơ lắng, dự trữ nước thô như hiện nay.

Vấn đề mấu chốt ở đây là tại sao một Giám đốc doanh nghiệp, khi phát hiện ra sự cố lại không ngăn chặn ngay từ đầu mà vẫn cấp nước cho người dân. Việc này về mặt pháp lý thì doanh nghiệp phải chịu trách nhiệm và bị xử lí nghiêm minh. Đồng thời, sau sự việc này, Bộ Xây Dựng, Bộ Y tế cũng nên xây dựng quy chuẩn về những người lãnh đạo doanh nghiệp.

Còn đối với vấn đề bồi thường thiệt hại, trước nay mọi người thường cho rằng mối quan hệ giữa Nhà máy nước sạch sông Đà và người dân là mối quan hệ trực tiếp. Nhưng trên thực tế, nước sạch sông Đà đã bán cho người dân qua một công ty cung cấp nước khác, do đó người dân kí hợp đồng với đơn vị cung cấp nước nào thì phải yêu cầu đơn vị đó bồi thường thiệt hại. Tuy nhiên, việc thu thập chứng cứ để bồi thường thiệt hại cho người dân là rất khó.

31/10/2019 10:39

Tọa đàm: 'Giải pháp nào đảm bảo an ninh nguồn nước sạch tại Hà Nội?' ảnh 7 TS Trần Anh Tuấn, đại diện Tân Á Đại Thành

Phát biểu tại buổi tọa đàm, đại diện Tân Á Đại Thành cho biết: Từ khi có sự cố, người dân nhiều người đi mua bình nước 20L, nhiều cửa hàng cháy hàng. Tuy nhiên, có giải pháp tiết kiệm hơn là mua máy lọc nước RO, vì nó rẻ hơn nhiều so với nước bình. Nhu cầu cấp thiết của người dân là nước uống và nấu ăn. Hiện Tân Á Đại Thành có máy RO Aqualast thiết kế nhiều cấp lọc khác nhau. Máy RO Aqualast thiết kế như 1 nhà máy lọc nước mini, có loại bỏ tạp chất hữu cơ rồi qua các lớp lọc bằng than hoạt tính (hấp thụ mùi, màu, styren…). Sau khi được xử lý cơ bản thì đi qua màng lọc RO, các kim loại nặng, virus thì không thể đi qua. Rồi tiếp đến các ống tia tử ngoại để khử trùng. Đây là sơ lược về kỹ thuật của máy lọc nước. Đối với sự cố vừa rồi, máy lọc hoàn toàn có thể xử lý nước để nấu ăn, sinh hoạt. Các lõi lọc của máy lọc nước Tân Á Đại Thành được phát triển trên sự hợp tác với các đối tác uy tín trên thế giới. Ví dụ, lõi lọc RO Aqualast được cung cấp bởi tập đoàn DOW (Dupont) của Mỹ, đơn vị hàng đầu thế giới về công nghệ lọc RO nên người dùng hoàn toàn có thể yên tâm về chất lượng nước sau lọc.

31/10/2019 10:49

Về các giải pháp phòng chống các sự cố ô nhiễm, ông Phạm Văn Sơn, Tổng Thư ký Hội Bảo vệ Thiên nhiên và Môi trường Việt Nam, Giám đốc Trung tâm ứng phó sự cố môi trường Việt Nam cho biết: Chúng ta phải đặt vấn đề phòng ngừa lên hàng đầu: chỉ có phòng ngừa mới giảm thiểu được tác hại với cộng đồng còn khi sự cố đã xảy ra thì ứng phó cũng chỉ giảm thiểu tác động. Với sự cố nhà máy sông Đà, từ chiều 17/10, khi chúng tôi triển khai hàng loạt màng lọc dầu chuyên dụng thì có thể hoàn toàn yên tâm là toàn bộ dầu thải độc hại không còn cơ hội vào trạm bơm nhà máy. Hoạt động ứng phó khẩn cấp đã kết thúc. Các khâu tiếp theo chỉ là hoàn thiện như dọn dẹp chỗ nào dính dầu thì đưa về bãi tập kết.Trong quá trình dọn dẹp sẽ có một lượng dầu nhất định nhả ra suối nhưng không có gì đáng lo ngại vì đã bị gần 50 màng lọc bố trí dọc suốt theo suối Trầm, suối Bằng và kênh dẫn nước như các vệ sỹ “bắt giữ” dầu khuếch tán trong nước.

Vừa rồi là xử lý tình huống, chúng ta phải có giải pháp phòng ngừa, như tôi đã nói cần có có hệ thống quan trắc online tự động, liên tục. Với rủi ro đến từ dầu thải, cần thiết lập và duy trì các màng lọc, không chỉ riêng với nhà máy nước mà với tất cả các cơ sở công nghiệp, các cửa hàng kinh doanh xăng dầu, các điểm rửa xe để kiểm soát ô nhiễm dầu hàng ngày và phòng ngừa chủ động sự cố tràn dầu 24/7

Tọa đàm: 'Giải pháp nào đảm bảo an ninh nguồn nước sạch tại Hà Nội?' ảnh 8
 

Sau một số sự cố về nước sạch gần đây, đặc biệt là nguồn nước sạch sông Đà bị ô nhiễm vừa qua cho thấy, vấn đề đang được dư luận hết sức quan tâm, bao gồm: (1) Quy trình, trách nhiệm việc kiểm soát chất lượng nước sông Đà hiện nay ra sao? (2) Những lỗ hổng pháp lý cần được lấp đầy trong tiến trình xây dựng thị trường cung ứng dịch vụ công thiết yếu, ở đây là mặt hàng nước sạch. (3) Nước sạch khi đã xã hội hóa, để cho doanh nghiệp tư nhân kinh doanh thì phải có chế tài quản lý chất lượng ra sao? (4) An ninh nguồn nước: Bộ TN&MT, Bộ Xây dựng đều đã có những Thông tư liên quan đến phạm vi bảo vệ nguồn nước, nhưng đến nay thực hiện còn những bất cập gì?...

Buổi tọa đàm có sự tham gia của đại diện các đơn vị có liên quan, gồm:

Lãnh đạo Cục Hạ tầng kỹ thuật (Bộ Xây dựng)

Lãnh đạo Phòng Hạ tầng kỹ thuật đô thị (Sở Xây dựng Hà Nội)

Lãnh đạo Trung tâm Kiểm soát bệnh tật (Sở Y tế Hà Nội)

Lãnh đạo Sở TN&MT tỉnh Hòa Bình

Lãnh đạo Trung tâm Phát triển bền vững tài nguyên nước

Lãnh đạo Trung tâm ứng phó sự cố môi trường Việt Nam-SOS

 Các chuyên gia về nước sạch và môi trường, các luật sư…

Buổi tọa đàm sẽ diễn ra từ 9h00 ngày 31/10/2019 (Thứ Năm), tại tòa soạn báo Tiền Phong, số 15 Hồ Xuân Hương, Q.Hai Bà Trưng, TP Hà Nội.

Báo Tiền Phong kính mời bạn đọc đặt câu hỏi cho đại diện các đơn vị liên quan, chuyên gia, nhà khoa học theo địa chỉ mail: online@baotienphong.com.vn. Báo Tiền Phong trân trọng cảm ơn! 

MỚI - NÓNG