Đó là chia sẻ của ông Nguyễn Ngọc Cơ - Phó Tổng Giám đốc Tập đoàn công nghiệp Than - Khoáng sản Việt Nam (TKV) - liên quan đến việc TKV tham gia đảm bảo an ninh năng lượng cho quốc gia, tại Triển lãm quốc tế về Công nghiệp khai thác, khôi phục tài nguyên khoáng sản và xây dựng - Mining Vietnam 2022, đang diễn ra tại Hà Nội.
Theo ông Cơ cho biết, do phải đảm bảo an sinh xã hội và thực hiện nhiệm vụ Chính phủ giao, TKV đang phải chịu thiệt lớn khi giá bán than cho các hộ tiêu thụ chưa theo giá thành sản xuất, nhất là than bán cho sản xuất điện.
“Các chi phí liên quan đến khai thác của tập đoàn ngày càng tăng do phải khai thác xuống sâu hơn. Việc phải đầu tư nhiều hơn khi khai thác ở tầng sâu khiến giá thành khai thác trên mỗi tấn than tăng lên nhiều so với trước kia, trong khi lượng tiêu thụ, cung ứng than cho các hộ tiêu thụ lớn trong nước như sản xuất điện, thép, xi măng vẫn giữ nguyên. Đặc biệt, giá thành vẫn được giữ nguyên so với 5 năm, chưa tăng đồng nào”, ông Cơ cho hay.
Theo lãnh đạo TKV, với việc giá bán than không được tính đủ các chi phí sản xuất khiến tập đoàn chịu thiệt lớn khi sản lượng than cho sản xuất điện chiếm tới 80% tổng sản lượng khai thác. Chỉ có than xuất khẩu thì được bán theo thị trường thế giới nhưng sản lượng của than xuất khẩu chỉ chiếm khoảng trên 10% trong tổng lượng khai thác của tập đoàn.
Về việc đảm bảo cung cấp than cho các hộ tiêu thụ lớn cũng như đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia, cũng theo lãnh đạo TKV, tập đoàn mỗi năm khai thác, sản xuất hơn 40 triệu tấn. Theo chỉ đạo của Chính phủ, tập đoàn luôn có kế hoạch hàng năm để sản xuất, đảm bảo cân đối nguồn cung cho các hộ tiêu thụ như điện, đạm, xi măng… Tuy nhiên giá thế giới đang ở mức cao đang là thách thức và là thiệt thòi mà tập đoàn đang phải chịu.
|
Liên quan đến việc đảm bảo cung ứng than cho sản xuất điện, thông tin từ Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) cho biết, ngoài nguồn mua trong nước do TKV và Tổng Công ty Đông Bắc cung ứng, tập đoàn cũng phải nhập khẩu thêm rất nhiều để phục vụ cho việc sản xuất điện.
Tính chung trong 8 tháng đầu năm 2022, giá thành khâu phát điện (chiếm 82,45% trong giá thành điện thương phẩm) tăng quá cao do giá than nhập tháng 8 trung bình 417,4 USD/tấn, tăng 3,48 lần so với kế hoạch năm. Việc giá than nhập khẩu tăng cao cũng khiến cho EVN chịu sức ép rất lớn khi giá điện nhiều năm qua chưa được điều chỉnh và không được tính đủ các chi phí trong giá thành.
Tại buổi làm việc giữa lãnh đạo EVN và TKV về cung cấp than cho sản xuất điện năm 2022 và chuẩn bị cho mùa khô năm 2023 mới đây, Phó Tổng Giám đốc EVN Ngô Sơn Hải cho biết, tổng khối lượng than cấp trong quý II của TKV cho EVN vẫn thấp hơn khối lượng than cam kết trong biên bản 2 bên đã ký kết (đạt 96,75%).
Tính chung trong 7 tháng đầu năm, tổng khối lượng than mà TKV cấp cho các nhà máy nhiệt điện của EVN là 10,093 triệu tấn than (chỉ tính khối lượng than đã nhập vào kho của các nhà máy điện, không tính khối lượng than đang trên đường vận chuyển và đang chờ bốc dỡ), tương đương với 96,45% tổng khối lượng hợp đồng của 7 tháng.
Đánh giá của EVN cho thấy, về cơ bản khối lượng than cấp đã đáp ứng nhu cầu vận hành của các nhà máy nhiệt điện, riêng nhiệt điện Vĩnh Tân 2 còn thiếu khoảng 400.000 tấn.
Đại diện EVN cũng đề nghị TKV thu xếp nguồn than để đảm bảo đủ nhiên liệu cho EVN phát điện trong năm 2022. Về lâu dài, EVN cũng chỉ đạo Tổng Công ty Phát điện 3 (EVNGENCO 3) thực hiện việc chuẩn bị đủ than cho sản xuất điện của Nhà máy nhiệt điện Vĩnh Tân 2 theo đúng chỉ đạo của Thủ tướng tại chỉ thị số 29/CT-TTg, cũng như các quy định có liên quan.