Tình yêu nơi đất thép

0:00 / 0:00
0:00
TP - Chị Lê Thị Sương là du kích của Trung đội nữ du kích Củ Chi (đơn vị đã được phong tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang) nói rằng: “Trong chiến đấu chúng tôi không biết sợ kẻ thù nào, nhưng trong tình yêu thì ai cũng bẽn lẽn và ngượng ngùng, chỉ biết âm thầm chờ đợi suốt cả thời thanh xuân”.

Đội nữ du kích oai hùng

Chị Lê Thị Sương sinh 28/3/1947, tham gia du kích 1960. Chị Sương kể: “Những năm 1960, Mỹ đổ quân vào miền Nam. Huyện Củ Chi thành lập Trung đội nữ du kích Củ Chi với tinh thần “Giặc đến nhà đàn bà cũng đánh”. Lúc thành lập đội chỉ có ba là Đội trưởng Nguyễn Thị Nê, Chính trị viên Trần Thị Nhỡ và tôi. Chúng tôi đi các nơi kêu gọi chị em tham gia đội và chỉ thời gian ngắn đội đã có 20 người. Huyện đội cử anh Sáu Hùng sang huấn luyện, thao tác súng đạn,huấn luyện 32 điều tâm niệm của quân Giải phóng. Chúng tôi tập bắn tỉa, chống càn, tập công kiên, tập kích, pháo kích…”.

Trung đội du kích nữ Củ Chi có 100% thành viên là nữ. Họ sống trong địa đạo, ngay sát căn cứ của Mỹ đặt tại Đồng Dù. Trang phục thì ai có gì mặc nấy, đa số là áo bà ba từ nhà đem đi. Súng ống ban đầu đa số là súng trường. “Hoạt động đầu tiên của đội là dùng súng trường đi bắn tỉa. Chúng tôi ở rất gần địch, chỉ cần ho là nó đã nghe liền”. Mỗi lần đánh, họ đi một tiểu đội 5-6 người, chia làm hai tổ. Thoắt ẩn thoắt hiện, đội nữ du kích Củ Chi lập nhiều chiến công và được tham gia nhiều trận đánh lớn, vô cùng ác liệt.

Chị Sương kể: “Trong trận chống càn ở ấp Vườn Trầu, tiểu đội tôi được cử hỗ trợ một khẩu đội ĐKZ của Tiểu đoàn 7. Địch bao vây tìm cách tiêu diệt hỏa lực mạnh của chúng ta. Đơn vị chúng tôi chìm trong bão lửa. Súng bị hư, bộ đội bị thương gần hết. Anh Hùng là cán bộ tiểu đoàn hy sinh. Em Trinh là nữ du kích cùng đội tôi bị đạn gãy cả hai chân. Tôi thì bị gãy tay, gãy xương hàm, đạn găm vào sườn. Hai chị em không đi nổi, bèn lết vào một cái hầm. Tối hôm đó, khi địch rút đi, anh em vào trận địa đưa chúng tôi về trạm xá”.

Tình yêu nơi đất thép  ảnh 1

Chị Lê Thị Sương bên những bức ảnh Trung đội nữ du kích Củ Chi nhận danh hiệu anh hùng Ảnh: T.N.A

Chữa lành vết thương, các nữ du kích trở lại chiến đấu.

Nhiều năm đã qua, sống trong hòa bình, nhưng chị Sương vẫn nhớ mãi trận quyết tử ở Rừng Tre. Chị nói: “Bom đạn cày xới, tổ chúng tôi chỉ còn lại 5 người đàn ông và mình tôi là nữ, đều chui hết vào một cái hầm nhỏ. Địch tiến vào trận địa. Ông Ba Rắc, khẩu đội trưởng nói với tôi: “Khi nào chúng tao chết hết mày mới được lên nha Sương”.

Ông Ba Rắc lên bắn xong trái B40 thì hy sinh ngay tại miệng hầm. Anh Hùng lên, bắn 1 trái cũng hy sinh. Anh Gối, rồi anh Đức, cuối cùng là anh Bé lên bắn cũng hy sinh cả. Còn mình tôi, súng thì hết đạn. Địch đến gần. Tôi giả vờ chết, kéo xác bộ đội che cho tôi. Địch vào tới nơi, tưởng quân ta chết hết rồi nên nó càn qua”.

Lời thề không thấy mặt

Chuyện tình yêu của chị Sương hoàn toàn do gia đình sắp đặt. Nơi chiến trường, chị không sợ ai, nhưng về nhà lại rất sợ mẹ, vâng lời mẹ. Chị Sương tủm tỉm: “Mẹ tôi và má chồng tôi là bạn thân với nhau. Hai bà hứa với nhau sau này làm thông gia. Mẹ tôi bảo tôi rằng, phải giữ lấy lời, đừng thay đổi. Tôi theo sự sắp đặt của mẹ, chẳng dám yêu ai”.

Nhưng rồi… người con trai mà chị chờ đợi cứ đi mãi. Anh là bộ đội sư đoàn 9 chủ lực, quanh năm chiến đấu, không rõ sống chết ra sao. Chị vẫn chờ anh, dù chưa một lần thấy mặt.

Sau ngày 30/4/1975, đất nước thống nhất, chị vẫn không thấy anh về. Nhưng người nữ du kích Củ Chi vẫn chờ đợi, cứ tin rằng anh vẫn còn sống. Cuối cùng, người lính sư đoàn 9 đã về tìm chị, đúng như lời hứa với mẹ của anh ấy, đó là tìm về đất Củ Chi, tìm về đội nữ du kích oai hùng.

Tôi gặp chị Sương trong ngôi nhà nhỏ tại Củ Chi. Chồng chị trải qua chiến đấu nhiều năm, sức khỏe yếu, hầu như chỉ nằm một chỗ. Họ có 3 người con. Chị Sương bảo: “Cuộc đời chúng tôi cống hiến cho Tổ quốc, ngôi nhà cũng không có, căn nhà này là nhà tình nghĩa được cơ quan đoàn thể tặng cho vợ chồng”.

Tình yêu nơi đất thép  ảnh 2

Chị Đỗ Thị Hồng (trái) đang kể chuyện với các đồng đội về những ngày làm binh vận ngay trên chiến trường Củ Chi Ảnh: T.N.A

“Mỹ nhân kế”

Du kích Củ Chi có nhiều mũi hoạt động, trong đó có binh vận, bí mật thuyết phục địch hợp tác với quân giải phóng.

Chị Đỗ Thị Hồng là cô gái đẹp nhất làng. Chị được lựa chọn để làm công tác binh vận. Hễ có địch đổ xuống Củ Chi, chị sẽ đi ra, lân la để làm quen nắm tình hình.

Chị Hồng kể: “Tôi thường ăn mặc đẹp, đứng ở trước sân nhà. Thấy binh lính trẻ hành quân quân cười bắt chuyện thì tôi niềm nở bảo: Cuộc sống làng quê ở đây thích lắm các anh ạ. Anh nào thích làm nông dân thì cởi áo lính ở lại nhà với em”.

Thấy địch đang muốn càn vào chỗ quân ta đang ẩn náu, chị bảo với lính ngụy: “Em ở đây lâu nay em biết, chỗ đó nguy hiểm lắm, không chừng có lựu đạn cài. Dân làng chúng em không bao giờ vào chỗ đó. Các anh đừng vô đó nguy hiểm lắm anh ơi! Thích ăn gì em nấu cho mà ăn”.

Một lần Mỹ đổ quân chuẩn bị càn vào khu rừng gần làng, trong đó có nhiều thương binh ta. Chị Hồng ra làm binh vận, nghĩ cách làm sao địch không vào khu rừng ấy.

Chị nói chuyện với lính Mỹ, nhưng chị lại không biết tiếng Mỹ. Chị cứ múa may, ra vẻ rất nghiêm trọng. Địch gọi máy bay trực thăng chở phiên dịch tới. Chị nói với phiên dịch: “Người Mỹ bảo em dẫn họ vào rừng. Nếu lỡ có Việt Cộng, họ bắn ra, người Mỹ cũng bắn vào, thì em ở giữa em chết mất anh ơi!”.

Chàng phiên dịch trẻ hỏi: “Nếu trong rừng có Việt Cộng thì sao?”. Chị Hồng nói: “Nếu có thì anh hãy bắn em”. Người lính phiên dịch thuyết phục sĩ quan Mỹ hồi lâu và cuối cùng lính Mỹ không đi vào khu rừng nữa.

Chị Hồng nói: “Thực sự thì nhiều anh lính cộng hòa thích tôi. Thậm chí sau 30/4/1975 còn có người tìm tôi, nhưng bà con bảo: Chồng cô ấy tập kết mới về đó. Thế là anh chàng si tình kia thôi không về tìm tôi nữa”.

Thật ra chẳng có “anh chồng tập kết” nào cả. Người chị Hồng thương là một anh lính đặc công mà chị vẫn thường dẫn đi trinh sát đồn địch. Chị kể: “Mọi người hùn vào, bảo: Nó thương mày đó Hồng, mà nó hiền lắm”.

Chị Hồng bị kẻ chiêu hồi đầu hàng địch chỉ điểm nên chị bị bắt từ năm 1972 và ngồi tù cho đến ngày giải phóng. Những ngày tháng đó, chị không có tin tức gì về anh lính đặc công. Khi đất nước hòa bình thống nhất, anh về lại đất thép Củ Chi tìm chị và chị cũng mới ra tù, họ nên duyên vợ chồng. Chồng chị là anh Nguyễn Văn Thọ, anh chàng đặc công hiền lành năm xưa nay được phong Anh hùng lực lượng vũ trang.

Tình yêu nơi đất thép  ảnh 3

Chị Nguyễn Thị Nga với tấm ảnh chụp Đội nữ du kích Củ Chi năm 1966 Ảnh: T.N.A

Vá áo nên duyên

Nguyễn Thị Nga là nữ chiến sĩ thuộc Trung đội nữ du kích Củ Chi anh hùng.

Chị Nga kể: “Trung đội du kích chúng tôi lúc đông nhất là 60 chị em. Không ai có người yêu, cũng chẳng ai nghĩ chuyện chồng con. Tất cả chỉ lo chiến đấu. Các anh bộ đội thì coi chúng tôi như đám em gái”. Chị Nga cũng bùi ngùi kể: “Đơn vị chúng tôi hy sinh 24 người, rất nhiều người chưa biết đến tình yêu”.

Chị Nga kể cho tôi về những ngày nữ du kích chiến đấu, đặt mìn. Chị nói: “Năm 1967, chúng tôi đánh mìn vào lúc Mỹ hành quân càn quét, làm chúng chết và bị thương mấy chục tên”. Năm 1968, Mậu Thân, đội nữ du kích vào huyện lỵ Củ Chi, bắt sống cả đồn địch giao cho bộ đội. Bọn địch đầu hàng, rồi nói với nhau: “Hóa ra đơn vị này toàn là nữ Việt Cộng!”.

Chị Nga nhớ mãi những ngày tháng vui vẻ: “Đơn vị tôi có hai đứa hay ca hát là Lan và Hà, bom nín rồi là chúng nó ca hát tùm lum. Bom B52 dội xuống, người lăn từ góc này qua góc kia trong hầm. Bom ngưng lại hát”.

Chị Nga lấy chồng là do Út Nhỡ - thủ trưởng đơn vị làm mai mối. Chị biết anh sau lần vá áo cho anh. Út Nhỡ nói: “Hai người đẹp đôi, nên đến với nhau”. Họ chỉ có thể tổ chức đám cưới khi chị bị thương nặng, được đi an dưỡng.

Chuyện tình người nữ anh hùng Bảy Nê

Chị Nguyễn Thị Nga nhớ mãi chuyện tình của nữ anh hùng Bảy Nê (Nguyễn Thị Nê), thủ trưởng đơn vị Nữ du kích Củ Chi.

Chị Nga kể: “Bảy Nê như con trai,lúc nào cũng gọn gàng, bỏ áo vô thùng. Bà ấy không sợ ai, thấy giặc không ngán. Có anh cán bộ tên Thương, rất hiền. Chị em trong đội mới bảo: “Chị Bảy thương anh đi”. Anh kia cũng hỏi: “Em tên gì?”. Bảy Nê đáp: “Nê anh”. Tất cả chuyện của họ có vậy thôi”.

Đội trưởng của Trung đội nữ du kích Củ Chi - Liệt sĩ Nguyễn Thị Nê đã được Đảng - Nhà nước truy tặng danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân vào ngày 30/8/1995.

Với những thành tích chiến công phi thường, Trung đội nữ Du kích Củ Chi đã được Chủ tịch nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam phong tặng danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân vào năm 2018.

Sau đó một thời gian, anh Thương bị thương, đưa vào bệnh xá. Bảy Nê nghe tin liền vào thăm, nhưng tới nơi anh đã hy sinh.

Chị Nga nhớ lại: “Anh Thương hy sinh, mọi người khiêng anh từ trạm xá về nhà anh ấy trên một chiếc võng. Một mình Bảy Nê khiêng một đầu, đi trước, không cho ai đụng vào. Còn lại phía sau thì cứ thay nhau mà khiêng. Quãng đường vòng vèo qua ruộng nương, cỡ 20 cây số, mà Bảy Nê không nói câu gì, cứ cặm cụi khiêng. Ai cũng lo, không biết Bảy Nê nghĩ gì và sẽ như thế nào đây? Tuy nhiên, chị vẫn đứng vững và tiếp tục chỉ huy đơn vị chiến đấu”.

Nguyễn Thị Nê -người Trung đội trưởng đầu tiên của Trung đội nữ du kích Củ Chi đã hy sinh vào tháng 10/1969, khi chỉ mới 22 tuổi.

4/2022

MỚI - NÓNG